Bài học xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp đầu tiên xuất thịt lợn Việt Nam theo đường chính ngạch

02/07/2018 13:53 PM | Kinh doanh

Nước nào cũng có quy định riêng, doanh nghiệp Việt phải thật năng động học quy định và tuân thủ quy định.

Tháng 5/2018, container thịt lợn của tập đoàn Mavin (doanh nghiệp Việt liên doanh với Australia) đã cập cảng Yangon, Myanmar, trở thành lô thịt lợn tươi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu thành công theo đường chính ngạch.

"Đến ngày hôm nay thì toàn bộ lượng thịt đó đã được đem ra siêu thị Yangon ở Myanmar và tiêu thụ hết hoàn toàn," ông Đào Mạnh Lương – Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin tự hào chia sẻ.

Theo lãnh đạo tập đoàn này, thịt heo đã được xuất khẩu với giá khá cao, "cao hơn khoảng 15% so với giá trung bình của thị trường quốc tế, còn cao hơn giá họ nhập từ thị trường Tây Ban Nha."

Theo ông Lương, tập đoàn Mavin với đối tác tập đoàn Sojitz Nhật Bản đã mất tới 1 năm để làm việc với bên Myanmar trước khi đàm phán thành công.

"Nên tìm hiểu thật rõ quy định của nước sở tại."

Ngoài tiêu chí quan trọng là chứng minh được chất lượng thịt (đảm bảo có thể truy xuất được nguồn gốc lại toàn bộ), và làm tốt các khâu liên quan đến phòng chữa bệnh, thì việc tuân thủ theo quy định của nước sở tại là một rào cản lớn mà Mavin đã vượt qua để xuất khẩu được.

Khi được hỏi khâu nào là khó nhất, ông Lương cho hay: "Là khâu chứng minh về an toàn dịch bệnh là khó nhất, do các quy định khác nhau (so với Việt Nam – PV)."

"Mỗi một nước thì sẽ có một quy định khác nhau. Nên đáp ứng quy định của họ: Quy định của họ yêu cầu các tiêu chuẩn gì. Cơ quan thẩm định thế nào...."

Bài học xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp đầu tiên xuất thịt lợn Việt Nam theo đường chính ngạch - Ảnh 2.

Ông Đào Mạnh Lương – Tổng giám đốc Mavin

"Ở Việt Nam không có cơ quan thịt nhưng ở Myanmar có Ủy ban nhập khẩu thịt quốc gia. Ngoài Bộ Thương mại thì cần xin phê duyệt ở cơ quan đó…", ông Lương nêu ví dụ.

Theo ông Lương, sau khi tập đoàn làm việc với các đối tác, đưa ra các đánh giá về an toàn dịch bệnh, chứng nhận về các bệnh theo quy định, khi thịt của Việt Nam chuyển qua Myanmar, một cơ quan độc lập của Myanmar sẽ kiểm định nhằm đảm bảo rằng đúng như cam kết phía Việt Nam.

"Myanmar hay Indonesia, hay châu Phi… đều có quy định riêng. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên làm việc với các đối tác của địa phương đó để tìm hiểu quy định và hoàn thành các quy định," ông Đào Mạnh Lương nhận định.

Lãnh đạo Mavin nói thêm: "Nhiều người nghĩ rằng chính phủ Việt Nam chưa ký các hiệp định về thú y với các nước thì chúng ta chưa xuất khẩu được. Tuy nhiên, bằng sự năng động, tìm hiểu sâu sát quy định của nước sở tại thì chúng ta sẽ tìm các cách để xuất khẩu chính ngạch."

Trên thực tế, các quy định của nước sở tại về chất lượng, quy trình sản xuất... là một rào cản lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. "Học luật và tuân thủ theo luật" cũng là lời khuyên ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham Hà Nội) tại hội thảo Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam mới đây.

"Nhiều doanh nghiệp Việt không đầu tư vào việc học luật và tuân thủ luật. Mỹ có những quy định, chương trình mới về chất lượng thủy hải sản và nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì sẽ gặp vấn đề," ông Adam Sitkoff ví dụ.

Theo lãnh đạo Amcham Hà Nội, các quốc gia đặt luật với nhau và doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ luật và tuân thủ theo luật của các nước nếu muốn xuất khẩu thành công.

Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM