7 ông lớn đăng ký làm đường sắt đô thị, thay đổi diện mạo thủ đô là ai?

10/07/2017 15:11 PM | Kinh doanh

Trong 7 cái tên, có 5 doanh nghiệp nội và 2 doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Mosmetrostroy là ông lớn chuyên thi công các tuyến tàu điện tại Nga.

UBND Thành phố Hà Nội vừa có tờ trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Hà Nội kiến nghị bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 6.000 ha đất, với tổng giá trị sử dụng đất khoảng 300.000 tỷ đồng, để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất tại vốn thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP), trong đó có các dự án đường sắt đô thị.

Theo đó, đã có 7 nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án đường sắt đô thị, gồm 5 nhà đầu tư trong nước là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Lũng Lô 5, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam. 2 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Mosmetrostroy (Nga) và Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Đây đều là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.

Tập đoàn Vingroup hiện là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam, sở hữu nhiều tổ hợp chung cư, resort nghỉ dưỡng, khu vui chơi trên cả nước và đang phát triển rộng ra nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Tại hội nghị cuối tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, Vingroup đã ký bản ghi nhớ rót khoảng 100.000 tỷ đồng xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Xuân Thành là tập đoàn nổi lên nhờ xây dựng. Xuân Thành đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm của Ninh Bình như Trung tâm thương mại, khu nhà thi đấu, sân vận động, khách sạn, bệnh viện... và nhiều công trình trọng điểm quốc gia tại các thành phố khác. Bên cạnh đó, Xuân Thành còn kinh doanh xi măng,

Công ty Cổ phần Lũng Lô 5 là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô thuộc Bộ Quốc Phòng. Lũng Lô 5 được thành lập năm 2007 với nhiệm vụ chủ yếu phát triển lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Tân Hoàng Minh là tập đoàn bắt đầu đầu tư bất động sản từ năm 1993. Kể từ năm 2006, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tập trung đầu tư và phát triển các dự án bất động sản cao cấp, tạo sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ. Hiện nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang sở hữu hàng loạt dự án siêu sang ở vị trí đắc địa trung trong trung tâm thành phố, gần hồ lớn.

Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam cũng là liên doanh giữa 2 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Licogi chuyên thi công xây lắp nền móng, hạ tầng, các công trình ngầm... còn MIK group hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và phát triển bất động sản, sở hữu nhiều dự án bất động sản cao cấp.

Mosmetrostroy là công ty xây dựng lớn của Nga, thành lập từ năm 1931. Mosmetrostroy chuyên nhận thi công các loại công trình ngầm, đường hầm. Trong 8 thập kỷ tồn tại, công ty này đã xây tới 180 trạm metro ở thủ đô Matxcova Nga và nhiều công trình ở các quốc gia khác. Hiện tại, Mosmetrostroy đóng vai trò là nhà thầu tổng hợp xây dựng tàu điện ngầm tại Matxcova và vừa qua đã giành được hợp đồng xây tàu điện ngầm ở Mumbai.

Lotte là Tập đoàn lớn của Hàn Quốc, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như giải trí, ẩm thực, trung tâm thương mại và có cả xây dựng. Bên cạnh việc xây các chung cư, Lotte còn từng trúng thầu xây tuyến Metro tại Doha Qatar trị giá hàng trăm triệu USD.

Được biết, 10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh); Tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi); Tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai); Tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở); Tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà); Tuyến số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc); Tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi); Tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông); Tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá); Tuyến Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai.

Hà Nội cũng kiến nghị ưu tiên các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án đường sắt đô thị, trong đó có việc ứng trước vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án, không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp...

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, UBND Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo tiền khả thi trình Chính phủ trước ngày 30//8/2017, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM