20 tuổi vỗ ngực xưng nghèo, ai cũng tán thành; 28 tuổi không một xu dính túi, ai cũng an ủi; ngoài 30 tuổi vẫn túng thiếu, ai cũng cười chê?

25/06/2019 08:02 AM | Sống

Trước 30 tuổi, bạn nghèo không ai trách, nhưng nếu sau đấy bạn vẫn biện cớ cho sự nghèo của mình thì cuối cùng bạn sẽ chỉ tập trung tìm cớ cho việc mình nghèo mà thôi.

20 tuổi, khi vẫn còn là một sinh viên vô tư tràn đầy nhiệt huyết, ta không bị đồng tiền làm cho đau đầu. Khi ấy, có thể trong túi ta chẳng có lấy nổi một xu, phải ăn mì trường kỳ, ta vẫn có thể ngạo nghễ cười, tin tưởng đời còn dài, sau này rồi sẽ khác.

20 tuổi, có quá nhiều lý do để ta được phép "nghèo". Vì ta còn quá trẻ, việc học vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Cũng vì còn ít tuổi, va vấp chưa nhiều nên những công việc tạm bợ cũng chỉ đủ để ta chi tiêu lặt vặt và kiếm thêm chút kinh nghiệm. Hay đơn giản, nếu sinh ra trong một gia đình không thuộc dạng "lùi về vạch đích", ta của tuổi 20 cùng lắm cũng chỉ lo đủ cho bản thân mình mà không cần nhờ sự hỗ trợ từ bố mẹ.

Vài năm sau, khi ra trường, lòng kiêu hãnh khiến ta không muốn phụ thuộc vào gia đình nữa và muốn gánh vác thật nhiều trọng trách trên vai. Vậy nên, đến năm 28 tuổi, nếu ta làm ra tiền nhưng vẫn chưa có gì để tích lũy thì vẫn có thể cảm thông.

Nhưng nếu qua tuổi 30, nếu ta vẫn không có đồng nào trong tay, vẫn phải xoay sở từng tháng tiền nhà, tiền ăn thì lúc này buộc phải nghiêm túc suy nghĩ lại: Ta nghèo là do dòng đời xô đẩy, hay do ta bất tài?

Trước 30 tuổi, bạn nghèo không ai trách, nhưng nếu sau đấy bạn vẫn biện cớ cho sự nghèo của mình thì cuối cùng bạn sẽ chỉ tập trung tìm cớ cho việc mình nghèo mà thôi.

20 tuổi vỗ ngực xưng nghèo, ai cũng tán thành; 28 tuổi không một xu dính túi, ai cũng an ủi; ngoài 30 tuổi vẫn túng thiếu, ai cũng cười chê? - Ảnh 1.

20 tuổi vỗ ngực xưng nghèo? Hoàn toàn đồng ý!

Khi bạn ở tuổi 20 - độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, những trăn trở về tiền bạc, về việc phải "giàu" có lẽ chưa bao giờ làm bạn quá mệt mỏi. Bước chân vào đời với cả một tâm hồn phơi phới và đầy ước mơ, bạn làm những công việc đầu tiên với mong muốn học hỏi và trải nghiệm là chính.

Bạn có một niềm tin mãnh liệt rằng, chỉ cần cố gắng quan sát, trau dồi, vấp ngã vài lần thì chắc chắn sau này sẽ được công nhận năng lực, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền để lo cho chính mình, sẽ chẳng phải lắc đầu khi đứa em trai xin tiền mua bộ đồ chơi nó thích, bạn cũng thoải mái đưa bố mẹ đi du lịch đó đây, bù đắp cho những tháng ngày bố mẹ vất vả nuôi mình.

Nhưng, đời không như là mơ! Đời sẽ để dành những gì phũ phàng nhất và ném vào tuổi 20 tràn ngập hoài bão của bạn.

Khi còn là một đứa chân ướt chân ráo bước lên thành phố học tập, ta cứ nghĩ rằng, chỉ cần học thật giỏi, có tấm bằng thật tốt thì sẽ nhận được công việc xứng đáng. Nhưng thực tế thì, những kiến thức học được trong cả 4 năm Đại học hiếm khi áp dụng được vào thực tế.

Sẽ chẳng có nơi nào trả lương cao ngất cho một sinh viên không có gì ngoài tấm bằng giỏi. Lúc này ta mới giật mình nhận ra rằng, để đổi lấy những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống, ta có thể phải nhận mức lương "thực tập" và làm việc với 200% công sức.

Tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền mua thêm tài liệu,… gói gọn trong vài đồng lương trầy trật mới kiếm được. Vì vậy, nếu cuối tháng mà ta lo đủ được cho bản thân là tốt lắm rồi, còn ước muốn gì hơn!

Tuổi 20, sẽ có không ít lần, ta phải từ chối vài cuộc gặp mặt với bạn bè. Lý do thì chỉ quẩn quanh "hết tiền rồi", "cháy túi rồi", "bao thì đi".  Hoặc khi muốn mua một món đồ mới, ta cũng phải cân nhắc kỹ càng nhiều tuần liền, phải tính tới tính lui xem liệu món đồ đó có xứng đáng để ta tiêu số tiền mình dành dụm được trong vài tháng không.

Ở tuổi 20, khó mà nghĩ tới chuyện dư dả. Trong giai đoạn này, đi làm mục đích chính không phải vì cuộc sống mưu sinh, mà là để gom được thêm thật nhiều kiến thức làm hành trang cho tương lai.

Khi còn trẻ, còn khỏe, tiền bạc tuy quan trọng thật nhưng không bằng việc học. Học giúp ta trưởng thành, chín chắn trong suy nghĩ, sẵn sàng bứt phá về sau. Dù không sinh ra ở vạch đích nhưng với sự kiên trì, bền bỉ và không ngừng nỗ lực, ta có quyền tin rằng, cái mác "con nhà nghèo" sẽ không đeo đẳng ta mãi. Ta có quyền tin rằng, ta sẽ giàu có về sau.

20 tuổi vỗ ngực xưng nghèo, ai cũng tán thành; 28 tuổi không một xu dính túi, ai cũng an ủi; ngoài 30 tuổi vẫn túng thiếu, ai cũng cười chê? - Ảnh 2.

28 tuổi vẫn trắng tay! Đừng vội bỏ cuộc!

Có vẻ như, những nỗ lực không ngừng của tuổi trẻ sẽ được đáp lại trong vài năm tiếp theo. Khi đã có kinh nghiệm và kỹ năng trong tay, ta quen với guồng quay của công việc. Những dự án đem đến cho ta nhiều tiền hơn và ta bắt đầu có của để tích cóp cho bản thân mình.

Nhưng tại sao tới năm 28 tuổi, khi kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng, dù nhìn mòn con mắt, ta vẫn không thấy mình tiết kiệm được gì cả?

Chuyện này thật ra rất dễ hiểu. Sau vài năm đi làm, có vẻ như thu nhập của ta cũng khá hơn đôi chút. Ta có thể đổi sang căn phòng rộng rãi hơn mà không gặp nhiều khó khăn. Ta đã có thể thay bố mẹ chu cấp cho cậu em trai. Ta cũng đôi lần đưa ba mẹ đi du lịch đó đây như lời hứa năm nào. Tuổi 28, ta đã gặt hái được những thành công đầu tiên và bắt đầu nhận được sự công nhận của mọi người.

Nhưng, ta chắc chắn sẽ không sống một mình cả đời. Ta còn phải kết hôn, sinh con rồi mua nhà, sắm xe,… Năm 20 tuổi, nếu thế giới của ta chỉ là bố mẹ, là cậu em trai thì tới năm 28 tuổi ta còn phải nghĩ tới một gia đình của riêng mình nữa.

Vậy nên, khi chưa lo cho ba mẹ được bao nhiêu, ta lại phải hổ thẹn thì thầm: "Ba mẹ cho con mượn chút tiền để con lo việc cưới xin. Sau này, làm ăn khấm khá hơn, nhất định con sẽ báo đáp bố mẹ."

Bố mẹ luôn là những người yêu thương ta vô điều kiện. Chỉ cần thấy ta cần, họ sẵn sàng dốc hết vốn liếng cả đời tích góp để lo cho chúng ta. Lúc này, ta hiểu rằng, dù chưa bao giờ giàu về mặt kinh tế nhưng ta chưa bao giờ nghèo về tình thương. Nhất định, ta sẽ nỗ lực gấp trăm, gấp ngàn lần để đem lại hạnh phúc cho bố mẹ.

