Bất ngờ thị trường F&B nửa đầu năm 2023: Quá nửa doanh nghiệp lớn giảm doanh thu, dù người dân tăng chi tiêu bất chấp kinh tế khó khăn
Khách hàng hạn chế sử dụng dịch vụ cao cấp, hướng tới trải nghiệm dịch vụ bình dân.
Mới đây, iPOS.vn đã công bố kết quả khảo sát tình hình thị trường F&B 6 tháng đầu năm 2023. Khảo sát được thực hiện trên 137 đơn vị kinh doanh trong ngành F&B phân bố tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.
Doanh nghiệp lớn chịu ảnh hưởng
Theo đó, ngành F&B đang chứng kiến sự suy giảm đáng đáng kể, khi chỉ có 29,9% doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua. Trong đó, nếu xét trên chỉ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, 33% ghi nhận có mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quy mô ghi nhận tín hiệu tích cực nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.
29,9% doanh nghiệp có doanh thu gần như giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó có tới 40,1% phản hồi về lượng doanh thu giảm và hầu hết ở các mô hình kinh doanh lớn (chiếm tới 63,6%).
Về quy mô, 6 tháng đầu năm 2023, có 63,5% doanh nghiệp duy trì được ổn định số lượng cửa hàng. Theo khảo sát, có tới 26,3% doanh nghiệp mở được thêm chi nhánh mới. Trong khi đó, chỉ có 5,8% doanh nghiệp thừa nhận phải đóng cửa ít nhất một chi nhánh trong 6 tháng vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp hiện tại đang gồng mình trước sức ép của nền kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới mùa lễ hội cuối năm.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp được hỏi (80,3%) cho biết có sức khoẻ tài chính tốt, đủ sức duy trì và phát triển trong nửa cuối năm.
Bất ngờ về hành vi tiêu dùng của khách
Khảo sát của iPOS.vn cho kết quả, bất chấp những khăn của kinh tế, người trẻ đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Có tới 47,5% khách hàng thừa nhận rằng mức chi tiêu 6 tháng đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, độ tuổi từ 23 - 25 tuổi là những đối tượng có tỷ lệ tăng mức chi nhiều nhất. Tuy vậy, dưới sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó là làn sóng sa thải của nhiều doanh nghiệp, mức chi tiêu của khách hàng trong 6 tháng đầu năm cũng có những sự biến động. Có tới 32% khách hàng cho rằng họ đã giảm mức chi tiêu, trong đó đối tượng có độ tuổi từ 26 - 31 tuổi có tỉ lệ giảm chi tiêu nhiều nhất với 52,6%.
So với báo cáo chi tiêu cho ăn uống năm 2022 được iPOS.vn công bố trước đó, không có sự thay đổi đáng kể nào trong mức chi tiêu cho mỗi bữa ăn ngoài hay cà phê của thực khách.
Mức chi tiêu phổ biến nhất cho việc ăn uống bên ngoài mỗi tuần là dưới 500.000 VNĐ. Tiếp theo đó là mức chi từ 500.000 - 1.000.000 VNĐ chiếm 34%.
Có 50,5% khách hàng chi tiêu trung bình từ 30.000 - 45.000 VNĐ cho một bữa ăn trưa/tối bên ngoài. Theo sau đó là mức chi từ 46.000 - 60.000 VNĐ chiếm tỉ lệ 24,5%.
44,5% khách hàng sẵn sàng chi từ 41.000 - 70.000 VNĐ cho mỗi lần sử dụng đồ uống (mức chi cho các thương hiệu đồ uống tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long Coffee & Tea, Katinat Saigon Kàfe,...).Nửa đầu năm 2023 cũng chứng kiến sự nở rộng của mô hình đồ uống bình dân, trong số đó phải kể đến thương hiệu trà sữa Mixue, khi đã cán mốc 1.000 cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam. Theo khảo sát 200 thực khách, có tới 39,5% khách hàng sẵn sàng chi từ 21.000 - 40.000 VNĐ cho mỗi lần sử dụng đồ uống - đây là mức chi cho các thương hiệu đồ uống bình dân như Mixue, ToCoToCo,...
Số lượng người có tần suất đi cà phê từ 1 - 2 lần mỗi tuần chiếm tỉ trọng cao nhất với 35%. Theo đó, phụ nữ có xu hướng đi cafe từ 1 - 2 lần/ tuần lớn hơn với 37,4% trong khi con số này ở nam giới là 27,5%.
"Mức chi tiêu gần như giữ nguyên, nhưng doanh thu các cửa hàng F&B giảm, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Chỉ 38% doanh nghiệp nhỏ có doanh thu giảm, nhưng tới 62% doanh nghiệp lớn có doanh thu giảm. Điều này có nghĩa rằng, khách hàng hạn chế sử dụng dịch vụ cao cấp, hướng tới trải nghiệm dịch vụ bình dân", chuyên gia iPOS.vn nhận định.