Anh và EU: Ở lại mới tốt cho cả hai
EU là một thể chế chưa hoàn thiện và còn nhiều lỗ hổng. Tuy nhiên ra đi sẽ là lựa chọn tồi tệ hơn, là một sai lầm tồi tệ. Châu Âu sẽ yếu đi trong khi Anh nghèo hơn và trở nên nhỏ bé hơn. Ở lại mới là lựa chọn tốt hơn cho cả hai!
Chỉ còn vài ngày nữa, vào ngày 23/6 tới, nước Anh sẽ bước vào cuộc trưng cầu dân ý lịch sử để quyết định có tiếp tục là một thành viên của Liên minh châu Âu ( EU ) nữa hay không. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người dân đang nghiêng về lựa chọn ra đi.
Tuy nhiên, một cuộc chia ly sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực đến nước Anh cả về mặt chính trị và kinh tế. Ở phía bên kia, việc mất đi một trong những thành viên lớn nhất sẽ là một “vết thương sâu” trong lòng những người ở lại. Và, với những chính trị gia mang đậm tinh thần bài ngoại và tôn sùng chủ nghĩa kinh tế dân tộc như Donald Trump hay Marine Le Pen, trật tự tự do vốn đã từng là yếu tố tạo nên thịnh vượng của phương Tây sẽ bị xói mòn đáng kể.
Rõ ràng những dòng lập luận ở trên đây không phải là suy nghĩ của những người đang vận động Anh phải ra đi. Đối với những người hoài nghi về một liên minh bao trùm EU (Eurosceptics), câu chuyện của họ tập trung nói về những điều xưa cũ của lịch sử và về tự do. Thoát khỏi một EU thiếu dân chủ và cứng nhắc, Anh sẽ lấy lại được chủ quyền và hùng mạnh trở lại. Họ cũng đã đúng khi nói về những ưu điểm của chính phủ quy mô nhỏ và về vấn nạn tham nhũng ở EU.
Tuy nhiên những phân tích dưới đây sẽ cho thấy đó chỉ là ảo tưởng.
Khi Brexit trở thành hiện thực, kế hoạch của phe ủng hộ Brexit sẽ vỡ tan như bong bóng xà phòng. Nếu Anh rời EU, họ sẽ nghèo hơn, khép kín hơn và ít sáng tạo hơn. Thế giới nay đã khác và Anh sẽ không thể lấy lại được ánh hào quang của quá khứ. Thậm chí tầm ảnh hưởng của Anh còn bị suy giảm. Đồng thời, không có Anh thì châu Âu cũng không còn là châu Âu.
Hãy bắt đầu từ khía cạnh kinh tế. Kể cả những người ủng hộ Brexit cũng phải thừa nhận rằng trước mắt thì Anh sẽ bị thiệt hại. Và đáng buồn là những thiệt hại ấy sẽ không thể kết thúc sớm. Một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh có đích đến là các nước châu Âu. Khả năng tiếp cận với thị trường chung châu Âu là điều sống còn đối với trung tâm tài chính London cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Anh. Những luật lệ hà khắc hay những khoản đóng góp vào ngân sách chung là cái giá mà Anh phải trả để đổi lấy đặc ân và đó cũng chính là nền móng để có thể tạo nên một châu Âu thống nhất.
Những người muốn ra đi chỉ ra rằng Anh có cơ hội giao thương dễ dàng hơn với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là võ đoán. Châu Âu có cả tá hiệp định thương mại và Anh sẽ phải tìm cách thay thế chúng khi không còn tư cách thành viên của EU. Và, trên bàn đàm phán thì rõ ràng nước Anh đơn lẻ sẽ yếu thế hơn cả châu Âu. Anh cũng không thể hoàn toàn kiểm soát tiến trình đàm phán huống hồ lịch sử cho thấy quá trình thương lượng giữa các bên lúc nào cũng kéo dài lê thê.
Về vấn đề người nhập cư cũng vậy. Những người ủng hộ Brexit cảnh báo rằng sẽ có hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ “xâm lược” xứ sở sương mù. Người nhập cư khiến hệ thống y tế và giáo dục của Anh bị ảnh hưởng, nhưng những người này cũng mang lại giá trị cho nền kinh tế Anh.
Là bạn hay là thù
Trên thực tế, nhiều người trong giới chuyên gia kinh tế đã lần lượt lên tiếng cảnh báo rằng Anh sẽ mắc một sai lầm lịch sử nếu chọn rời EU. Tuy nhiên, viễn cảnh bao giờ cũng hấp dẫn hơn so với cảm giác nước Anh đang bị đè nén.
Ảo tưởng lớn nhất mà phe ủng hộ Brexit đang mắc phải là họ nghĩ rằng EU đang được điều khiển bởi thói quan liêu và do đó chủ quyền của Anh bị xâm phạm nghiêm trọng do họ là một nước lớn. Điều này đúng nhưng phải nói rằng EU là một khối thống nhất được xây dựng từ những kế hoạch – kế hoạch về thị trường chung và kế hoạch về đồng euro. Nếu Anh muốn có tiếng nói lớn hơn, họ không nên ra đi mà phải ở lại và nhào nặn châu Âu thành thứ mà người Anh muốn.
Một số người Anh phàn nàn rằng Anh không có khả năng tác động đến những gì xảy ra ở Brussels. Nhưng điều này không đúng. Chính sách về cạnh tranh, về thị trường chung và về việc mở rộng ra phía Đông đều là ý tưởng của Anh và mang lại nhiều lợi ích cho Anh.
Anh có thể rời EU, nhưng Anh không thể dịch chuyển đến châu lục khác mà đất nước này vẫn sẽ nằm ở châu Âu. Nếu cảm thấy lép vế trước nước Đức quá hùng mạnh, Anh nên hợp tác với Pháp để tạo ra thế cân bằng. Nếu Pháp muốn EU giảm bớt độ tự do, Anh cần làm việc với Hà Lan để ngăn chặn ý tưởng đó. Nếu EU thịnh vượng, Anh sẽ chia sẻ niềm vui đó với các thành viên còn lại. Nếu EU thất bại, Anh cũng có trách nhiệm vực dậy cả khối.
EU là một thể chế chưa hoàn thiện và còn nhiều lỗ hổng. Tuy nhiên ra đi sẽ là lựa chọn tồi tệ hơn, là một sai lầm tồi tệ. Châu Âu sẽ yếu đi trong khi Anh nghèo hơn và trở nên nhỏ bé hơn. Ở lại mới là lựa chọn tốt hơn cho cả hai!