Bài học "đu trend" nhìn từ case bánh đồng xu: Bị chê tơi tả, nhanh nổi nhanh chìm, nhưng "ai trụ lại là người chiến thắng"
Mặc dù chịu nhiều phản hồi tiêu cực như không ngon, giá cao, phải chờ lâu…, trend bánh đồng xu vẫn ghi nhận số liệu đáng chú ý: tỷ lệ người mua chiếm 62,44% so với người bán chỉ 9,05%, cho thấy tương lai rất khả quan. Vậy mấu chốt vấn đề "đu trend" nằm ở đâu?
Sau “cơn sốt” cà phê muối và trà mãng cầu, những chiếc xe đẩy bán bánh đồng xu giờ đây cũng trở nên quen thuộc khắp các tuyến phố ở TP. HCM và Hà Nội. Loại bánh này có nguồn gốc từ Hàn Quốc, vỏ mỏng giòn và nhân phô mai tan chảy kéo sợi.
Báo cáo mới đây từ nền tảng dữ liệu Kompa.ai cho biết từ 1/6 đến 21/10, hệ thống Social Listening của họ ghi nhận hơn 1,1 triệu thảo luận về bánh đồng xu trên khắp mạng xã hội, đạt hơn 14 triệu lượt tương tác. TikTok và Facebook là kênh tập trung thảo luận chủ yếu với TikTok chiếm đa số 56,26%, Facebook chiếm 43%.
Khởi nguồn xu hướng được cho là từ những bài review bánh đồng xu được bán tại khu phố cổ Hà Nội và Emart Sala Sài Gòn trên các hội nhóm Facebook. Số lượng rơi vào khoảng hơn 2.000 thảo luận trong giai đoạn nửa cuối tháng 6.
Đến tháng 9, món bánh trở thành xu hướng được đông đảo mọi người mong ngóng trải nghiệm sau loạt video review từ TikTok, cùng nhiều bài đăng với nội dung phải xếp hàng chờ mua với giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng một bánh.
Tuy nhiên, chỉ tới đầu tháng 10 đã xuất hiện hàng loạt bài review chê bánh đồng xu như bột bánh không chín, phô mai không thể kéo sợi, giá cao, phải chờ lâu... Từ một xu hướng mạng xã hội, bánh đồng xu trở thành chủ đề bị “down trend” với chỉ số cảm xúc chỉ đạt ở mức -5,82%.
Vì sao bánh đồng xu "uptrend" và "downtrend"?
Theo phân tích của Kompa.ai, bánh đồng xu thu hút được sự chú ý từ cộng đồng nhờ ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Hàn cùng hương vị mới lạ, kích thích tò mò.
“Loạt nội dung review viral trên các nền tảng Facebook và TikTok với hình ảnh đám đông xếp hàng, chiếc bánh đồng xu bẻ đôi phô mai kéo thành sợi ngon mắt đã tạo nên tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), khiến mọi người đều mong muốn ăn thử và biến chiếc bánh trở thành xu hướng”, báo cáo của Kompa.ai cho hay.
Ông Brian Đặng - Founder Trung tâm đào tạo & tư vấn các giải pháp cho ngành F&B tiết lộ rằng ông biết có những quán “chỉ trong vòng 3-4 ngày đã thu hồi vốn đầu tư một xe bán bánh, cũng như chi phí mua máy”.
“Nhưng chính vì mô hình đơn giản nên nhân rộng rất nhanh và cũng rất dễ chìm. Lý do là quá nhiều người làm, nhưng không phải ai cũng làm ngon. Sẽ có những người chọn loại phô mai dở, làm bột dở.
Điều này dẫn đến tình trạng những người tò mò tìm đến các quán gần mình để thử thì vô tình ăn phải bánh không ngon. Từ đó, họ mặc định là bánh đồng xu dở và không còn chủ đích quay lại ăn, cho dù trên thị trường vẫn tồn tại những quán ngon”, ông Brian phân tích.
Kompa.ai cũng chỉ ra rằng chính vì “trend” bùng nổ nhanh, nhu cầu tăng đột biến khiến các tiệm bị quá tải, dẫn đến chất lượng bánh giảm sút, mang lại trải nghiệm mua bánh không như mong đợi của số đông người mua.
