Câu chuyện dạy con vĩ đại của người cha Do Thái: Cương quyết rèn thói KỶ LUẬT với chính mình hôm nay chính là TỰ DO và GIÀU CÓ cho bản thân ngày mai

01/06/2019 11:32 AM | Sống

Nhắn nhủ riêng với các bạn trẻ dễ thỏa hiệp và nuông chiều bản thân: Nếu cuộc đời là một cuốn lịch thì 30 tuổi bạn đã xé hết hơn 1/3 số tờ lịch rồi đấy, không học tập và rèn luyện bạn sẽ già đi nhanh chóng. Thời gian là có hạn nên hãy cương quyết với bản thân và biến mọi khoảnh khắc sống của bạn trở nên có ý nghĩa hơn.

Nhấc mông lên không nổi, làm gì cũng lề mề nuông chiều cái sướng của bản thân chắc chắn rơi mất kỷ luật

Nuông chiều bản thân thì ai cũng làm được, nhưng đưa chính mình vào kỷ luật thép thì gian nan biết bao. Con người ngay từ đầu có xu hướng tìm kiếm điều gì dễ dãi không muốn đi vào khuôn khổ. Đó là bản năng tự nhiên của con người. Khi đứng trước một công việc nào đó cần một chút cố gắng, não bộ sẽ phát đi tín hiệu cảnh báo rủi ro giúp chúng ta tìm các nguồn lực để vượt qua. Tuy nhiên, theo cơ chế này, nhiều người chúng ta phản hồi là thu mình lại để có cảm giác an toàn. Để cân bằng nỗi sợ này, con người tìm kiếm cảm giác dễ chịu, nhàn rỗi.

Đó là lý do vì sao chúng ta có thể ngồi lướt hàng giờ xem tin tức vô bổ, ngồi xem youtube hết chương trình này đến chương trình khác, ngủ nướng hay nằm ườn một chỗ không chịu vận động.

Tiếc thay, tạo hóa cho con người cơ chế này để chúng ta tìm cách phát triển thì những kẻ chây ỳ lại làm ngược lại thỏa hiệp với nỗi sợ. Đáng báo động là tình trạng thiếu kỷ luật lại có ở rất nhiều người từ 20-28 tuổi trong giới trẻ Việt Nam, nhóm người đang trong độ tuổi lao động nhưng không xây dựng cho mình thói quen tốt.

Nhiều bạn trẻ còn thú nhận với tôi điều này. Có bạn nói: "Em lên kế hoạch mỗi tối sẽ dành 30 phút xem video tiếng Anh dạy giao tiếp nhưng chưa tối nào em xem một video trọn vẹn. Thật khó kiểm soát bản thân khi Youtube gợi ý rất nhiều video giải trí. Vậy nên cả buổi tối em click hết clip này đến clip khác mà chẳng liên quan gì đến tiếng Anh cả."

Rõ ràng việc lên quyết tâm là một chuyện nhưng thực hiện được nó hay không lại là chuyện khác. Tôi nói với bạn đó: "Mục tiêu của em là xem video Tiếng Anh thì em cần kế hoạch cho nó. Tối thiểu hãy lên danh sách những video đó trên file word, 30 phút buổi tối em chỉ click vào đường link trong file word đó thôi. Việc đơn giản nhất vậy em đã làm chưa?"

"Đã yếu thì đừng ra gió", nếu bạn sớm biết mình dễ bị cám dỗ bởi những thú vui vô bổ thì hãy chặng đường tiếp cận nó đi, gạt bỏ yếu tố khiến bạn xao nhãng đã giúp bạn đến 50% thực hiện quyết tâm rồi!

Kỷ luật và thành công: Hãy nhìn tấm gương của người Nhật

Câu chuyện dạy con vĩ đại của người cha Do Thái: Cương quyết rèn thói KỶ LUẬT với chính mình hôm nay chính là TỰ DO và GIÀU CÓ cho bản thân ngày mai - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Bạn có biết tại Nhật Bản, kỷ luật được gọi là shitsuke dùng để chỉ việc huấn luyện, nuôi dạy. Người Nhật không hề có tính kỷ luật bẩm sinh nhưng chúng ta thường nghĩ. Họ dạy con cái từ lúc chúng còn rất nhỏ. Bạn tôi sống ở Nhật kể: Có một lần phải đi di chuyển bằng tàu điện ngầm, con trai 2 tuổi của cô ấy nhất quyết không chịu đi. Nó cáu kỉnh ỳ lầy giữa nơi công cộng. Cô ấy phải liên tục xin lỗi với các hành khách trên tàu vì điều này. Cô ấy chỉ ước lúc đó có phép màu nào ép con trai vào kỷ luật chịu nghe lời.

Hôm sau cô ấy tâm sự chuyện này với cô giáo dạy con mình, cô giáo chỉ gật đầu và cười lớn: "Chúng tôi gọi đó là ma no nisai. Độ tuổi quái quỷ nhưng luôn có cách đối phó với những đứa trẻ như vậy". Cô giáo nói: "Thực ra kỷ luật là được rèn luyện từ nhỏ, người Nhật luôn tạo tính kỷ luật bằng cách xây dựng những nề nếp nhất định bắt buộc trẻ phải làm theo. Trẻ được rèn nề nếp đó diễn ra thường xuyên từng ngày giúp hoàn thiện và loại bỏ đi thói quen xấu. Các con sống trong kỷ luật sẽ tạo nguyên tắc cơ bản phục vụ cuộc sống như chuẩn bị bữa ăn, cách lau dọn nhà cửa, cách chào hỏi, xưng hô…"

Trong công việc, người Việt chỉ làm nửa vời, người Nhật thì khác họ tìm cách tối đa hóa năng suất hết mức có thể. Phụ nữ Nhật Bản có sức khỏe dẻo dai, những người già ở đây cũng không có tư tưởng nghỉ hưu sớm nhiều người 80 tuổi vẫn làm việc giống như "nghiện công việc" vậy.

