Bạn nghĩ mình xứng đáng để được tin tưởng giao vị trí mới nhưng lại không nhận được bất kỳ điều gì? 4 lý do ngăn cản bạn thăng chức

17/08/2021 08:27 AM | Kinh doanh

Có thể họ đang không nhận ra giá trị của bạn.

Rất nhiều người trẻ cảm thấy hụt hẫng và thất bại sau cuộc đánh giá hiệu suất nhân viên cuối năm. Bởi lại một lần nữa, họ đã bỏ lỡ cơ hội thăng chức của mình.

Tôi rất hiểu cảm giác này. Bạn nghĩ rằng mình xứng đáng để được tin tưởng, được thăng chức nhưng lại không nhận được bất kỳ điều gì, thật bực bội. Và sẽ còn khó chịu hơn khi sếp của bạn không nói rõ lý do, tại sao bạn chưa/ không thể nhận chức vụ đó.

Tôi không tìm cớ để bao che hay bảo vệ cho họ. Nhưng có thể, đến một lúc nào đó, sếp của bạn sẽ nói cho bạn biết, bạn đang yếu ở đâu và đưa ra những lời khuyên, giải pháp để bạn khắc phục điều đó.

Sau hơn 10 năm làm việc với tư cách là một nhà quản lý nhân sự, tôi đã biết một vài lý do phổ biến khiến nhân viên không được thăng chức. Bạn có thể dành một chút thời gian để suy nghĩ về những điều tôi nói và biết đâu, bạn sẽ xác định được vấn đề của mình, ngay cả khi không có sự giúp đỡ của người quản lý.

Dưới đây là 4 lý do khiến bạn có thể không được thăng chức:

Bạn chưa thể hiện được vai trò của một người điều hành

Có nhiều quan niệm khác nhau về vai trò của một người điều hành. Gerry Valentine, một huấn luyện viên điều hành doanh nghiệp từng nói với Forbes rằng: "Vai trò của một giám đốc điều hành là truyền cảm hứng, đem đến cho bạn sự tự tin".

Nhưng "tự tin vào điều gì?".

Tôi tin một người điều hành tốt có thể đem lại sự tự tin cho một ai đó. Họ sẽ giúp bạn tự tin vào khả năng của bản thân trong công việc và sự linh hoạt trong cách tiếp cận các tình huống. Chắc chắn, bạn có thể cảm nhận được điều đó. Hãy nhìn xem, cách bạn nói chuyện với sếp có giống như cách bạn nói với bạn cùng phòng ở trường đại học của mình không?

Những người điều hành thật sự luôn luôn quan tâm đến mọi người xung quanh và những sự thay đổi dù là nhỏ nhất. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi được giao phụ trách một chương trình hợp tác với các trường đại học. Điều đó có nghĩa là tôi phải xử lý tất cả việc tuyển dụng các sinh viên thực tập của công ty. Và một ngày nọ, thật tồi tệ khi một trong những người tôi thuê đã đi chung thang máy với Giám đốc Tiếp thị mà không hay biết, anh ta vẫn thản nhiên kể với một thực tập sinh về chuyến đi cuối tuần say xỉn của mình.

Bạn chưa biết cách điều chỉnh cảm xúc

Ngay từ khi mới bắt đầu, tôi đã rất nóng lòng để được thăng chức vào vị trí quản lý. Tôi nghĩ mình sẽ thật sự 'thành công' khi có một đội nhân viên dưới quyền. Và nó trở thành mục tiêu duy nhất của tôi.

Nhưng để điều đó có thể xảy ra, tôi cần phải tìm cách điều chỉnh cảm xúc của mình. Tôi thấy mình thật may mắn khi được làm việc cùng một nhà lãnh đạo tâm huyết, luôn dành thời gian và nhắc nhở tôi về điều đó.

Thông qua DISC và các bài kiểm tra tính cách, tôi biết mình là một người mạnh mẽ. Tôi có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến những mục tiêu và kết quả của chúng, mà ít chú ý đến cảm xúc và hơi bộc trực trong phong cách giao tiếp.

Lãnh đạo của tôi đã kiên nhẫn giải thích lý do tại sao những điều đó đang là trở ngại đối với tôi. Để trở thành một nhà lãnh đạo thật sự, tập trung vào kết quả là quan trọng nhưng không phải vì thế mà bỏ qua hết tất cả những cảm xúc của các thành viên trong đội. Con người có rất nhiều cảm xúc, và chúng luôn đan xen với nhau. Tôi cần phải tìm ra cách để kiểm soát, điều chỉnh ít nhất một số cảm xúc trong công việc nếu tôi muốn trở thành một nhà lãnh đạo.

