Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam có một lợi thế vượt trội hơn hẳn Singapore và Indonesia, tận dụng được có thể tiến rất xa!

17/07/2021 16:50 PM | Kinh doanh

"Nguồn lực lớn nhất và không được sử dụng tối ưu ở Việt Nam là nguồn lực trí thức", Nhà sáng lập Alabaster Lê Diệp Kiều Trang nhận định. Theo bà Trang, Việt Nam là một nước hiếm hoi có được cùng lúc 2 nguồn lực: Nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật về AI, tự động hóa - yếu tố mà Indonesia còn thiếu - và Nguồn lưc lao động cơ bản dồi dào - yếu tố mà một đất nước có thu nhập cao nhưng chỉ có 5,7 triệu dân như Singapore hoàn toàn thiếu hụt...

Ảnh minh họa. Nguồn: Economic Times.
Ảnh minh họa. Nguồn: Economic Times.

Chia sẻ tại Hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" mới đây, Lê Diệp Kiều Trang - Founder Alabaster - dành trọn thời gian nói về cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) và Tự động hóa.

Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Chia sẻ tại sự kiện, cựu Giám đốc Facebook tại Việt Nam khẳng định phát triển trí tuệ nhân tạo và tự động hóa hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện tại.

"Tại sao lại như vậy? Việt Nam là một nước hiếm hoi có được 2 nguồn lực con người cùng một lúc: Nguồn lực con người có trình độ kỹ thuật về AI và tự động hóa, và Nguồn lực lao động cơ bản dồi dào".

Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam hơn hẳn Singapore và Indonesia về lợi thế này, tận dụng được có thể tiến rất xa! - Ảnh 1.

"Nếu chúng ta nhìn sang Indonesia, họ có nguồn lao động cơ bản dồi dào nhưng nhân lực có trình độ kỹ thuật thì không có. Ngược lại, Singapore có trình độ kỹ thuật nhưng nguồn lao động cơ bản dồi dào thì không", bà Trang nói.

Singapore là một đảo quốc có thu nhập bình quân đầu người ở mức Top trên thế giới, 59.800 USD/năm, nhưng dân số chỉ ở mức gần 5,7 triệu người, theo dữ liệu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (World Bank).


Việt Nam đang tận dụng nguồn lực trí thức như thế nào?

Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam hơn hẳn Singapore và Indonesia về lợi thế này, tận dụng được có thể tiến rất xa! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Giáo dục Thời đại.

Trong bài thuyết trình của mình, bà Trang cho rằng: Nguồn lực lớn nhất và không được sử dụng tối ưu ở Việt Nam là nguồn lực trí thức.

Bà Trang lấy dẫn chứng từ 4 số liệu:

- Chỉ số phát triển con người (HDI): Theo công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối năm 2020, chỉ số HDI của Việt Nam được xếp hạng 117/189 quốc gia, tăng 1 bậc so với năm trước đó.

- Kết quả PISA: PISA có tên đầy đủ là Programme for International Student Assessment - chương trình đánh giá học sinh quốc tế - được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) 3 năm 1 lần.

Chúng tôi đặt niềm tin vào con người Việt Nam

Việt Nam bắt đầu tham gia PISA từ chu kỳ năm 2012, trong bối cảnh chỉ số GDP thấp nhất trong các quốc gia tham gia, nhưng kết quả vượt trội hơn cả các nước phát triển như Anh, Mỹ, khiến một giáo sư Mỹ thốt lên "Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra", còn Business Insider gọi câu chuyện người Việt nghèo mà học giỏi là "Hiện tượng Việt Nam", khi một đất nước có mức thu nhập thấp, nhưng học sinh lại có thành tích tốt tương đương với học sinh ở các nước giàu xét trên các bài kiểm tra quốc tế.

Kết quả PISA gần nhất năm 2018 do OECD công bố cho thấy: Đọc hiểu - Việt Nam đứng thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Toán học, cao thứ 24/79; và Khoa học, Việt Nam đứng thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Tuy nhiên, vì một số lý do, OECD không đưa Việt Nam vào bảng so sánh với các nước trong chu kỳ này.

- GDP/người: Theo số liệu từ bà Trang, mức thu nhập bình quân người Việt trong bức tranh chung của các nước đang dần lùi, từ thứ hạng 126 năm 2013 xuống mức 135 năm 2019.

Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam hơn hẳn Singapore và Indonesia về lợi thế này, tận dụng được có thể tiến rất xa! - Ảnh 5.

Trích từ bài thuyết trình của bà Lê Diệp Kiều Trang.

- Xếp hạng thành tích của Việt Nam tại Olympic Toán học quốc tế: Thứ hạng năm 2019 của Việt Nam là 7, còn năm 2020 xếp hạng 17.

"Nguồn lực chúng ta có rõ ràng là nguồn lực về con người, đặc biệt là trong lĩnh vực Toán và Khoa học Kỹ thuật", bà Trang đúc kết.

