61 tuổi, không con cái chu cấp, tôi nhận ra: Chỉ cần lo được 4 điều này thì chẳng cần dựa dẫm vào ai
“Lựa chọn lối sống không con cái đòi hỏi nhiều kế hoạch để đảm bảo cuộc sống ổn định”, bà cho biết.
Quyết định không sinh con
Sumiko Tan, một nhà văn kiêm biên tập viên cấp cao 61 tuổi, sống tại Singapore, đã quyết định kết hôn muộn và không sinh con. Hiện nay, ở độ tuổi ngoài 60, bà vẫn có những trăn trở, nhưng khẳng định bản thân không hối hận với quyết định này.
Theo bà, việc không có con đã mang lại cả ưu điểm và nhược điểm. Về thuận lợi, bà ước tính số tiền tiết kiệm được có thể lên tới 350.000 SGD (tương đương 6,6 tỷ VNĐ). Dù Singapore cung cấp nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, chi phí nuôi dạy con vẫn rất lớn. Không phải gánh vác những khoản chi cho việc học hành, các lớp ngoại khóa hay kỳ nghỉ của con cái giúp bà có thể tự do sử dụng tài chính theo ý muốn.
Ngoài ra, việc chủ động kiểm soát thời gian là một lợi ích khác. Là người “cuồng công việc”, bà có thể làm việc muộn mà không cần lo lắng về chuyện đưa đón hay chăm sóc con cái. Kỳ nghỉ hay các bữa ăn bên ngoài cũng không bị giới hạn bởi những lựa chọn phù hợp với trẻ nhỏ. Đặc biệt, bà nhấn mạnh sự bình yên về mặt cảm xúc và tinh thần khi không có con, điều rất quan trọng với một người dễ lo âu như bà.
Bên cạnh đó, bà cũng không phải đối diện với những thách thức trong việc nuôi dạy con, chẳng hạn như các vấn đề tâm lý, học đường hay áp lực trở thành một phụ huynh hoàn hảo. Bà không trải qua cảm giác tội lỗi của cha mẹ hay nỗi sợ hãi về những xung đột, xa cách có thể xảy ra trong mối quan hệ gia đình.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận mặt trái của lối sống này, đó là sự cô đơn. Bà nhìn nhận rằng, một ngôi nhà có con cái thường tràn đầy năng lượng, mang lại niềm vui và cả những khoảnh khắc hỗn loạn cần thiết để cân bằng cuộc sống. Tiếng cười, những cuộc tranh luận hay thậm chí là sự bực bội của trẻ cũng khiến không gian trở nên sống động hơn.
Dù vậy, bà cũng hiểu rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể dựa vào con cái khi về già. Trong một thế giới lý tưởng, con cái lớn lên với tình yêu thương, trở thành người bạn tâm giao, đồng hành và chăm sóc cha mẹ. Nhưng thực tế, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.
Với suy nghĩ đó, bà khẳng định bản thân đã đưa ra lựa chọn từ lâu và giờ đây phải chấp nhận nó. Điều quan trọng nhất lúc này là chuẩn bị một cuộc sống ổn định cho quãng thời gian tuổi già, đảm bảo mọi thứ được sắp xếp chu đáo.
Lo được 4 thứ này, tuổi già mới an
Không có hệ thống hỗ trợ từ con cái, câu hỏi đặt ra là ai sẽ chăm sóc Sumiko Tan khi bà già đi? Điều này khiến bà xác định bốn khía cạnh quan trọng cần lên kế hoạch cho tương lai không con cái: tài chính, nhà ở, thừa kế và hỗ trợ xã hội.
1. Tài chính
Gần đây, bà đã chủ động điều chỉnh các kế hoạch tài chính của mình, loại bỏ những quyết định không hợp lý và tập trung vào chiến lược tiết kiệm, chi tiêu cũng như đầu tư một cách thận trọng. Bà hy vọng rằng những bước đi này sẽ giúp đảm bảo cuộc sống ổn định cho đến cuối đời.
Bà Lorna, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, nhận định rằng những người không có con cần đảm bảo khả năng tự cung tự cấp hoàn toàn khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, một số người lại trì hoãn việc lập kế hoạch dài hạn, thay vào đó dành tiền cho những thú vui cá nhân như massage, ăn uống xa hoa, du lịch hay chăm sóc thú cưng.
Bà Lorna cảnh báo rằng việc không phải gánh vác chi phí nuôi con đôi khi khiến nhiều người có cảm giác an toàn tài chính giả tạo, lầm tưởng rằng họ còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho tuổi già. Bà nhấn mạnh, những ai không có con cần lên kế hoạch cẩn trọng hơn cho việc chăm sóc sức khỏe dài hạn, bao gồm cả chi phí sinh hoạt có hỗ trợ hoặc khả năng phải vào viện dưỡng lão.
2. Nhà ở
Sumiko Tan mong muốn có thể sống trong căn nhà hiện tại đến cuối đời. Tuy nhiên, bà cũng hiểu rằng có thể sẽ đến lúc cần chuyển đến một không gian nhỏ hơn, thuận tiện hơn và ít tốn kém hơn.
Do đó, bà cũng bắt đầu tìm hiểu về chi phí tại các viện dưỡng lão tiềm năng. Các đơn vị tư nhân có thể cần tới hơn 7.000 SGD mỗi tháng, trong khi những cơ sở cao cấp với phòng riêng có thể chạm ngưỡng 10.000 SGD hoặc hơn, chưa kể các chi phí phát sinh như vật tư y tế và vật lý trị liệu.
3. Kế hoạch thừa kế
Việc lập kế hoạch thừa kế không chỉ là quyết định về tài sản sau khi qua đời mà còn liên quan đến các vấn đề chăm sóc cá nhân nếu một ngày nào đó bà không còn đủ minh mẫn và sức khỏe.
Về di chúc, bà Lorna nhấn mạnh rằng nếu không có sự sắp xếp trước, luật vô thừa nhận sẽ quyết định cách phân chia tài sản cho những người thân còn sống. Bà chỉ ra rằng nhiều cặp đôi không có con có xu hướng quyên góp tài sản cho các tổ chức từ thiện, nhưng nếu không ghi rõ trong di chúc, tài sản của họ sẽ mặc nhiên thuộc về gia đình theo luật định.
4. Phúc lợi xã hội và sự chăm sóc
Ông Joe Tan, trưởng bộ phận quản lý trường hợp tích hợp tại Care Corner Seniors Services, cho biết đội ngũ của ông nhận thấy: Những người không có con, dù sống một mình hay có vợ/chồng, thường có ít kết nối xã hội hơn. Điều này dẫn đến tình trạng cô đơn và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Ông nhấn mạnh rằng một mạng lưới xã hội vững chắc có thể giúp những người không có con nhận được sự hỗ trợ khi về già. Theo thời gian, nhiều người dần quen với sự cô lập, mất đi hứng thú với các hoạt động xã hội và xa rời cộng đồng.
Do đó, ông khuyến khích họ chủ động mở rộng vòng kết nối, xây dựng mối quan hệ với những người có thể quan tâm và hỗ trợ khi cần thiết. Ông cũng nhận định rằng những người cao tuổi có mạng lưới xã hội mạnh mẽ thường sống kiên cường và độc lập hơn, bất kể họ có con hay không.
Về phần mình, Sumiko Tan mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của một vòng kết nối xã hội đối với sức khỏe tinh thần. Dù là một bài học đến muộn, bà vẫn đang cố gắng thay đổi để thích nghi với cuộc sống về sau.