Mỹ, Do Thái đều bất ngờ người Việt nghèo mà học giỏi, còn chúng ta tự hỏi vì sao mình giỏi mà vẫn nghèo

16/12/2016 17:10 PM | Kinh doanh

Một doanh nhân người Do Thái đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi điểm PISA của học sinh Việt Nam cao đến vậy. Mới đây, điểm PISA của học sinh Việt Nam năm 2015 cao hơn cả Anh, Mỹ trong lĩnh vực Khoa học và Toán khiến một Giáo sư người Mỹ thốt lên “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra”…

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn các nước?”, GS. Paul Glewwe, Đại học Minnesota, Mỹ đặt câu hỏi trong một cuộc hội thảo về Việt Nam học mới đây.

Theo kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment - PISA) năm 2015 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/12, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu.

Ở lĩnh vực Khoa học và Toán, học sinh Việt Nam vượt lên trên Anh và Mỹ.

Vào năm 2012, lần đầu tiên tham gia bài đánh giá PISA, Việt Nam đã đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc hiểu.

GS Paul cho biết khảo sát, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ sung túc. Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ.

Kết quả PISA của Việt Nam đã vượt ra ngoài cuộc tranh cãi chỉ quốc gia có trình độ kinh tế phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng.

Trước đó, trong một hội thảo về khởi nghiệp, một doanh nhân đến từ Do Thái – đất nước được gọi với tên Quốc gia khởi nghiệp – cũng bày tỏ sự ngạc nhiên với thành tích học tập của người Việt khi điểm PISA của học sinh Việt ở mức cực cao.

“Hiện tượng Việt Nam” khiến báo Mỹ đau đầu tìm lời giải

Business Insider gọi câu chuyện người Việt nghèo mà học giỏi là “Hiện tượng Việt Nam”. Trang này cho rằng Việt Nam là một trong những đất nước kì lạ nhất về giáo dục: Cơ bản đây là một đất nước có mức thu nhập thấp, nhưng học sinh lại có thành tích tốt tương đương với học sinh ở các nước giàu xét trên các bài kiểm tra quốc tế.

Các nhà nghiên cứu tiến hành xem xét hai kỳ thi quốc tế lớn. Một trong số đó là TIMMS (các kỳ thi toán và khoa học quốc tế). Tại kỳ thi này, học sinh Việt Nam thể hiện vượt trội hơn so với các nước có mức GPD đầu người tương đương.

Năm 2014, nhà nghiên cứu Abhijeet Singh đến từ Đại học College London công bố nghiên cứu của ông về TIMMS và nhận ra rằng giáo dục Việt Nam tạo ra sự vượt trội từ sớm. Khi mới vào cấp 1, trẻ em Việt Nam có trình độ chỉ ngang ngửa các nước khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, sự chênh lệch về trình độ càng ngày càng rõ rệt.

Hai nhà nghiên cứu Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cũng tiến hành khảo sát kết quả của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) từ năm 2012 trở lại đây.

Trong số 8 nước đang phát triển tham gia chương trình, Việt Nam có GDP đầu người thấp nhất, 4.098 USD (tính theo PPP năm 2010). Tuy nhiên, thành tích của học sinh Việt Nam lại cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Điểm số của học sinh Việt Nam cao hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người, thậm chí còn ngang bằng với các quốc gia phát triển như Phần Lan, Thụy Sỹ và vượt trội hơn Colombia và Peru.

Câu hỏi của chúng ta: Vì sao mình học giỏi mà vẫn nghèo?

Kết nối giữa kỳ thi PISA với sự thiếu hụt các kỹ năng lao động ở Việt Nam, ông Christian Bodewig – Trưởng Chương trình Tăng trưởng toàn diện ở khu vực Trung Âu và các nước Baltic – cho rằng: Kết quả tốt của Việt Nam trong kỳ thi PISA chỉ đánh giá các em học sinh 15 tuổi đang đi học, và bỏ qua các em bỏ học – chiếm tỷ lệ khá lớn ở nhóm dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nói rằng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường thường bị thiếu các kỹ năng như tư duy phê phán, làm việc nhóm và giao tiếp.

Điều này có nguyên nhân từ việc dạy và học trên lớp ngày nay thường chỉ tập trung vào học thuộc lòng và ghi nhớ. Cách dạy và học này có thể tạo ra những học sinh biết đọc lưu loát, nhưng lại không quan tâm đầy đủ đến các kỹ năng quan trọng khác.

Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam đã thành công với việc đào tạo kỹ năng cơ bản nhưng công tác chuẩn bị cho sinh viên và học sinh sẵn sàng đảm đương được công việc được trả lương cao hơn, với năng suất lao động cao hơn vẫn chưa đạt yêu đầu.

Tình trạng này, theo World Bank, là kết quả của 6 cái “không khớp” sau:

- Các cấp giáo dục không khớp với nhau

- Ngành đào tạo không khớp với nhu cầu thị trường lao động

- Phương pháp sư phạm không khớp với thực tế làm việc

- Cơ sở giáo dục và đào tạo không khớp với doanh nghiệp

- Hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên và cơ sở đào tạo

- Công tác nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu không khớp với đòi hỏi của nền kinh tế.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM