3 lần startup là 3 lần thất bại tới nỗi phá sản, mất sạch gia tài, CEO trẻ vẫn kiên định khởi nghiệp lần thứ 4

26/01/2020 16:00 PM | Kinh doanh

Lần thứ 4, vị CEO dấn thân vào thị trường thương mại điện tử đầy khốc liệt, liệu sẽ thành công?

Bài học lần thứ nhất: 3 tỷ đồng

Nguyễn Văn Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tại Hà Nội. Có lẽ bởi vậy mà "máu" doanh nhân đã ngấm vào con người ấy từ nhỏ, sớm mang tham vọng lớn, trở thành tỷ phú đô la.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành quản lý công thương tại Trung Quốc, anh về nước, đầu quân cho một công ty Đài Loan rồi nhanh chóng được bổ nhiệm làm trợ lý Tổng giám đốc.

Làm việc được hai năm, bỗng nhận thấy mô hình máy lọc nước tinh khiết thu phí bằng tiền xu hoặc qua thẻ từ đang rất thịnh hành ở nước ngoài mà trong khi đó, Việt Nam cũng vừa bắt đầu dùng tiền xu, Văn Anh quyết định nghỉ việc để lập công ty riêng.

Tiên phong triển khai mô hình tại Hà Nội với mục tiêu phủ kín thị trường, vị doanh nhân đi vay vốn để nhập thiết bị. Nhưng đời không như là mơ, việc xin cấp phép địa điểm đặt máy quá khó khăn, chi tiền tỷ nhưng thu về chỉ tiền xu, tiền lẻ, giấc mơ nhanh chóng phá sản. Bài học đầu tiên, Văn Anh "đóng học phí" 3 tỷ đồng.


Bài học lần thứ hai: Chục tỷ đồng

Sau cú ngã đầu tiên, thương con trai, bố mẹ xin cho anh vào làm việc tại Sở Xây dựng Thành phố Bắc Ninh. Chẳng bao lâu, chàng trai lại nhận thấy tiềm năng lớn trong của thị trường bất động sản nơi đây.

3 lần startup là 3 lần thất bại tới nỗi phá sản, mất sạch gia tài, CEO trẻ vẫn kiên định khởi nghiệp lần thứ 4 - Ảnh 1.

CEO Nguyễn Văn Anh tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công

Tham vọng làm giàu lại trỗi dậy, thôi thúc Văn Anh bỏ việc, lập công ty riêng. Lần này, nhờ bắt đúng nhịp thị trường, vị doanh nhân lãi lớn, tích lũy được hàng chục tỷ đồng. Nhưng chỉ một năm sau, khủng hoảng tài chính khiến thị trường từ đỉnh cao liền lao dốc không phanh, các giao dịch đóng băng, lãi suất ngân hàng có lúc lên đến 25% khiến anh chìm trong nợ nần.

Bài học kinh doanh thứ hai, Văn Anh phải trả học phí lên tới chục tỷ đồng.


Bài học lần thứ ba: Cả gia tài

Cũ ngã từ thị trường bất động sản đã khiến Văn Anh thực sự "ngấm đòn". Mất hơn một năm, vị doanh nhân mới vực dậy tinh thần để làm lại. Lần này, anh nhập khẩu và bán buôn các phụ tùng xe máy từ Trung Quốc.

Từ chỗ có nhà, có ô tô, giờ đây, Anh chấp nhận đi xe buýt, thậm chí mượn bạn bè xe Wave để đến tiếp thị cho từng khách hàng. Tích lũy được chút vốn, tìm hiểu thị trường sâu hơn, vị doanh nhân trẻ đầu tư vào sản xuất keo tự vá. Sau hơn một năm, sản phẩm của công ty đã phủ sóng khắp bắc – nam, doanh thu đạt gần tỷ đồng.

Được đà thắng lợi, năm 2013, vị CEO mở thêm công ty sản xuất lốp ô tô chống đinh và cũng tăng trưởng hàng chục phần trăm chỉ trong 6 tháng.

3 lần startup là 3 lần thất bại tới nỗi phá sản, mất sạch gia tài, CEO trẻ vẫn kiên định khởi nghiệp lần thứ 4 - Ảnh 2.

