Ba thách thức lớn đến tăng trưởng kinh tế bền vững

27/07/2018 08:30 AM | Xã hội

Biến động tỷ giá, chiến tranh thương mại và phát huy nội lực khu vực tư nhân là những thách thức lớn đến tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn Kinh doanh năm 2018 của Forbes Việt Nam chiều 26/7, các diễn giả đã có những chia sẻ những tác động từ chiến tranh thương mại, tỷ giá và động lực từ khu vực kinh tế tư nhân.

Khu vực kinh tế tư nhân cần được cởi trói

Bàn về vai trò của khu vực tư nhân đối với phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet cho biết mỗi năm doanh nghiệp tư nhân tạo ra 1,2-1,3 triệu việc làm, đóng góp 50% GDP, đặc biệt khu vực dịch vụ đóng góp đến 85%.

Cho dù đã có thông điệp về Chính phủ kiến tạo nhưng thực tế thời gian qua mới nằm ở cấp Chính phủ, bà Thảo cho rằng cần khơi thông cho tinh thần này được lan tỏa theo chiều sâu và chiều rộng.

Ba thách thức lớn đến tăng trưởng kinh tế bền vững - Ảnh 1.

Các diễn giả tại Diễn đàn kinh doanh 2018 của Forbes.

Lấy ví dụ, bà Thảo cho biết việc xin thay đổi một vách kính hay sửa sang một phòng chờ tại sân bay phải xin phép và thay đổi mất 2 năm. Trong khi đó, doanh nghiệp khi được giao xây một sân bay tư nhân cũng chỉ mất 2 năm, thâm chí sân bay Cam Ranh cũng chỉ tốn 18 tháng.

'Hầu như các công việc tư nhân có thể làm hiện chưa tới tay tư nhân, mới chỉ nằm ở mong muốn ở cấp Chính phủ, do đó cần các chính sách cụ thể hơn để tạo hành lang cho tư nhân', bà Thảo nói thêm.

CEO Vietjet cũng đặt vấn đề khối tư nhân phải tự củng cố mình bên cạnh các cơ chế chính sách. Doanh nghiệp cần vận dụng bằng nội lực, đổi mới sáng tạo và biết được các thách thức để triển khai thành các chương trình hành động. Cuối cùng, bà Thảo nhấn mạnh đây là thời điểm để sắp xếp lại thị trường, sắp xếp lại vị thế các lại doanh nghiệp.

Còn ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định Chính phủ Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô nhưng còn rất nhiều thứ có thể làm được. Hiện 95% các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị bỏ quên, không tìm được lối đi, không tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do vậy, họ cần sự hỗ trợ về vốn, công nghệ.

TS. Vũ Tiến Lộc– Chủ tịch VCCI bổ sung thêm, rủi ro lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là không chịu, không muốn và không thể thay đổi. Việt Nam học tập các nền kinh tế hàng đầu để cải cách và cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, bởi năng lực của khu vực tư nhân là vô tận.

Động lực cuối cùng của tăng trưởng kinh tế bền vững là sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân nhưng khu vực này chưa thực sự được giao việc. Ông Lộc khẳng định, dư địa cải cách hiện còn rất nhiều, nhất là với một Chính phủ kiến tạo như hiện nay.

Những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế bền vững

Ngoài việc phát huy động lực từ khu vực tư nhân, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Fullbright cho rằng nền kinh tế hiện nay đối mặt với hai rủi ro lớn nhất là chiến tranh thương mại và tỷ giá. Đây cũng là 2 yếu tố nằm ngoại dự kiến và các dự báo.

Hiện Mỹ chỉ áp thuế 34 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc thì tác động trực tiếp lên nền kinh tế chưa phải lớn, chỉ khiến đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá. Ông Thành cho biết thêm Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn chưa can thiệp khi vẫn để giá xuống, do đó đã có những câu hỏi về một cuộc chiến tranh tiền tệ nối tiếp?

Vị giám đốc Fullbright tính toán, một khi chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ có thể áp thuế lên 200 tỷ USD, đây là một nửa kim ngạch với gần 5.900 sản phẩm có thể bị áp thuế thêm 10%.

Bàn về những hàng hóa bị đánh thuế, ông Thành nhận định với 34 tỷ USD thì hàng hóa chịu ảnh hưởng chủ yếu là máy móc, thiết bị và do đó chỉ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất toàn cầu và khu vực. Nhưng nếu cuộc chiến leo thang sẽ tác động lớn tiếp theo đến nội thất, đồ gỗ (doanh nghiệp nội thất hưởng lợi nếu xuất trực tiếp sang Mỹ và thiệt hại khi xuất sang Trung Quốc); tiếp theo đó là nhóm nông sản, thủy sản nhưng vẫn chưa thể có dệt may.

Tổng giám đốc Vietjet cũng đồng tình khi cho rằng tình hình chung vẫn có nhiều thách thức như chiến tranh thương mại và biến động tỷ giá; sự mạnh lên của USD và giảm giá của nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động đến giá trị xuất nhập khẩu, gián tiếp ảnh hưởng kinh tế.

Ngoài ra, bà Thảo cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của khu vực đầu tư nước ngoài FDI khi các nhà đầu tư này có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ hoặc có thể rút ra chỉ để bảo toàn vốn. Nguy cơ tụt hậu về công nghệ cũng là một thách thức cần quan tâm.

Đồng quan điểm với ông Thành, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng chiến tranh thương mại nếu dừng như hiện nay thì thì không có tác động quá lớn, nhưng khi leo thang sẽ có sự đổi chiều trong thương mại quốc tế. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt nam, sự leo thang sẽ đẩy hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam và cạnh tranh sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng đây cũng là cơ hội của Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân khi thị trường thế giới đang sắp xếp lại và đã xuất hiệu các thị trường ngách.

Theo Huy Lê

Cùng chuyên mục
XEM