33 tuổi và có 10 năm kinh nghiệm nhưng mức lương tôi nhận được chỉ thấp như sinh viên mới ra trường: Đừng lầm tưởng mức lương luôn tăng theo thời gian
Bạn nghĩ mình đang có 10 năm kinh nghiệm hay chỉ có 1 kinh nghiệm dùng suốt 10 năm qua?
01. Thời gian hay năng lực?
Anh An, từ khi vừa tốt nghiệp đại học, đã được nhận vào làm việc tại phòng nhân sự trong một nhà máy sản xuất các linh kiện ô tô. Do học về quản trị kinh doanh nhưng làm việc tại bộ phận HR, anh phải đi theo các nhân sự cấp trên để học hỏi kinh nghiệm suốt cả ngày, tối về lại học thêm tài liệu từ trong sách vở mới có thể dần dần làm quen với công việc mới. Sau một thời gian, anh bắt đầu nhận được sự công nhận từ các đồng nghiệp. Trong năm làm việc thứ hai, anh còn có thể đề xuất một số cải tiến hợp lý. Giữa môi trường làm việc ngày càng quen thuộc, anh An xuôi gió xuôi nước tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.
Vào năm thứ tư, anh An chuyển việc sang một công ty thiết bị điện tử khi có cơ hội nhậm chức Trưởng phòng nhân sự với mức tiền lương cao hơn. Bây giờ, thay vì tự mình làm việc, anh chỉ cần giám sát và quản lý công việc của mọi người nên không còn quá bận rộn nữa. Để giết thời gian rảnh, anh An dần có thói quen lên Internet giải trí, tám chuyện với bạn bè thường xuyên...
Càng làm việc lâu, anh càng chứng kiến nhiều cuộc biến động nhân sự và ký nhiều quyết định sa thải của các nhân viên khắp công ty. Tuy nhiên, anh không ngờ rằng, chính bản thân mình cũng có ngày rơi vào cảnh ấy sau sáu năm làm việc. Trong lần điều chỉnh cơ cấu tổ chức này, phòng Nhân sự được quyết định hợp nhất cùng phòng Trợ lý - Hành chính - Kế toán. Chỉ có đúng Giám đốc Nhân sự và một nhân viên cũ được giữ lại, còn lại đều bị sa thải hết, trong đó bao gồm cả anh An.
Tuy vậy, anh An bình thản chấp nhận quyết định nghỉ việc mà không lo lắng gì. Anh tự nhủ, mình đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành, trong đó có 6 năm ở cấp bậc quản lý, chắc chắn sẽ dễ dàng tìm được một cơ hội mới tốt hơn.
Thế nhưng thực tế lại chứng minh một điều ngược lại. Thay vì thuận lợi phỏng vấn tuyển dụng, anh lại không ngừng gặp trắc trở và dần nhận ra một sự thật đáng buồn: Suốt những năm gần đây, ngoại trừ sự quen thuộc với các kỹ năng cơ bản như chế độ an sinh xã hội, tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, anh không đạt được một tiến bộ vượt bậc nào trong lĩnh vực chuyên môn, cũng không tích lũy được nguồn lực đặc biệt nào của riêng mình. Với năng lực hiện giờ, anh chỉ có thể quay lại làm một nhân viên bình thường trong ngành nhân sự. Nhưng công việc này lại thường yêu cầu người ứng tuyển có độ tuổi dưới 30.
Chính vì thế, sau nhiều lần phỏng vấn thất bại tại các công ty lớn, anh An chỉ có thể ứng tuyển vào một công ty nhỏ vừa không có danh tiếng, vừa trả lương thấp, công việc lại nhiều.
Rõ ràng, thời gian làm việc không tương đương với kinh nghiệm làm việc, lại càng không thể quyết định được mức lương thu nhập, cho dù đó là 1 năm hay 10 năm.
02. Chỉ có năng lực không thể thay thế, chứ không có chức vụ nào không thể thay thế
Nếu nghĩ "Tôi đã có 10 năm trong nghề" hoặc "Tôi đã giữ chức vụ này 8 năm" là vốn tư bản trong quá trình đàm phán tuyển dụng thì chúng ta đã quá sai lầm. Thời gian và chức vụ không nói lên gì cả, chỉ có năng lực và thành tựu bạn đã đạt được trong suốt thời gian giữ chức vụ đó mới là khía cạnh mà công ty quan tâm. Cho dù bạn có nhiều kinh nghiệm cũng chưa chắc đã có lượng kinh nghiệm mà công ty cần, càng không thể khẳng định bạn sẽ đem tới thành tựu cho lĩnh vực đó.
Điều quan trọng nhất của quá trình làm việc là trong 10 năm qua, bạn đã học được gì? Đã tích lũy thêm điều gì? Có năng lực sở trường gì? Và năng lực của bạn có quan trọng, có cần thiết tới nỗi không thể thay thế trong công ty hay không? Đây mới là nhân tố cốt lõi quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi người. Hãy tự hỏi rằng: "Bạn đang có 10 năm kinh nghiệm làm việc hay bạn chỉ có 1 kinh nghiệm làm việc trong suốt 10 năm qua?"
"Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện", câu nói của Thomas Edison dường như hoàn toàn chính xác dù đặt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có nỗ lực không ngừng, chúng ta mới có thể biến cái bình thường trở thành phi thường. Và ngược lại, không có quá trình khổ luyện thì người phi thường đến mấy cũng có ngày bị người bình thường vượt qua. Đặc biệt là trong công việc, chỉ cần xao nhãng một ngày là chúng ta đã ít cơ hội học hỏi và rèn luyện kỹ năng hơn người khác rất nhiều. Đừng bao giờ lầm tưởng rằng, tiền lương sẽ liên tục tăng lên dựa trên số năm làm việc của bạn mà nó chỉ tỉ lệ thuận với tầm quan trọng của năng lực mà thôi.