Nghịch lý đòn thuế quan của TT Trump: Đến cả nhà sản xuất VN cũng không "cứu" được người tiêu dùng Mỹ?
Nhiều nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng người chịu thiệt thòi lớn nhất từ thuế quan Mỹ là người tiêu dùng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc.
Lý thuyết và thực tế
Chiến tranh thương mại là điều tốt, và rất dễ để chiến thắng. Đây là điều mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu khi bắt đầu phát động loạt thuế quan đầu tiên đối với các mặt hàng nhập khẩu nước ngoài.
Có vẻ như mọi việc đã diễn ra theo đúng ý của ông Trump và thuế quan sẽ tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới. Hôm 5/5, ông Trump tuyên bố đã sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu 200 tỉ USD hàng Trung Quốc lên 25%. Động thái mới nhất này đã phá vỡ mọi hi vọng mong manh rằng đàm phán thương mại sẽ đem lại một giải pháp hòa bình cho cả hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc.
Ông Trump giải thích trên Twitter rằng: "Thỏa thuận Thương mại với Trung Quốc sẽ tiếp diễn, nhưng quy trình quá chậm chạp bởi họ luôn tìm cách tái thỏa thuận. KHÔNG!"
Theo Bloomberg, ông Trump có lí của mình. Về mặt lý thuyết, rất dễ để hiểu động cơ của ông Trump: nếu Mỹ tăng 25% thuế đối với mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ chuyển sang mua các loại hàng hóa tương đương rẻ hơn, không bị đánh thuế từ các quốc gia khác. Các công ty Trung Quốc sẽ phải giảm giá sản phẩm để giữ thị phần và cuối cùng phải trả một khoản lớn tiền thuế cho Mỹ.
Động thái mới nhất của ông Trump đã phá vỡ mọi hi vọng mong manh rằng đàm phán thương mại sẽ đem lại một giải pháp hòa bình cho cả hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: Andy Wong/AFP/Getty Images
Tuy nhiên, lý thuyết chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng khác.
Hãy lấy bàn ghế làm ví dụ. Washington đã áp 10% thuế đối với hàng nội thất vào tháng 9 năm ngoái. Một nửa số lượng hàng nội thất nhập khẩu ở Mỹ là từ Trung Quốc. Và các nhà bán lẻ nội thất Mỹ thường lưu kho khoảng 3 - 4 tháng trước khi bán hết hàng.
Một nhà bán lẻ thông thường sẽ lo lắng về việc tăng thuế quan của ông Trump. Bước đầu tiên mà nhà bán lẻ làm sẽ là tăng giá sản phẩm bởi họ muốn nâng mức giá lên tới mức cạnh tranh cho phép trên thị trường.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cẩn thận loại một số loại sản phẩm có mức tiêu thụ cao bởi khi tăng giá đột ngột, có khả năng những sản phẩm ấy sẽ khiến thị trường mất cân đối và gây phản ứng mạnh mẽ từ người tiêu dùng Mỹ và phe đối lập. Tuy nhiên, những nhà bán lẻ nội thất khá chắc chắn rằng khách hàng sẽ không mua bàn ghế nhiều lần trong năm, và do đó sẽ tăng giá sản phẩm mà không phải tính toán quá chi li.
Đây chính là điều mà các nhà kinh tế học - dẫn đầu bởi Aaron Flaaen của Cục Dự trữ Liên bang - phát hiện được trong nghiên cứu hồi tháng trước. Theo đó, thuế quan từ chính quyền của ông Trump không chỉ khiến máy giặt tăng giá mà các nhà bán lẻ còn tăng giá máy sấy - mặt hàng vốn không nằm trong danh sách bị đánh thuế.
Các nhà kinh tế cho rằng dường như các nhà bán lẻ muốn duy trì sự tương đương trong giá bán của hai sản phẩm hiếm khi được người tiêu dùng mua.
Thị phần khổng lồ của hàng hóa Trung Quốc
Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Nếu mức thuế quan đối với bàn ghế Trung Quốc tiếp tục được duy trì, có thể những nhà bán lẻ sẽ chuyển sang nguồn cung cấp từ (ví dụ) Mexico, Việt Nam và Malaysia. Điều này sẽ khiến các nhà máy Trung Quốc phải trả nhiều tiền thuế hơn nếu muốn giữ thị phần tại Mỹ.
Vấn đề ở đây là, chuyển một ngành công nghiệp trị giá 38 tỉ USD sang một quốc gia khác không hề dễ dàng. Các nhà máy sản xuất bàn ghế tại Mexico, Việt Nam và Malaysia khó có thể có đủ khả năng để bù đắp sản lượng mà Trung Quốc sản xuất - tổng số lượng hàng nội thất nhập khẩu vào Mỹ của 3 quốc gia này cộng lại vẫn kém hơn 1 nửa của Trung Quốc.
Tỉ trọng đồ nội thất nhập khẩu ở Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với một loạt các ngành công nghiệp khác khi Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Nếu một cửa hàng nội thất Mỹ muốn liên hệ với một nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh để thay thế hàng nhập khẩu Trung Quốc, các nhà quản lý Việt Nam có thể sẽ cân nhắc tới việc lắp đặt dây chuyền sản xuất mới và thuê thêm nhân công. Có thể việc này sẽ đem lại lợi nhuận.
Tuy nhiên, nếu sang tháng tới ông Trump đổi ý và gỡ bỏ cấm vận, thì các nhà sản xuất ở Việt Nam sẽ không thể xoay sở kịp với các mặt hàng nội thất đắt hơn hàng Trung Quốc rất nhiều.
Như vậy, người thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng Mỹ, phải mua hàng đắt hơn so với thời kì trước cấm vận.
Một nghiên cứu khác do Mary Amiti dẫn đầu chỉ ra rằng tính tới nay, người dân Mỹ đã phải chịu 1,4 tỉ USD giá trị thuế quan Mỹ do ông Trump áp đặt. Một nghiên cứu độc lập bởi Pablo Fajgelbaum ở Đại học California, Los Angeles vào hồi tháng 9 năm ngoái cũng đưa ra kết quả tương tự.
Tuyên bố mới của ông Trump đã khiến nhiều người hoài nghi và gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường chứng khoán. Có thể đây là chiến lược đàm phán mạo hiểm của tổng thống Mỹ.
Dù sao đi nữa, vẫn sẽ cần thêm nhiều thời gian để kiểm chứng hiệu quả từ đòn thuế quan hai nước Mỹ - Trung.