Do vậy, khi lập quỹ đầu tư ở Việt Nam, bà Trang và chồng là Sonny Vũ xác định đầu tư cần 3 yếu tố: Vốn, Công nghệ và Con người. Vốn thì có thể tự gọi vốn trên thị trường thế giới, Công nghệ thì tận dụng các nguồn lực của các nước đã đi trước; và Tiếp tục đào tạo, ươm trồng từ nguồn nhân lực trong nước - những con người của Việt Nam.

"Chúng tôi đặt niềm tin vào con người Việt Nam, tin rằng các bạn có thể đóng góp rất tích cực", bà Trang nói.


Alabaster đang làm gì tại Việt Nam?

Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam hơn hẳn Singapore và Indonesia về lợi thế này, tận dụng được có thể tiến rất xa! - Ảnh 8.

Ảnh: Trí thức trẻ.

Hai doanh nghiệp tiêu biểu mà Alabaster đầu tư có hoạt động ở Việt Nam là startup in 3D Arevo và startup MedTech Harrison.ai.

Arevo thành lập năm 2013 tại Silicon Valley, hiện đã gọi được khoản vốn 57 triệu USD, với tốc độ và chi phí có thể thay thế ngành công nghiệp sản xuất truyền thống, giúp sản xuất nhanh hơn 500 lần và chi phí giảm 20 lần.

Sản phẩm mới đây của Arevo là dòng xe đạp thể thao Superstrata làm từ sợi carbon, có độ bền gấp 61 lần thép, với trọng lượng chỉ tương đương 1 laptop Macbook Air (1,3kg). Cách đây chừng 1 năm, Avero đã đưa công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới về Việt Nam, và quyết định xây dựng nhà máy ở Quận 9, TPHCM.

Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam hơn hẳn Singapore và Indonesia về lợi thế này, tận dụng được có thể tiến rất xa! - Ảnh 9.

Superstrata là dòng xe đạp được sản xuất từ một chiếc máy in 3D của Arevo.

Một startup khác là Harrison.ai với lĩnh vực tập trung là chẩn đoán y tế, thành lập năm 2017 tại Sydney (Australia) bởi 2 du học sinh người Việt, hiện đã huy động được 29 triệu AUD (tương đương 21,4 triệu USD). Sản phẩm đầu tiên annalise.ai của startup này là công cụ sử dụng AI để chuẩn đoán hình ảnh X quang lồng ngực. Harrison đã xây dựng đội ngũ 150 bác sĩ chẩn đoán ở Việt Nam, chủ yếu tại TPHCM để dạy máy.

"Nếu chọn 3 sản phẩm tốt nhất trên thị trường, thì chỉ chẩn đoán 21 loại bệnh, còn annalise.ai của các bác sỹ Việt Nam chẩn đoán được hơn 124 loại bệnh. Hiện sản phẩm đã được công nhận và được ứng dụng ở các bệnh viện tại Úc, New Zealand và Châu Âu, đang chờ được sử dụng tại Mỹ", bà Trang nói.


Vì đâu lợi thế Nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật +

Lao động cơ bản dồi dào của Việt Nam lại quan trọng?

Bà Lê Diệp Kiều Trang: Việt Nam hơn hẳn Singapore và Indonesia về lợi thế này, tận dụng được có thể tiến rất xa! - Ảnh 11.

Theo bà Trang, nguồn nhân lực trí thức Việt Nam hoàn toàn có khả năng ứng dụng AI hay tự động hóa vào trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, cho dù nói về robot hay tự động hoá thì thế giới trong 10 - 20 năm tới chưa vận hành hoàn toàn bằng AI, Robot, mà vẫn còn cần kết hợp với con người.

Nếu chỉ phát triển các ngành tập trung hoàn toàn vào robot, AI thì chúng ta còn đi sau rất xa với các nước phát triển

"Chính vì vậy, việc phối hợp công nghệ với con người và sử dụng con người là một lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế của cả hai. Nếu chỉ phát triển công nghiệp sản xuất mà không ứng dụng tự động hoá hay AI thì không thể cạnh tranh với các nước có lao động giá rẻ khác".

"Còn nếu chỉ phát triển các ngành tập trung hoàn toàn vào robot, AI thì chúng ta còn đi sau rất xa với các nước phát triển khác", bà Trang nhận định.

Đơn cử như với Arevo, khi cho ra đời những sản phẩm tiếp theo, điều bà Trang và cộng sự rút ra được là Tự động hóa và AI giúp cho nền công nghiệp sản xuất một bước đột phá mới lớn hơn rất nhiều thay vì dùng ngành truyền thống.

"Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều, chúng ta có thể ứng dụng AI, tận dụng được thế mạnh của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất từ trước tới nay", bà Trang đúc rút.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM