Apple bị tố lưu thông tin liên lạc của người dùng nhắn tin bằng iPhone

29/09/2016 11:11 AM | Công nghệ

Theo thông tin mới được trang The Intercept hé lộ thì công ty này luôn lưu giữ mọi thông tin liên lạc của những người nhắn tin bằng iPhone để sẵn sàng trao những thông tin này cho các cơ quan hành pháp khi có yêu cầu của tòa án.

Apple luôn rất tự hào về khả năng bảo mật của ứng dụng nhắn tin, thế nhưng theo thông mới được trang The Intercept hé lộ thì công ty này luôn lưu giữ mọi thông tin liên lạc của những người nhắn tin bằng iPhone để sẵn sàng trao những thông tin này cho các cơ quan hành pháp khi có yêu cầu của tòa án.

Đây chẳng phải là một vụ tiết lộ gấy chấn động như vụ của Snowden và cũng không ám chỉ rằng Apple có khả năng truy cập vào bất cứ tin nhắn cá nhân nào của người dùng. Nhưng trong thời đại mà quyền riêng tư của người sử dụng là một vấn đề nóng, tốt hơn hết người dùng nên biết những thông tin nào của mình có thể bị chia sẻ với cảnh sát.

Theo các tài liệu rò rỉ, bất cứ khi nào người sử dụng iOS bắt đầu một đoạn tin nhắn, Apple sẽ lưu lại số đến và xem liệu người trả lời có sử dụng tính năng nhắn tin iMessage để hồi đáp không. Mặc dù thông tin này không có gì mới nhưng cho đến bây giờ, chúng ta mới biết rằng tất cả những thông tin liên lạc được Apple kiểm tra thì đều được lưu trong vòng 30 ngày.

Những thông tin được lưu lại bao gồm ngày giờ khi bạn nhập số kèm theo địa chỉ IP. Từ địa chỉ IP thì đương nhiên là có thể dò ra vị trí và điều này thì trái ngược với thông tin được Apple đưa ra năm 2013 đó là “chúng tôi không lưu những dữ liệu liên quan đến vị trí của khách hàng”.

Nói một cách rõ ràng, những thông tin được lưu lại nhắc đến ở trên sẽ không được lưu vĩnh viễn mà sẽ được xóa trong vòng 30 ngày trừ khi tòa án có yêu cầu Apple lưu những thông tin này lâu hơn.

Về mặt pháp lý, mục đích của việc lưu lại những thông tin này là nhằm cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền bức tranh rõ ràng hơn về một cá nhân cụ thể nào đó có liên quan đến một vụ việc và giúp các cơ quan này thiết lập những mạng lưới liên lạc xung quanh bất cứ ai đang bị điều tra.

Bình luận về vấn đề này, thông báo của Apple viết:

“Khi các cơ quan hành pháp trình cho chúng tôi một trát tòa hợp lệ hoặc lệnh của tòa án, chúng tôi cung cấp các thông tin được yêu cầu nếu chúng tôi sở hữu. Bởi iMessage được mã hóa cuối đến cuối nên chúng tôi không thể truy cập được vào những nội dung của các cuộc trò chuyện này. Trong một số trường hợp, chúng tôi có thể cung cấp các dữ liệu từ các bản lưu trên máy chủ trích xuất từ việc khách hàng truy cập vào một vài ứng dụng nào đó trên thiết bị. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hành pháp để giúp họ hiểu những gì chúng tôi có thể cung cấp và làm rõ rằng những bản lưu này không bao gồm nội dung của các cuộc trò chuyện hoặc bằng chứng chứng minh nơi các cuộc trò chuyện này thực sự diễn ra”.

Nhìn chung bạn không cần phải lo lắng về vấn đề này vì Apple không hề đọc tin nhắn của bạn. Thế nhưng giờ chúng ta đều biết Apple biết được những gì từ mỗi tin nhắn gửi đi và đến.

Theo Lê Kiên

Cùng chuyên mục
XEM