Nghĩ rằng mình xứng đáng để được tin tưởng giao vị trí mới nhưng lại không nhận được bất kỳ điều gì, đây là 4 lý do khiến bạn không được thăng chức - Ảnh 1.

Bạn có một thái độ tiêu cực

Những ngày đầu mới vào nghề, tôi thực sự rất giỏi trong việc tìm ra các vấn đề. Và bạn biết tôi sẽ làm gì tiếp theo không? Tôi đã rất vui vẻ mà đi "khoe" ngay với sếp của mình những điều đó. Tất nhiên, tôi không phải là người xử lý chúng. Bởi tôi nghĩ nó không phải việc mà mình cần phải bận tâm.

Nhưng thực tế, suy nghĩ này chính là vấn đề. Phần lớn, mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra những sai lầm hay các vấn đề trong công việc. Các công ty không trả tiền để bạn chỉ ra những vấn đề mà có thể họ đã biết. Họ trả tiền để bạn sử dụng bộ não của mình để suy nghĩ và đưa ra giải pháp cho những vấn đề đó.

Là một người trẻ, bạn có khả năng để làm được điều này bởi bạn đang có những gì mà những người kỳ cựu không có. Bạn có một góc nhìn tươi mới và những quan điểm sáng tạo. Hãy sử dụng nó hiệu quả.

Lần tới, khi bạn gặp phải một vấn đề, thay vì phàn nàn về nó hoặc thể hiện thái độ tiêu cực về những điều không như mong muốn, hãy thử thách bản thân bằng cách suy nghĩ 3 giải pháp khả thi để giải quyết chúng.

Có thể những giải pháp đó không quá hoàn hảo. Mỗi thứ sẽ có ưu và nhược điểm, và thậm chí sếp của bạn có thể không chọn một điều nào mà bạn nghĩ ra, nhưng họ sẽ biết rằng: bạn là người đang suy nghĩ và tập trung vào các giải pháp.

Bạn chưa nỗ lực hết sức mình

Tôi thấy rất nhiều người đi làm mỗi ngày, họ làm tốt công việc của mình, và sau đó là chờ đợi một vài năm để được thăng chức. Hãy để tôi cho bạn biết một bí mật nhỏ:

Chỉ làm tốt công việc của mình là không đủ.

Những người được thăng chức thường là những người đang làm nhiều việc hơn những gì được đề ra trong bản mô tả công việc của họ. Họ vẫn cố gắng, nỗ lực ngay cả khi không được yêu cầu làm điều đó.

Lần cuối cùng bạn muốn ngỏ ý giúp sếp của bạn cất khay thức ăn là khi nào? Bạn có bao giờ thực sự nghĩ rằng: "Mình vừa có một tuần làm việc chưa hiệu quả và đáng lẽ, mình có thể làm làm tốt hơn thế."? Hay bạn chỉ lặng lẽ ngồi và hy vọng không ai để ý, phát hiện ra bạn đang dùng Reddit cả ngày?

Tại sao những người nỗ lực hết mình lại nhanh chóng có được thành công?

Bởi họ đã chứng minh cho mọi người thấy năng lực của mình. Họ thể hiện khao khát học hỏi và muốn trải nghiệm những điều mới mẻ. Họ sẵn sàng "hi sinh" thời gian, công sức để giảm bớt khối lượng công việc cho tập thể.

Có người từng nói rằng: "Tất cả những quyết định quan trọng nhất về bạn cũng như sự nghiệp của bạn sẽ không được thực hiện khi bạn có mặt tại đó". Là một người đã tham gia vô số bài đánh giá năng lực, các cuộc họp lập kế hoạch kế nhiệm và các cuộc phỏng vấn, tôi có thể chứng thực điều này.

Ban lãnh đạo cấp cao liên tục đánh giá xem họ có thật sự tin tưởng vào khả năng đánh giá, hiệu suất công việc và tiềm năng các cơ hội trong tương lai của bạn hay không. Mỗi một khoảnh khắc tại nơi làm việc sẽ như một cuộc phỏng vấn cho những cơ hội tiếp theo. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa những khoảnh khắc đó.

Mộc Dương

Cùng chuyên mục
XEM