Những tưởng sẽ thỏa mãn với sự nghiệp ổn định thì một cơ hội béo bở từ đối tác nước ngoài với lợi suất cao, giá trị lên đến 2 tỷ USD khiến anh không yên lòng. Nhưng đổi lại, để có tiền đầu tư, vị CEO không những phải bán hết tài sản đang của mình mà thậm chí phải vay mượn thêm.

Đứng trước lựa chọn "được ăn cả, ngã về không", trước cơ hội biến ước mơ trở thành tỷ phủ đô la từ thời thơ ấu thành hiện thực, anh quyết định đánh cược lần nữa.

Cuối năm 2015, Văn Anh bán cả hai công ty, vay thêm tiền để nuôi dự án. Nhưng vận may không mỉm cười, một năm sau, tập đoàn nước ngoài phá sản, vị CEO mất trắng.


Làm lại với thương mại điện tử

Ba lần liều lĩnh là ba lần điêu đứng đến gần như mất tất cả, Văn Anh muốn bắt đầu lại lần nữa nhưng làm nhỏ thì chí không cam, làm lớn lại không đủ vốn.

Đến 2017, vị CEO sang Hồng Kông, đầu quân cho một tập đoàn tài chính, mong tích lũy kinh nghiệm và vốn để quay về nước lập nghiệp. Chỉ một năm sau, anh trở về, bắt nhịp xu hướng thương mại điện tử đang bằng việc thành lập sàn TMĐT Bigbuy24h với mô hình cashback.

Theo đó, thay vì quảng cáo, truyền thông, họ hoàn tiền cho khách hàng để tăng lượng user quay lại. Vị CEO này cho biết đến cuối năm 2019, lượng user tham gia đạt gần 2 triệu, cùng 20.000 shop.

Mục tiêu của công ty là sẽ chinh phục cột mốc 20 triệu người dùng, 1 triệu gian hàng cùng hệ thống 5.000 siêu thị đồng giá vào 2023.

Tuy nhiên, ai cũng biết, miếng bánh thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng khốc liệt. Không ít cái tên đã "chết từ trong trứng nước" như Beyeu hay Deca. Đại gia Vingroup gần đây cũng phải ngậm ngùi đóng cửa Adayroi. Còn những ông lớn như Shopee, Tiki hay Lazada vẫn đang miệt mài đốt tiền trong khi cuộc đua chưa có dấu hiệu ngã ngũ.

3 lần startup là 3 lần thất bại tới nỗi phá sản, mất sạch gia tài, CEO trẻ vẫn kiên định khởi nghiệp lần thứ 4 - Ảnh 3.

Lắng nghe câu chuyện của CEO Văn Anh, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch AlphaBooks băn khoăn về lợi thế của Bigbuy24h và cho ý kiến: "Bạn là một doanh nhân rất "máu chiến", luôn tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng dấn thân. Cơ hội luôn luôn đến, ngày càng nhiều, chỉ là tính rủi ro cũng ngày càng cao.

Bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp hoặc nhóm các doanh nghiệp mà 80% hay 60% dựa trên giá trị bền vững, có được sự ổn định và tính kế thừa với nhau để duy trì được đội ngũ, tạo nền tảng cho những dự án mới. Sau đó hình thành những dự án mang tính pilot (tiên phong).

Tôi nghĩ những doanh nghiệp phát triển đến tỷ đô luôn phải dựa trên những giá trị cốt lõi và một nhóm điều hành có năng lực, cùng làm việc với nhau trong thời gian dài."

Còn ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc CTS-Trung tâm Khoa học Tư duy- Bộ KH&CN chia sẻ: "Khi bản thân có tính mạo hiểm cao thì trong tổ chức cần sự cân bằng của một đối trọng. Để có một team tốt, phải hội tụ các yếu tố: làm rõ chiến lược, kỹ năng của nhân viên, từng nhân viên phải có động lực cá nhân, tính cụ thể của "action plan" - kế hoạch hành động."

T.D

Cùng chuyên mục
XEM