Bạn tăng ca thế nào sẽ phản ánh mức độ thành công của bạn thế ấy: Là sợ sếp la mắng hay cho rằng bản thân "mình đồng da sắt"?

06/12/2018 09:20 AM | Sống

Dù không bài xích tăng ca, nhưng cũng đừng tăng ca một cách mù quáng.

Không phải cứ tăng ca thì có thể nâng cao hiệu suất công việc

Tôi có một anh bạn học cùng hồi cấp ba, chuyên ngành của anh ta là kỹ sư máy móc, sau khi tốt nghiệp, mặc dù anh rất cố gắng để tìm việc nhưng vẫn không thể kiếm được công việc phù hợp. Sau này bởi vì yêu thích các sản phẩm điện tử, anh đã gia nhập vào một công ty làm về thiết kế phần mềm điện thoại. Mặc dù đãi ngộ ở đây rất tốt, nhưng xung quanh có quá nhiều yếu tố tác động khiến anh cứ mãi suy nghĩ về việc có nên tiếp tục làm ở đây hay không.

Công ty lúc nào cũng yêu cầu làm thêm giờ, nhưng hiệu quả mang lại và số tiền lời công ty nhận được vẫn không cao. Nhìn thái độ làm việc mỗi ngày của cấp trên, anh cho rằng đây không phải là tương lai mà anh mong muốn. Anh nói với tôi, anh không bài xích tăng ca, nhưng cũng không muốn ép bản thân tăng ca một cách mù quáng.

Sau một thời gian dài suy nghĩ, anh quyết định xin thôi việc và xin vào làm ở một công ty có mức lương thấp hơn. Công ty này không có danh tiếng lớn như công ty kia, nhưng bù lại anh rất ít khi phải làm thêm giờ, lãnh đạo chỉ huy và sắp xếp công việc rất rõ ràng, ổn thỏa, số tiền lợi nhuận công ty nhận được cũng tăng nhanh gấp nhiều lần so với công ty cũ, đãi ngộ của nhân viên ở đây cũng dần trở nên tốt hơn rất nhiều.

Bạn thấy đấy, tăng ca không phải việc xấu, nó giúp nhân viên có thêm tiền và hoàn thành lượng công việc còn chưa xong. Nhưng nếu cứ tăng ca theo kiểu không có kiểm soát thế này, không chỉ không phát triển mà trái lại còn dễ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực khác.

Bạn tăng ca thế nào sẽ phản ánh mức độ thành công của bạn thế ấy: Là sợ sếp la mắng hay cho rằng bản thân mình đồng da sắt?  - Ảnh 1.

Tiền tăng ca có đủ cho tiền bệnh không?

Có nhiều người rất thích tăng ca, bởi vì tiền tăng ca gấp đôi hoặc có khi gấp ba số tiền họ được nhận. Ngày trước khi tôi còn là sinh viên, cứ mỗi dịp hè, tôi thường xin vào làm thời vụ ở những công ty trong khu công nghiệp. Lương cơ bản ở đó không cao, chính vì vậy có rất nhiều công nhân ở đó đăng ký xin tăng ca làm thêm giờ. Thậm chí có những người còn tỏ ra tiếc nuối khi không được tăng ca mỗi ngày. Bởi vì nhà nước có số giờ tăng ca được quy định cụ thể, nên các công ty ở đây cũng không dám để công nhân tăng ca quá giờ quy định.

Lúc mới ra trường, tôi đã từng xin vào làm trong một công ty sản xuất. Bởi vì chưa có kinh nghiệm, lại là người mới, nên cấp trên thường bảo tôi ở lại làm thêm giờ để giải quyết cho xong công việc. Đối với một người mới như tôi, phải ở lại tăng ca là một việc chứng tỏ tôi còn yếu kém, chưa đủ năng lực giải quyết vấn đề. Chứ nếu có đủ năng lực, tôi đã làm xong cùng lúc giống mọi người rồi. Nhưng đối với những người mới vào công ty cùng lúc với tôi lại khác. Họ tỏ ra tiếc nuối vì không có cơ hội tăng ca, cũng khá ganh tỵ với tôi vì được sếp ký giấy duyệt ở lại tăng ca.

Nhưng bạn có nghĩ đến không, "cuồng" tăng ca để nhân đôi tiền, chỉ là một cách đánh đổi sức khỏe để lấy tiền mà thôi. Cơ thể con người làm bằng máu thịt chứ không phải sắt thép, bạn cứ bắt cơ thể làm việc quá sức, lại chỉ ăn tạm bợ những thức ăn nhanh ít chất dinh dưỡng và đầy cholesterol thì làm sao nó có thể hoạt động lâu dài được. Vì sao nhà nước quy định thời gian làm việc bình thường không quá 8h/ngày? Đó là vì mong muốn cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi và lấy lại sức.

Tôi biết, có rất nhiều người nghèo, điều kiện khó khăn muốn thay đổi cuộc sống. Thế nên cứ lao đầu vào công việc một cách mù quáng. Nhưng bạn có nghĩ đến chưa, nếu một ngày cơ thể bạn không còn chịu nổi, bị mắc những bệnh mãn tính khó trị thì liệu những số tiền tăng ca "gấp đôi", "gấp ba" kia có đủ cho bạn chữa bệnh hay không?

Bạn tăng ca thế nào sẽ phản ánh mức độ thành công của bạn thế ấy: Là sợ sếp la mắng hay cho rằng bản thân mình đồng da sắt?  - Ảnh 2.

Đừng nghĩ rằng cứ tăng ca là sếp sẽ đánh giá cao bạn

Bạn biết không? Hiện tại có rất nhiều người lợi dụng việc tăng ca để nâng cao tiền lương của mình. Lợi dụng thế nào?

Họ không cố gắng làm tốt công việc trong giờ làm việc, mà chỉ thong thả lén ăn vặt, tám chuyện, lướt web để chờ đến chiều nộp giấy xin sếp tăng ca với lý do: công việc quá tải. Đây là những người có đạo đức nghề nghiệp kém. Cũng chính vì vậy mà những người lãnh đạo hiện nay đều có chung một suy nghĩ, đó là đánh giá nhân viên qua năng lực giải quyết vấn đề và kết quả mà bạn mang lại cho công ty, chứ không phải xem thời gian làm việc của bạn dài hay ngắn.

Cho nên nếu bạn thuộc top người siêng năng, cần cù, thích làm thêm giờ để được sếp khen ngợi, biểu dương thì xin thưa... bạn nên từ bỏ suy nghĩ này đi.

Có nhiều người ngầm so sánh bản thân với những người lười biếng kia và cho rằng việc này thật bất công. Bạn nên biết, thế giới này vốn đã không công bằng. Có nhiều thứ hiện thực sẽ vô cùng khác biệt với lý thuyết.

Thế nên, không phải cứ tăng ca nhiều là bạn sẽ có thể tăng hiệu suất công việc, làm giàu hay khiến sếp nhìn bằng đôi mắt khác.

Nên nhớ, tăng ca không phải việc xấu. Thế nhưng dù không bài xích tăng ca, cũng nên tăng ca có mục đích và có kế hoạch rõ ràng, cụ thể, hợp lý.


Thiên Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM