Đường sắt trên cao Skytrain đã biến Bangkok từ một thành phố tắc nghẽn trở thành thủ đô tân tiến như thế nào?

10/07/2017 11:51 AM | Kinh tế vĩ mô

Hệ thống đường sắt trên cao có khả năng thay đổi ‘bộ mặt’ không chỉ của các thành phố mà còn cho chính những người xây dựng chúng. Đó là trường hợp ở Bangkok, nơi tàu đường sắt trên cao Skytrain đã giúp biến đổi thủ đô Thái Lan từ một thành phố tắc nghẽn thành một thủ đô tân tiến với những tòa nhà cao tầng hiện đại.

Keeree Kanjanapas, nhà sáng lập và chủ tịch của BTS Group – công ty đã bất chấp những khó khăn thách thức để xây dựng đường sắt trên cao đầu tiên ở Bangkok, chia sẻ: "Tôi tin rằng các phương tiện giao thông công cộng đã thay đổi Bangkok."

Ông không chỉ đề cập đến luồng giao thông mà còn là cách sống của người dân địa phương. "Khi chúng tôi bắt đầu xây dựng BTS Skytrain, mọi người chưa thực sự tính đến việc sống trong các chung cư cao tầng. Bây giờ, họ không chỉ chấp nhận chúng, họ muốn lối sống này, giống như ở các thành phố hiện đại ở mọi nơi." Bằng chứng có thể được tìm thấy ở mọi nơi mà Skytrain đi qua. Các tòa nhà cao tầng mọc lên dọc hai bên đường ray.

BTS hoàn toàn sẵn sàng tận dụng thời cơ khi Bangkok ồ ạt mở rộng hệ thống giao thông công cộng. Với sự hợp tác với nhà đầu tư bất động sản địa phương Sansiri, BTS Group có 5 dự án bất động sản lớn đang được triển khai, tất cả đều đều gần với các trạm trung chuyển hiện tại hoặc sắp được xây dựng và đang được bán với tốc độ rất nhanh.

BTS đã công bố mức kỷ lục 61,7 triệu lượt đi đường sắt trên cao trong quý 2 năm ngoái, với giá vé đạt trên 50 triệu USD, tăng 7% so với năm 2015. Mặc dù tụt hậu so với các thành phố châu Á khác trong vận tải hành khách công cộng - Skytrain ra mắt vào cuối năm 1999 – Bangkok đang bắt kịp rất nhanh. Cả đường ray BTS trên cao và MRT (Metropolitan Rapid Transit) dưới lòng đất đang nhanh chóng mở rộng, và nhiều đường ray dài mới sẽ làm tăng mạng lưới tổng thể lên gấp 5 lần hiện tại.

Theo Kavin Kanjanapas (41 tuổi), con trai của Keeree người đã tiếp quản vị trí CEO của BTS vào tháng 4/2015, BTS đang tất bật trong việc đấu thầu để xây dựng những tuyến đường ray mới. Vào tháng 11 năm ngoái, BTS đã cùng với những ông lớn khác của Thái là Sino-Thai Engineering & Construction Public Co. và Ratchaburi Electricity Generating Holding Public Co. đã ra giá cho gần 70km đường ray MRT.

Đây là những dự án lớn, với chi phí hơn 1,3 tỷ USD/dự án. BTS dự kiến sẽ ra giá cho 138km đường ray sẽ được xây dựng thêm trong vòng 5 năm tới. Dù thành công hay thất bại, rõ ràng, BTS đang đóng vai trò tiên phong nhờ tầm nhìn xa của Keeree, người vẫn giữ vai trò chủ tịch.

Khối tài sản hiện tại của ông Keeree hiện nay là 1,45 tỷ USD, được ước tính bởi Forbes Asia. Ông sắp đạt được lợi nhuận bội thu khi là người tiên phong trong việc mở rộng hệ thống vận tải công cộng mà ông đã khởi đầu 2 thập kỷ trước.

