8 sai lầm lớn của công ty khiến nhân viên tốt đến mấy cũng muốn bỏ việc
Tạo ra một môi trường làm việc ổn định, thúc đẩy năng suất, làm hài hòa các mối quan hệ công việc và biết cách tận dụng nhân lực là các yếu tố cấu thành một tập thể tốt, một công ty mạnh. Nếu bạn là “sếp”, bạn có lựa chọn làm như vậy?
Liệu có khó để giữ lại một nhân viên tốt? Khi bạn phạm sai lầm, nhân viên giỏi nhất của bạn sẽ là người đầu tiên ra đi. Vì sao ư? Vì họ là người có nhiều lựa chọn nhất.
Nếu bạn không thể giữ lại người nhân viên tốt nhất, thì cũng có nghĩa bạn sẽ không hoàn thành được công việc một cách hoàn hảo nhất. Một cuộc khảo sát tại Mỹ mới đây đã cho thấy 1/3 số nhân viên giỏi nhất của công ty luôn trong trạng thái chán nản với công việc và đang tìm kiếm một chỗ làm mới.
Khi bạn phạm phải sai lầm trong cách quản lý hay làm việc, bạn sẽ không mất đi họ ngay lập tức. Thay vào đó, sự hứng thú với công việc của họ sẽ dần dần tiêu tan. Michael Kibler – người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu hiện tượng này đã gọi đó là sự “mệt mỏi”. Giống như những dự án không thể thành công, những người nhân viên đó đang mất dần đi sức chịu đựng trong công việc của họ.
Để ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám và duy trì các tài năng hàng đầu, các công ty và nhà quản lý phải hiểu những gì họ đang làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đó. Sau đây sẽ là một số gợi ý nếu bạn muốn giữ lại cho mình những nhân viên tốt nhất.
1. Bạn làm việc không hề có nguyên tắc
Công ty nào cũng cần phải có các nguyên tắc hoạt động – dù chưa hoàn hảo – nhưng là sếp, bạn phải cho nhân viên thấy bạn đang cố gắng và nỗ lực trong việc quản lý và tạo ra trật tự của công ty.
Tuy nhiên, các nguyên tắc được xây dựng cần dựa trên một nền tảng rõ ràng, khoa học và hợp lý, không nên quá khắt khe nhưng tuyệt đối không buông lỏng vô kỷ luật.
Và nếu nhân viên giỏi nhất của bạn làm việc mà luôn cảm thấy như đang bị theo dõi thì chắc chắn, họ sẽ đi tìm một nơi khác để làm việc.
2. Bạn luôn đối xử bình đẳng với tất cả mọi người
Mặc dù đây là một phương pháp hữu ích khi quản lý trẻ em tại các trường học, nhưng ở nơi làm việc thì lại không hề phù hợp chút nào. Đối xử với mọi người ngang nhau cho thấy dù những nhân viên giỏi xuất sắc của bạn làm việc năng suất, tạo ra lợi nhuận hay mang về một dự án lớn cho công ty, thì cũng sẽ được đối xử như những người đến công ty chỉ biết nhìn vào đồng hồ đếm thời gian.
Vậy nếu là bạn, bạn có làm việc ở một nơi thiếu sự trọng dụng và không được đền đáp xứng đáng với công sức mình bỏ ra không?
3. Bạn luôn giữ lại những nhân viên kém bởi một lý do nào đó
Khi bạn được phân công làm việc nhóm với người không có năng lực nhưng lại luôn được giao những trọng trách lớn, thì chắc chắn bạn sẽ là người phải hoàn thành đến 90% khối lượng công việc. Nhưng khi nhận thành quả, đáng buồn là mọi người đều được khen, với số tiền thưởng như nhau?
Bạn có biết là nếu để những cá thể yếu ớt ấy tồn tại trong môi trường làm việc cạnh tranh, họ sẽ là những người kéo cả một tập thể đi xuống, đặc biệt là những nhân viên tốt nhất, họ sẽ cảm thấy thật nực cười và đặt ra câu hỏi mình phấn đấu để được gì đây?
4. Bạn không công nhận thành tích của cá nhân
Thật vui mừng khi nhận được một cái vỗ vào lưng động viên của sếp khi nhân viên làm được việc, đặc biệt là những nhân viên hàng đầu. Ai cũng thích được khuyến khích, động viên tinh thần, không gì hơn là sự động viên kịp thời đúng lúc.
Khen thưởng những cá nhân xuất sắc cho thấy bạn đang chú ý đến họ. Và còn gì tuyệt vời hơn khi bạn luôn tỏ ra quan tâm đến công việc và cuộc sống của cấp dưới.
5. Bạn không hề quan tâm đến nhân viên, chỉ coi họ là những cỗ máy kiếm tiền
Hơn một nửa số người xin nghỉ việc là vì mối quan hệ của họ với ông chủ không hề tốt. Các lãnh đạo thông minh cần đảm bảo quản lý từ gốc, đó là quản lý con người, quản lý nguồn nhân lực. Trở thành một ông chủ coi trọng sự thành công của nhân viên, thông cảm với những khó khăn mà nhân viên phải trải qua và thúc đẩy, tạo động lực cho họ tạo ra những thành công mới, đó mới là điều nên làm.
6. Bạn không cho nhân viên thấy được bạn đang làm gì
Có vẻ như nếu bạn coi hiệu quả công việc đơn giản chỉ là những bài tập bạn giao cho cấp dưới của mình, họ chỉ cần biết những gì cần phải làm và không hề có chút thông tin gì về mục tiêu bạn đang hướng tới, thì bạn đang gặp phải sai lầm lớn rồi.
Nhất là khi các nhân viên có tài năng và vai trò trong công ty muốn đóng góp và thực sự quan tâm đến công việc mình đang làm, nhưng họ cũng không được biết gì hết, như một người đi loanh quanh mọi nơi mà không biết là mục đích mình đi về đâu cả. Tồn tại cảm giác đó quá lâu, thì có lẽ họ sẽ tìm cho mình một chỗ đứng mới.
7. Bạn không để nhân viên theo đuổi hay thể hiện đam mê của họ
Google yêu cầu nhân viên phải dành ít nhất 20% thời gian làm việc để tự do làm những gì họ nghĩ sẽ mang lại lợi ích cho Google nhiều nhất. Dự án này đã đem lại lợi ích không ngờ khi mọi người đều say mê hơn với công việc, khơi dậy sự sáng tạo và sự hài lòng trong công việc.
Còn đa số các công ty nhỏ lại muốn nhân viên của mình làm việc trong một cái khuôn đã được đúc sẵn vì lo sợ rằng năng suất sẽ giảm nếu để mọi người mở rộng sự tập trung. Sự lo sợ này hoàn toàn là vô căn cứ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thể theo đuổi sở thích làm việc của mình sẽ có hiệu suất làm việc cao hơn những người khác.
8. Bạn không biết cách tạo ra một bầu không khí vui vẻ
Nếu mọi người không thể thoải mái trong lúc làm việc với bạn, thì bạn thất bại rồi đó. Mọi người sẽ không nói ra tất cả những gì họ nghĩ nếu không cảm thấy vui vẻ, và vui vẻ cũng chính là một cách để chống lại chứng mất trí nhớ.
Hãy nhìn các công ty tốt nhất và thấy rằng, họ luôn làm mọi thứ khiến cho môi trường làm việc trở nên thật thú vị, đầy cảm hứng, và nhân viên thì luôn muốn ở lại những nơi như vậy.