Họ không bao giờ bằng lòng với kết quả đạt được, họ luôn muốn kết quả cần cải thiện và tốt hơn nữa,  luôn muốn ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Thật dễ để hiểu một đất nước luôn chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai như Nhật Bản mà vẫn cứ đẹp và giàu vì họ có kỷ luật và chí tiến thủ không ngừng.

Câu chuyện dạy con vĩ đại của người cha Do Thái: Cương quyết rèn thói KỶ LUẬT với chính mình hôm nay chính là TỰ DO và GIÀU CÓ cho bản thân ngày mai - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Kỷ luật với chính mình hôm nay là tự do cho bản thân ngày mai

Không chỉ người Nhật mà người Do Thái dân tộc thông minh nhất thế giới cũng xem kỷ luật là một nhân tố then chốt quyết định thành công. Tôi từng đọc câu chuyện này:

Ở một thành phố đông đúc của nước Mỹ, có một doanh nhân Do Thái giàu có đã dạy con trai mình rằng: "Kỷ luật với chính mình đồng nghĩa với việc tạo ra cho mình một cuộc đời đầy ưu ái, nó chính là tự do con ạ". Người con thắc mắc hỏi: "Học tập một cách kỷ luật và nghiêm khắc tức là con suốt ngày phải vùi đầu vào sách vở sao?". Người cha Do Thái trả lời: "Những kẻ ngốc mới suốt ngày chúi đầu vào những cuốn sách để tự thấy rằng mình đang học hành chăm chỉ. Chắc gì những kẻ suốt ngày ôm lấy sách vở là nghiêm túc và giỏi giang. Nghiêm túc không nằm ở chỗ ôm sách suốt ngày, mà nó là việc đọc một trang sách thì phải đọc tập trung đến mức thấu hiểu và đọc để dùng được trong thực tiễn. Nghiêm túc và kỷ luật có nghĩa là làm việc gì phải đến kết quả cuối cùng.

Cha thành công vì cha làm gì cũng đến kết quả với sự tập trung và nỗ lực cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Người ta thất bại là vì người ta làm việc mà không đến đích, làm chỉ để cho có. Con hãy nhớ rằng điều nói lên thành công là kết quả: đó là kết quả của công việc con làm hay thành quả của con đọc sách cũng thế thôi. Còn làm việc mà không có kết quả là do con kém cỏi, làm nhiều mà chẳng đến đâu. 

Những việc trên đời này mà con quyết tâm thực hiện đến cùng để tạo ra kết quả tốt thì được gọi là thành quả. Khi quyết tâm thực hiện đến cùng, trí tuệ của con sẽ tự nhiên thông minh và sắc sảo mà chẳng cần bất cứ phép màu nào. Sau nhiều lần quyết tâm thực hiện đến cùng con sẽ có được năng lực cực kỳ quan trọng của người thành công đó là khả năng tập trung cao vào công việc. 

Càng tập trung cao khi làm việc hay học tập con càng tiết kiệm thời gian cho mình. Và chính sự tập trung cao độ để làm việc gì cũng đến đích sẽ làm cho trí thông minh của con luôn được rèn luyện, con sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn"

Chàng trai hiểu ý của cha mình. Cậu bỏ tư tưởng phá phách và lười nhác ra khỏi đầu. Thay vào đó cậu lên kế hoạch học tập rõ ràng và luôn tập trung để hoàn thành các bài tập triệt để trong thời gian nhanh nhất. Năm học đó trôi qua, mọi người đều bất ngờ, từ một cậu học sinh đội sổ của lớp, cậu lọt vào nhóm học sinh xuất sắc.

Trong bài phát biểu trước toàn trường nói về thành tích của mình, cậu đã chia sẻ về tính kỷ luật mà người cha Do Thái đã dạy là "Thành quả của việc nhỏ mỗi ngày tạo ra thành công lớn cuối mỗi chặng đường. Tôi không phải là người tài năng như mọi người đang nghĩ, dù tôi tiến bộ rất nhanh từ chỗ là học sinh cá biệt và bị bạn bè mỉa mai là dốt nát. Cha tôi đã dạy về kỷ luật và sự nghiêm túc trong mọi việc, khi làm gì cũng phải đến kết quả cuối cùng. Tôi biết ơn cha về bài học KỶ LUẬT VỚI CHÍNH MÌNH HÔM NAY LÀ TỰ DO CHO BẢN THÂN NGÀY MAI". Tất cả mọi người hôm đó đã vỗ tay không ngớt và cảm ơn cậu về bài học quý báu đó.

Diễn giả Mỹ Stephen R.Covey từng nói: "Những người không có kỷ luật là nô lệ của cảm xúc, dục vọng và đam mê". Vì vậy nếu muốn thành công, làm chủ cuộc sống bạn hãy để bản thân đi vào guồng kỷ luật. 

Nhắn nhủ riêng với các bạn trẻ dễ thỏa hiệp và nuông chiều bản thân: Nếu cuộc đời là một cuốn lịch thì 30 tuổi bạn đã xé hết hơn 1/3 số tờ lịch rồi đấy, không học tập và rèn luyện bạn sẽ già đi nhanh chóng. Thời gian là có hạn nên hãy cương quyết với bản thân và biến mọi khoảnh khắc sống của bạn trở nên có ý nghĩa hơn.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Mr Why – Phạm Ngọc Anh - CEO của ASK Training JSC)

Phạm Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM