Bắc Kinh ra nước ngoài “tìm vàng”
Nhân lúc giá vàng xuống thấp, các công ty khai thác vàng Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm doanh nghiệp nước ngoài để thâu tóm với hy vọng mua được tài sản giá rẻ.
Một yếu tố khác thúc đẩy xu hướng này là nhu cầu về vàng ngày càng cao tại Trung Quốc . Theo Công ty Argonaut Securities (Hồng Kông), lượng vàng tiêu thụ tại Trung Quốc trong năm 2015 tăng 3,7% so với năm trước đó. Trái lại, sản lượng vàng khai thác lại giảm 0,4% trong giai đoạn nói trên.
Theo thống kê, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ và sản xuất vàng lớn nhất thế giới nhưng chỉ có vài công ty, như Zijin Mining Group Co., ra nước ngoài tìm mua mỏ vàng. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện đảo ngược trong thời gian tới, Bắc Kinh có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào vàng từ các nhà sản xuất bên ngoài, đồng thời tăng cường vị thế trong thị trường vàng toàn cầu.
“Tôi đã liên hệ với 5-6 công ty vàng Trung Quốc và họ đều có kế hoạch tăng cường tài sản ở nước ngoài” - ông Peter Grosskopf, giám đốc điều hành Công ty Quản lý tài sản Sprott Asset Management (Canada), nói với báo The Wall Street Journal.
Bất động sản ở nước ngoài cũng là mục tiêu ưa thích của nhà đầu tư Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng đánh giá đầu tư nước ngoài của Úc (FIRB), Bắc Kinh đứng đầu danh sách những nước đầu tư vào bất động sản nước này.
Cụ thể, nhà chức trách Úc đã thông qua các khoản đầu tư trị giá 18 tỉ USD của người Trung Quốc vào thị trường bất động sản của họ trong tài khóa kết thúc hôm 30-6-2015, cao gấp 3 lần Mỹ và 6 lần Singapore. Theo nghiên cứu của trang Juwai.com, Úc đã trở thành thị trường bất động sản nước ngoài hấp dẫn thứ hai (sau Mỹ) đối với nhà đầu tư Trung Quốc.
Những diễn biến nói trên nằm trong xu hướng gia tăng làn sóng đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài thời gian qua. Theo tờ Korea Herald, các công ty Trung Quốc đã công bố các thỏa thuận mua lại doanh nghiệp nước ngoài có tổng giá trị 113 tỉ USD từ đầu năm đến giờ, gần bằng con số cao kỷ lục 121 tỉ USD của năm 2015.
Cho dù mục tiêu có là gì thì sự bùng nổ này đang gây ra không ít nỗi lo. Chẳng hạn, 4 thượng nghị sĩ Mỹ vừa công khai phản đối tập đoàn hóa chất quốc gia của Trung Quốc (ChemChina) mua lại nhà sản xuất hạt giống, thuốc trừ sâu Syngenta (Thụy Sĩ) với giá 46 tỉ USD với lý do an ninh lương thực của Mỹ có thể bị đe dọa.
Ngoài ra, một số chính khách Mỹ còn thúc giục chính phủ xem xét kỹ đề nghị mua lại hãng Texas Corp với giá 3,4 tỉ USD của nhà sản xuất máy móc hạng nặng Zoomlion Heavy Industry Science & Technology Co. (Trung Quốc). Lý do là Texas Corp đã ký kết nhiều hợp đồng với quân đội Mỹ.