Theo dữ liệu, giá và hương vị là hai cụm chủ đề nổi bật về bánh đồng xu được người dùng mạng thảo luận. Hương vị bánh chiếm 24,45%, giá cả chiếm 17,99%. Tỉ lệ thảo luận tiêu cực chiếm 5,30%, cao hơn tỉ lệ tích cực là 4,72%.
Sau khi xu hướng đạt đỉnh vào ngày 23/9 với 33.059 thảo luận, tới ngày 23/10 – thời điểm xu hướng dần thoái trào, lượng thảo luận về bánh đồng xu chỉ còn đạt 4.662.
Tương lai khả quan của bánh đồng xu bất chấp phản hồi tiêu cực
Mặc dù bị coi là một xu hướng “sớm nở tối tàn”, bánh đồng xu lại ghi nhận một số liệu khá thú vị từ Kompa.ai: tỷ lệ người mua chiếm 62,44% so với người bán chỉ 9,05%, cho thấy tương lai bánh đồng xu vẫn rất khả quan.
“Nếu chất lượng bánh được cải thiện, giá thành hợp lý thì vẫn sẽ được cộng đồng ưu ái cập nhật vào sự lựa chọn các món ăn vặt như bánh trứng gà non, bánh cá -những món từng rất được ưa chuộng. Hiện tại, bánh đồng xu đã được cập nhật vào menu của nhiều tiệm ăn vặt và trà sữa nhỏ. Cũng theo nhiều bình luận, một số điểm bán như Emart và các tiệm nhỏ lẻ vẫn giữ nguyên được hương vị của bánh với giá từ 25.000 đồng một bánh”, Kompa.ai cho hay.
Ông Brian Đặng chỉ ra kinh nghiệm trong vấn đề “đu trend” liên quan đến tốc độ thích ứng. Khi thấy xu hướng đang lên, các chủ quán phải ngay lập tức nắm bắt, trở thành những người làm đầu tiên mới thu về được lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, để có thể thu lợi nhuận dài hạn, duy trì điểm bán, người chủ phải làm chất lượng sản phẩm tốt.
“Khi mọi người tò mò về sản phẩm, bạn mở ra người ta sẽ chủ động tới ăn vì không biết nguồn gốc trend từ đâu, hoặc chỗ đó ở quá xa. Như vậy, mình sẽ có lượng khách ngay lập tức mà không cần hoạt động marketing nào. Đó là hiệu quả của việc đi theo trend. Sau đó, nếu chất lượng sản phẩm tốt, chắc chắn bạn sẽ giữ được khách”, ông Brian đúc kết.
Kompa.ai đánh giá bánh đồng xu có thể sẽ không có nhiều tiềm năng để các chuỗi F&B lớn kịp “bắt trend” đưa vào menu bởi nhiều lý do, như quy trình kỹ lưỡng, cần thời gian để xem xét chi phí và lợi nhuận.
Tuy nhiên, các cá nhân và cửa hàng nhỏ lẻ có thể khai thác thêm cơ hội kinh doanh vì tỷ lệ thảo luận người mua rất khả quan, nguyên liệu và khuôn làm bánh cũng tìm mua được dễ dàng. Với độ tuổi 24 đến 35, đối tượng khách hàng quan tâm là người trẻ sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Bình luận về trend bánh đồng xu, ông Phạm Chí Hiếu – người đại diện thương hiệu Cooler City tại Việt Nam và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành F&B – chỉ ra rằng mọi xu hướng đều sẽ có vòng đời và sẽ tiến đến giai đoạn suy giảm.
“Sau khi vòng đời kết thúc, ai trụ được là người chiến thắng. Tất cả đều như vậy, bao gồm trend bánh đồng xu. Thực ra vẫn có lượng khách tìm mua để ăn, nên những quán đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ vẫn sẽ có khách. Tôi nghĩ đây vẫn là sản phẩm đi đường dài được. Tuy nhiên, cửa hàng cũng cần đổi mới và cập nhật để theo cùng với sự thay đổi của thị trường. Tôi đã thấy sự kết hợp giữa mô hình bánh đồng xu kết hợp siêu thị, cửa hàng đồ uống, … ”, ông nêu quan điểm.