Tuy nhiên 20 năm về trước, xây dựng một tàu điện trên cao dường như là một canh bạc khó đoán. Thật vậy, những người khác đã thất bại và Keeree đã gần phá sản.

Đầu tiên, trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế Thái Lan đang ở thế thượng phong cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra vào năm 1997. Các nền kinh tế trong khu vực tụt dốc, nhưng chỉ một số ít chạm đáy hay chịu những tổn thất lâu dài nghiêm trọng như Thái Lan, nơi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Kể cả ở hiện tại, Keeree cũng không biết chính xác mình đã bị thua lỗ bao nhiêu nhưng con số đó có thể đạt 4,5 tỷ USD.


Ông Keeree và con trai Kavin

Ông Keeree và con trai Kavin

Ông đã phải cố gắng sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính. Vào thời điểm đó, Keeree nợ nần chồng chất, phải đối mặt nguy cơ vỡ nợ nhưng ông đã quyết định tăng gấp đôi khoản đầu tư mạo hiểm vào tàu điện trên cao. Ở vào thời điểm khó khăn khi phải chống đỡ các ngân hàng và chủ nợ và thanh lý tài sản, ông đã tìm được một đồng minh trẻ tuổi: Kavin – con trai ông khi ấy mới 23 tuổi, người vừa tốt nghiệp ở Anh và quay trở về châu Á.

Kavin ở lại Hongkong và giúp bố bán tài sản, bao gồm cả các cửa hàng nhượng quyền Puma sinh lời. Anh nhớ lại: "Chúng tôi biết rằng tài sản lớn nhất không phải là công ty thể thao. Chúng tôi biết mình phải dồn tất cả những gì mình có, tất cả sức mạnh của chúng tôi để hoàn thành BTS. Vì vậy, bố tôi đã quyết định đem toàn bộ tài sản của mình, kể cả mọi thứ ở Bangkok để hoàn thiện BTS."

Skytrain ra mắt vào cuối năm 1999. Trong khi đó, hàng trăm trụ bê tông "ma" trải dài khắp Bangkok trong nhiều năm là kết quả của dự án đường ray trên cao xấu số của Hopewell Holdings.

Dù những đoàn tàu của Keeree đã lăn bánh, nhưng ông đã bị bỏ lại với một đế chế kinh doanh bị tàn phá và khó có cơ hội hồi phục nhanh chóng. Với khởi đầu khiêm tốn cùng với sự thiếu liên kết với các tuyến đường ray khác, lượng hành khách giữ ở mức thấp trong nhiều năm – khoảng 200.000 người/ngày, đủ để trang trải chi phí nhưng không đủ để mở rộng.

Tuy nhiên, con số này đã tăng lên gấp 4 lần và kể từ khi có sự hồi phục đáng kinh ngạc, BTS Group đã phát tán vốn góp cổ phần của Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng của công ty. Đó là niêm yết lớn nhất châu Á năm 2013 và IPO khu vực tư nhân lớn nhất trong lịch sử Thái Lan, thu về hơn 2 tỷ USD.

Hiện tại, dưới sự dẫn dắt của Kavin, BTS hiện có 3.752 nhân viên, 57% trong số đó làm trong bộ phận đường sắt trên cao. Các nhà phân tích nhận xét rằng Bangkok vẫn là một trong những thành phố có tình hình giao thông tệ nhất thế giới do sự gia tăng nhanh chóng của ô tô trên đường phố và sự chậm trễ trong việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng.

Nhưng Keeree tin rằng thời kỳ nói dông dài đã kết thúc, và chính phủ đang cam kết phát triển hệ thống vận tải công cộng: "Thái Lan đã nhìn thấy lợi ích của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nếu không có nó, bạn không thể phát triển nhanh chóng. Và hiện tại, Bangkok đang thực sự phát triển."

K. Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM