Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động: "Đó là đứng trong hoàn cảnh đất nước 20 năm trước"
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty luật BASICO cho rằng UBND TP. HCM đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng như điện thoại, nước hoa… là đi ngược với quy luật phát triển của thị trường, hạn chế sự tăng tưởng phát triển của nền kinh tế.
Trong "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn thuế" gửi Bộ Tài chính, UBND TP. HCM đã đề xuất mở rộng một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt . Theo đó, các đối tượng bị đề xuất đánh thuế gồm: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Theo quan điểm UBND TP. HCM, kiến nghị được đưa ra là nhằm "giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên". Điều này đang gặp phải phản ứng trái chiều của dư luận.
Phóng viên Nhịp sống kinh tế đã có trao đổi nhanh với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty luật BASICO về vấn đề này.
Thưa ông, mới đây UBND TP.HCM có đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm đề xuất mở rộng một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Với góc nhìn của luật sư thì ông có bình luận gì về đề xuất trên?
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt của UBND TP.HCM là rất bất hợp lý. Thuế tiêu thụ đặc biệt chọn đối tượng đánh thuế vào những hàng hóa, dịch vụ mang tính xa xỉ hoặc không được khuyến khích trong nền kinh tế phù hợp những giai đoạn, thời điểm nhất định.
Đối với các sản phẩm, dịch vụ được nêu trong đề xuất của UBND TP.HCM, trong đó nổi bật là điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, .., thì đều là những sản phẩm rất thông thường, thậm chí thiết yếu. Điện thoại di động thì hầu như ai cũng có, thậm chí sở hữu vài cái. Mỹ phẩm nước hoa giờ đã trở thành nhu cầu thông thường của mọi tầng lớp dân chúng.
Vậy thì, với việc đánh thuế vào các mặt hàng phổ cập, thiết yếu, đề xuất này hoàn toàn không phù hợp với đặc điểm của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
TP.HCM cho rằng, việc đánh thuế là để "điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên". Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Nếu duy trì quan điểm này, thì chúng ta đang tạo ra thêm tiền lệ và thực tiễn thuế đánh chồng lên thuế. Điều tiết thu nhập cá nhân, chúng ta đã có luật thuế thu nhập cá nhân với những quy định xác định thu nhập chịu thuế, ngưỡng giảm trừ gia cảnh, các mức thuế suất gia tăng. Thêm một cách đánh thuế cũng hướng vào thu nhập cá nhân, thì thực tế sẽ tạo ra vài đạo luật thuế thu nhập cá nhân biến tướng cùng tồn tại. Rất bất hợp lý
Đồng thời với các đối tượng hàng hóa dịch vụ mà đề xuất nêu lên, thì đó đều là mặt hàng thiết yếu của đối tượng đại chúng trong xã hội. Ví dụ như điện thoại di động, thực tế ngay cả những người có thu nhập rất thấp trong xã hội hiện nay vẫn dùng.
Coi điện thoại di động là đặc điểm của người có thu nhập cao, thì chỉ có thể đứng trong môi trường hoàn cảnh đất nước trong quá khứ vào cuối những năm 90 đầu năm 2000. Do vậy, thực tế đề xuất đánh thuế vào mọi thành phần dân cư chứ không phải một bộ phận có thu nhập khá.
Không chỉ với các mặt hàng nói trên, mới đây TP.HCM cũng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia cao hơn các địa phương khác. Ông có cho rằng TP.HCM đang chịu sức ép lớn từ việc thu thuế nên liên tiếp đưa ra những đề xuất trên?
Hoàn toàn không có đặc thù mang tính địa phương khi vận dụng luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mục đích của luật thuế này nhằm hạn chế một số loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng, chứ không phải mục đích chủ yếu tạo nguồn thu cho ngân sách. Do vậy, lý giải vì sức ép thu thuế mà có cơ chế tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt riêng của địa phương hoàn toàn không phù hợp với mục đích của loại thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thêm nữa, cũng cần ghi nhận, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hiện nay chủ yếu là từ bộ phận doanh nghiệp. Cơ quan thuế chỉ hình dung đến các khoản thu thuế, không quan tâm đến sự phản ứng và đối phó từ cộng đồng doanh nghiệp, thì chính sách sẽ tất yếu không hiệu quả và gây hiệu ứng ngược.
Hạn chế sản lượng, chuyển địa bàn hoạt động, thậm chí chuyển hướng ngành nghề là điều doanh nghiệp có thể làm. Lúc đó, thành phố còn chịu sức ép thu thuế nhiều hơn so với việc cứ để môi trường kinh doanh không phải chịu tác động từ việc đánh thuế vô lý theo đề xuất trên.
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào quá nhiều hàng hóa tác động thế nào đến thị trường và doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng trên?
Ý nghĩa của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thể hiện sự không khuyến khích đối với những hàng hóa, dịch vụ mang tính chất không có lợi cho cộng đồng hoặc những hàng hóa, dịch vụ có tính chất xa xỉ (như thuốc lá, bia, rượu..).
Việc đánh thuế cũng nhằm tạo nên ranh giới phân biệt giữa các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước khuyến khích phát triển để tăng trưởng GDP với các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ đặc biệt. Với những nội dung đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đại trà lên nhiều hàng hóa dịch vụ, phá vỡ ranh giới xác định nêu trên, thì ý nghĩa của luật thuế tiêu thụ đặc biệt không còn.
Đồng nghĩa việc đánh thuế hướng tới không khuyến khích hạn chế mọi loại hàng hóa, dịch vụ bị đánh thuế. Như vậy, chính sách thuế sẽ đi ngược với quy luật phát triển của thị trường, hạn chế sự tăng tưởng phát triển của nền kinh tế. Cần cẩn trọng với vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!