5 'ngôi sao' tăng trưởng trong quý đầu năm: Có tỉnh sở hữu loạt dự án giao thông trọng điểm, có tỉnh thu hút tới 640 triệu USD vốn FDI
5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2025 có mức tăng trưởng GDP trên 10%.
5 địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bànquý I/2025 cao nhất cả nước (%). Nguồn: Cục Thống kê.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I kể từ năm 2020 đến nay và tiếp tục trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong quý đầu năm có 43 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của cả nước; có 20 địa phương có mức tăng thấp hơn, trong đó phải kể đến 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng là Bắc Giang 13,82%; Hòa Bình 12,76%; Nam Định 11,86%; Đà Nẵng 11,36% và Lai Châu 11,32%.
Bắc Giang là địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm. Ngành công nghiệp là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Địa phương được coi là trụ cột công nghiệp phía Bắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp trong quý I đạt cao nhất trong ba khu vực 17,97%. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng tới 26,58% do một số công ty mới đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 8/2024, hiện tại sản xuất ổn định, doanh thu các tháng quý I/2025 gấp 2,5-3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đến ngày 31/3/2025, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 641,2 triệu USD vốn đầu tư, tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước.
Hòa Bình là địa phương có tốc độ tăng trưởng quý I so với cùng kỳ năm trước đứng thứ 2 cả nước (12,76%). Công nghiệp và xây dựng là khu vực có đóng góp lớn vào tăng trưởng của tỉnh, đặc biệt là đóng góp của ngành sản xuất và phân phối điện.
Vốn đầu tư quý I/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước (59,52%), nhiều công trình,dự án giao thông của tỉnh đồng loạt thi công theo tiến độ như: Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và Cao tốc Sơn La; đường nối Khu Bắc Trần Hưng Đạo ra Quốc lộ 6, … Bên cạnh đó, một số dự án nhà máy nước ngoài đang khẩn trương tập trung hoàn thành các hạng mục để đưa vào sản xuất từ quý II/2025.
Nam Định phát triển mạnh ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học
Nam Định đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,86%, đứng thứ 3 cả nước và thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò động lực tăng trưởng chính (tăng 17,44%), đóng góp 7,31 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay của tỉnh, trong đó phải kể đến sự đóng góp quan trọng của ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Tính đến ngày 25/3/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD.
Đà Nẵng ghi nhận GRDP trong quý I/2025 ước tính tăng 11,36%, với mức tăng này đã giúp cho Đà Nẵng đứng vị trí thứ 4 cả nước và đứng thứ nhất trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Du lịch là một điểm sáng với doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành quý I/2025 ước đạt 838,6 tỷ đồng, chiếm 2,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm trước.
Lai Châu là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, tăng trưởng của tỉnh trong quý I/2025 đạt cao 11,32%. Tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhờ đó, khu vực này tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Ngoài ra, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, với mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 13,6%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Lai Châu cũng đã ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm, nhằm kết nối các khu vực trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.
Cục Thống kê nhận định, trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng, Bắc Giang, Hòa Bình hay Nam Định đang nổi lên như các trung tâm tăng trưởng mới ngoài các đô thị truyền thống, giúp giảm áp lực lên các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng đồng đều hơn giữa các vùng miền.