Bán lẻ Việt Nam từng hấp dẫn số 1 thế giới, hơn cả Hồng Kong, Singapore. Nhưng nay top 30 cũng không giữ nổi

18/05/2016 09:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2008, Việt Nam từng được đánh giá là một trong những quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh. Nhưng sự hấp dẫn đã tụt lùi dần theo thời gian.

Đó là thông tin được TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Thương Mại - Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo Thị trường bán lẻ Việt Nam cơ hội và thách thức diễn ra sáng nay 18/5 tại Hà Nội.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, TS Lê Huy Khôi cho hay, trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ ở Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và sôi động.

Thống kê từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.242,9 ngàn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước.

Đến năm 2020, theo quy hoạch cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 Trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD. Trong đó, thị phần bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010-2012.

Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ đạt 11,9%, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%.

Mặc dù khẳng định thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua đã gặt hái nhiều thành công lớn, song TS Khôi cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, thống kê của Bộ Công Thương, doanh số bán lẻ, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4%.

Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ có khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với một điểm của các siêu thị nội, do quy mô lớn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt người tiêu dùng Việt Nam thuộc hàng trẻ nhất Châu Á và ngày càng mạnh chi tiêu.

Tuy nhiên, theo TS Lê Huy Khôi, có một sự thụt lùi lớn trong thị trường bán lẻ Việt Nam so với các nước trên thế giới.

Năm 2008, Việt Nam từng được A.T.Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ, đánh gíá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, hơn cả Hồng Kong, Trung Quốc Singapore hay Mailaysia.

Sau đó, Việt Nam dần dần tụt hạng. Từ vị trí số 1 năm 2008, Việt Nam đã rớt xuống thứ 5 vào năm 2009, thứ 14 vào năm 2010, thứ 23 vào năm 2011, thứ 28 vào năm 2014. Và đến nay, đã lọt khỏi top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 41 trên thế giới.

Lý giải về sự tụt hạng này, TS Khôi cho hay: "Nguyên nhân của tình trạng suy giảm về cả lượng và chất là do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế tế giới, khó khăn của kinh tế trong nước với những vấn đề từ môi trường vĩ mô và hoạt động vĩ mô. Vấn đề tiết kiệm chi tiêu tỏng điều kiện khủng hoảng, khả năng chi trả thấp do suy giảm thu nhập đã kéo theo yêu cầu tiêu dùng suy giảm".

Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp sản xuất và hoạt động cầm chừng. Giá trị tăng thêm của nhiều ngành thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tiêu dùng giảm sút khi sản xuất bị thu hẹp, một số người mất việc làm, thu nhập thấp dẫn đến sự sụt giảm trong tiêu dùng của các hộ gia đình.

Chi phí đầu vào và duy trì hoạt động cho một cơ sở bán lẻ hiện đại cao dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp, vay vốn ngân hàng khó khăn, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế...

"Khó khăn đầu tiên là khó khăn về vốn. Các doanh nghiệp nước ngoài được sự hỗ trợ tiếp sức của công ty mẹ nên họ trường vốn, vì thế có thể chịu lỗ 5-7 năm. Trong khi đó, với doanh nghiệp trong nước không chỉ mỏng vốn mà với cơ chế tài chính hiện tại, chỉ cần lỗ 2-3 năm liên tục đã không có vốn để hoạt động", TS Khôi nhấn mạnh.

Thuỵ Du

Cùng chuyên mục
XEM