Khóa điện thoại, cắt nước người nợ thuế: Quá lạnh lùng

16/07/2018 13:44 PM | Xã hội

Không nên cắt nhu cầu thiết yếu về điện, nước đối với cá nhân, hộ kinh doanh nợ thuế.

Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất thêm biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân .

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn để cưỡng chế nợ người nợ thuế thông qua các hình thức như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu: Điện, nước, viễn thông...

Xa rời thực tế

Giải trình về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho rằng hiện tại đối với các cá nhân kinh doanh, cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công cơ quan thuế đang gặp rất nhiều vướng mắc khi cưỡng chế các trường hợp còn nợ thuế. Nguyên nhân do không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản người nợ thuế, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập dẫn đến tình trạng nợ thuế của hộ kinh doanh, nợ thuế của cá nhân.

“Mặc dù số tiền nợ thuế của đối tượng này không lớn nhưng cũng cần có các giải pháp xử lý để thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật” - đại diện Bộ Tài chính giải thích thêm.

Phản ứng trước đề xuất mới này của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người lao động. Anh Trung Kiên (quận Thủ Đức, TP.HCM) phân tích: Đúng là nợ thuế là vi phạm pháp luật, phải có chế tài xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, cưỡng chế cá nhân, hộ kinh doanh nợ thuế bằng hình thức cắt điện, nước, khóa điện thoại… là không thực tế và bất hợp lý.

 Khóa điện thoại, cắt nước người nợ thuế: Quá lạnh lùng  - Ảnh 1.

Các cá nhân, hộ kinh doanh sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu bị cắt điện, cắt nước, khóa điện thoại. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Ví dụ, một cá nhân nợ thuế thu nhập cá nhân lại cưỡng chế bằng cách cắt điện , nước tại nhà của cá nhân này là quá lạnh lùng, không ổn. Bởi trong một gia đình có nhiều người sinh sống từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt… Như vậy không thể chỉ vì một cá nhân nợ thuế mà cắt nhu cầu thiết yếu về điện, nước cả gia đình họ.

“Không thể chỉ một người làm sai cả gia đình, thậm chí cả dòng họ bị vạ lây. Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt người khác cùng gánh chịu. Do vậy tôi thấy đề xuất này chỉ có từ phòng máy lạnh vì nó thiếu tính thực tế, không khả thi” - anh Kiên nhận định.

Cũng không đồng tình với đề xuất cưỡng chế thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, ông Nguyễn Văn Trung, một hộ kinh doanh hàng tiêu dùng tại quận Tân Bình, TP.HCM, nêu thực tế hiện nay phần lớn các hộ kinh doanh sử dụng địa chỉ tại nhà, trong nhà có cả gia đình sinh sống. Điện, nước, viễn thông… là những nhu cầu thiết yếu của con người. Hơn nữa hộ gia đình đóng tiền điện, nước, viễn thông đầy đủ, thực hiện đúng hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ thì không lý do gì để cắt của họ. Làm như vậy nhà cung cấp điện, nước, điện thoại sẽ vi phạm hợp đồng.

“Hiện nay cơ quan thuế có rất nhiều biện pháp để chế tài. Chẳng hạn nếu hộ kinh doanh làm ăn đàng hoàng nhưng vì một lý do nào đó chậm nộp thì cơ quan thuế trước hết giải thích, nhắc nhở, sau đó thông báo nhiều lần; trường hợp vẫn chưa nộp thì có thể dọa phong tỏa tài khoản, dọa rút giấy phép kinh doanh… là đã lo gom tiền hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế” - ông Trung nói.

Sống ra sao nếu không có điện, nước?

Việc cắt điện, nước, viễn thông… những nhu cầu thiết yếu cuộc sống của con người là quá vô tình, không thấu lý đạt tình. Cắt điện, cắt nước, khóa điện thoại…, gia đình người ta lấy gì sinh hoạt? Người già, trẻ em, phụ nữ sinh sống ra sao nếu bị cắt điện, cắt nước? Vì vậy, đề xuất cưỡng chế nợ thuế, chậm nộp thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế là không hợp lý, thiếu thực tế.

Luật sư TRẦN XOA

Thiếu lý, vô tình

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nói: Hiện nay Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi chung là Luật Quản lý thuế) đã quy định chế tài xử phạt, cưỡng chế về nợ thuế, chậm nộp thu. Đồng thời cũng đã có thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Chẳng hạn như trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; bêu tên đối tượng nợ thuế, chậm nộp thuế...

“Nếu áp dụng các biện pháp cưỡng chế không được, đối tượng trốn thuế thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể cắt điện, nước. Đây cũng không phải là biện pháp hiệu quả. Vì khi cắt điện, cắt nước coi như hộ kinh doanh đó phải ngừng hoạt động, dẫn đến không có nguồn thu, thiệt hại kinh doanh thì càng không có khả năng nộp thuế. Đề xuất giải pháp quản lý thuế cần chú ý đến nuôi dưỡng nguồn thu thuế chứ không phải chỉ chăm chăm cưỡng chế kiểu tận cùng, lạnh lùng, cắt luôn đường sống” - luật sư Xoa nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng nếu cắt điện, cắt nước thì chỉ nên áp dụng với các nhà máy, công xưởng sau khi đã dùng hết tất cả biện pháp cưỡng chế thuế. Đồng thời cần phân loại các đối tượng nợ thuế để áp dụng biện pháp cưỡng chế hợp lý.

“Ví dụ với thuế giá trị gia tăng (VAT), nếu các đối tượng bán hàng không nộp sẽ bị cưỡng chế, chế tài nặng. Còn đối với những khoản thuế như thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp áp dụng các biện pháp cưỡng chế như quy định hiện nay là phù hợp” - ông Sơn đề xuất.

Bỏ rồi lại đề xuất cắt điện, nước

Biện pháp cắt điện, nước các công trình xây dựng trái phép đã bị ngưng áp dụng từ năm 2015 do không phù hợp với các luật hiện hành. Cụ thể, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng không quy định biện pháp cắt điện, nước của các công trình xây dựng vi phạm.

Một số ý kiến cho rằng việc cung cấp điện, nước là cung cấp một dịch vụ theo nhu cầu và người dân là khách hàng của hai đơn vị cung cấp này. Đây là quan hệ dân sự. Việc cắt dịch vụ chỉ khi khách hàng vi phạm những điều khoản trong hợp đồng chứ không thể vì vi phạm trật tự xây dựng mà lại ngưng cung cấp dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng.

Theo Quang Huy

Cùng chuyên mục
XEM