Anh YouTuber làm bài thử khí động lực học cho xe Cybertruck: hóa ra "cục gạch 4 bánh" này xé gió vút đi dễ dàng hơn bạn tưởng!
Một kỹ sư hàng không tên lửa khác cũng lên tiếng khẳng định: sức cản gió của thiết kế xe chẳng cao như mọi người vẫn lo sợ, trái lại là đằng khác.
Khi Elon Musk trình diện Cybertruck trên sân khấu, chúng ta choáng ngợp trước vẻ ngoài dị thường nhưng mạnh mẽ của nó: những nếp gấp nhô lên của khung xương ngoài - exoskeleton làm từ thép không gỉ khiến Cybertruck trông như xe tăng của Batman (bản Nolan). Elon Musk còn nói thêm rằng vẻ ngoài của nó không chỉ phục vụ mục đích ngắm, mà còn rất thiết thực.
Có vẻ Musk không chỉ nói đến lớp thép không gỉ cứng cáp được dùng trong sản xuất tàu du hành Starship, ông nói tới yếu tố khí động lực học của cái xe nói chung.
Một chiếc xe chạy càng nhanh, nó sẽ càng tốn sức chống lại lực cản của không khí. Nhìn chung, hệ số lực cản càng thấp, xe sẽ càng dễ dàng xé gió lướt đi theo đúng nghĩa đen, và hiển nhiên hiệu năng xe sẽ cao hơn. Nhiều người lo ngại rằng dáng vẻ thô kệch, nhiều góc cạnh sẽ biến Cybertruck thành cục gạch 4 bánh, nhưng hóa ra không phải vậy.
Kênh YouTube Boats and Engines - Tàu thuyền và Động cơ đã thử nghiệm thiết kế của Cybertruck, để xem sức cản không khí lên chiếc xe ra sao. Bằng chương trình giả lập tính động lực học của dung dịch - nói một cách đơn giản thì nó tương tự với hầm thử nghiệm cản gió của xe hơi thực tế - chúng ta có bài thử sau:
Giả lập thử nghiệm khí động lực học của xe Cybertruck.
Anh YouTuber chỉ ra rằng đỉnh của chiếc Cybertruck có kéo chiếc xe lại đôi chút, nhưng nhìn chung, thiết kế xe có hệ số lực cản gió thấp. Hóa ra đầu bằng của xe lại xé gió rất tốt, điều hướng được dòng không khí chảy dọc thân xe. Tấm che thùng xe không ảnh hưởng gì tới khả năng lướt đi của chiếc Cybertruck.
Cách đây không lâu, kỹ sư hàng không vũ trụ Justin Martin cũng vẽ lại khả năng lướt trong gió của Cybertruck, và cũng cho ra kết quả tương tự: đỉnh xe cản gió đôi chút nhưng nhìn chung, Cybertruck sẽ vận hành ổn định.
Anh YouTuber Boats and Engines cũng thừa nhận phần mềm giả lập khí động lực học của mình không chính xác tuyệt đối, nhưng những gì anh làm là đủ để chứng minh thiết kế nhiều góc cạnh của Cybertruck không khiến xe chạy kém hiệu quả.
Khi so sánh Cybertruck với hai chiếc bán tải đã tồn tại ngoài đời thực được một thời gian, là Ford F130 và Dodge Ram 1500, ta thấy điểm cộng rõ rệt: Cybertruck đạt 0,39 điểm hệ số cản gió khi chạy ở vận tốc 100 km/h, trong khi đó chiếc F150 chỉ đạt 0,59 điểm, còn Ram 1500 đạt 0,56 điểm.
Những con số trên do anh YouTuber tự đo đạc, nó khác với con số chính thức mà hãng đưa ra: theo Dodge, chiếc Ram 1500 mẫu Quad Cab 4x2 đạt được hệ số cản gió 0,36, biến nó thành chiếc bán tải lướt gió êm nhất trên thị trường hiện tại.
Không kém cạnh, Musk cũng có vài lời về hệ số cản gió của xe (dù rằng đây chưa phải công bố chính thức từ Tesla): “Với nhiều nỗ lực hơn nữa, Cybertruck có thể đạt hệ số cản gió 0,3, quả thực điên rồ khi nghĩ rằng đây là chỉ số của một chiếc bán tải”. Tài liệu so sánh: hệ số cản gió của Tesla Model 3, một trong những mẫu xe xé gió của thị trường hiện tại, là 0,23.
“Với nhiều nỗ lực hơn nữa, Cybertruck có thể đạt hệ số cản gió 0,3, quả thực điên rồ khi nghĩ rằng đây là chỉ số của một chiếc bán tải. Sẽ cần phải chỉnh sửa nhiều tiểu tiết lắm".
Phải khẳng định lại: chưa có mẫu xe chính thức, con số từ nhà sản xuất cũng như thử nghiệm thực tế, những phỏng đoán trên chỉ dừng lại ở mức tham khảo. Bên cạnh đó, Tesla sẽ phải thay đổi dáng vóc của chiếc Cybertruck để làm vừa lòng các bộ luật về xe đã có sẵn: xe không được góc cạnh quá, kẻo khiến chấn thương do va chạm với người đi đường thêm nặng. Còn một điểm đáng chú ý nữa là xe chưa có gương chiếu hậu, có thể hệ số cản gió sẽ khác khi Cybertruck “mọc” thêm đôi tai (mà có tác dụng như mắt).
Dù vậy, những con số tham khảo ấy có vẻ là đã đủ để khẳng định chiếc Cybertruck “vuông chằn chặn” sẽ thừa khả năng xé gió vút đi, bỏ lại sau lưng lời đàm tiếu của thiên hạ.