Tiền lương dù nhiều đến thế nào cũng không thể theo kịp được trách nhiệm cần gánh vác của một người xấp xỉ tuổi 30. Việc có quá nhiều thứ phải chi tiêu là nguyên nhân khiến ta đi làm mãi mà vẫn không có của để dành.

Cú tát của tuổi 28 cũng thật ê chề và đắng cay. Một phần trong đó cũng do chi phí sinh hoạt, nhà đất và nhu cầu chi tiêu không ngừng tăng lên khiến ta nhanh chóng làm cạn sạch túi tiền của mình.

Vậy nên, nếu vẫn đang kiên trì từng bước một để xây những viên gạch vững chãi cho tương lai, đừng nản lòng vì đôi khi chỉ vài bước nữa, ta sẽ bước tới đỉnh cao của sự nghiệp.

20 tuổi vỗ ngực xưng nghèo, ai cũng tán thành; 28 tuổi không một xu dính túi, ai cũng an ủi; ngoài 30 tuổi vẫn túng thiếu, ai cũng cười chê? - Ảnh 3.

 30 tuổi, cuộc sống vẫn vậy? Trách ai ngoài chính mình!

Có một câu nói làm tôi rất tâm đắc: "Nếu năm 20 tuổi bạn không nỗ lực làm việc chăm chỉ thì khi bạn 30 tuổi, bạn sẽ được công nhận là một người nghèo. Sau đó vài năm, bạn sẽ trở thành một người nghèo bền vững."

Đến tuổi 30, ta có thể sẽ trở thành một người thành công với vô số điều khiến nhiều người ghen tị như có nhà cao cửa rộng, xe hơi hàng hiệu, vợ con đề huề. Nhưng điều đấy chỉ đúng trong trường hợp những người xung quanh nhàn nhã đứng dưới mặt đất hóng mát, còn bạn thì đang từng ngày đổ mồ hôi để leo đến vạch đích mà mình hướng tới.

Sau 30 tuổi, mọi thứ gần như đã đi vào quỹ đạo. Công việc ổn định hơn, gánh nặng về tiền nhà, tiền ăn,… cũng không còn nặng nề như trước. Nhưng cũng chính lúc đó, ta sẽ để thời gian cướp đi của chúng ta sự sôi nổi của tuổi trẻ. Ta trở nên bình tâm hơn trước sóng gió của cuộc đời. Ta trở thành người hiểu chuyện và sẵn sàng làm mọi thứ để không phải thay đổi.

Khi ta trên 30 và đang tiến dần về con số 40, mọi cơ hội đến với ta đều thu hẹp lại. Các công ty tuyển dụng sẵn sàng bỏ qua ta và ưu ái người trẻ vì họ dám xông xáo, có sức khỏe và tất nhiên cũng một phần vì mức lương tuyển họ không quá cao.

Vậy nên, nếu cữ mãi ảo tưởng về một công việc "tốt hơn" mà không đặt ra giới hạn thử thách cho bản thân, không chịu rèn giũa mà chỉ biết đố kị với thành quả người khác thì khi nhìn lại, ta sẽ thấy mình đang dậm chân tại chỗ.

Nếu cố chấp giữ mãi những khát vọng viển vông của thời trẻ, không xác định được mình đang đứng ở đâu thì sau 30 ngoài cái nghèo, ta sẽ được cuộc đời "bonus" thêm sự thất bại thảm thương. Lúc này, ta chỉ còn có thể đổ lỗi cho chính mình mà thôi.

Và rồi sau này, rất có thể khi những đứa con của ta mắc sai lầm, ta sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng và cáu gắt với chúng, để sự khó chịu của mình làm vẩn đục tâm hồn hẵng còn sáng trong. Ta muốn chúng phải thế này, phải thế kia, cốt để chúng đạt được những lý tưởng mà mình đã bỏ lỡ. Phải chăng, ta đang quá ích kỷ?

Điều đáng sợ nhất, đó là khi tuổi ngày càng lớn, bạn bè đồng lứa xung quanh ai cũng có thành tựu riêng, ai cũng có điều đáng tự hào, còn nhìn lại ta có gì? Ta được cuộc đời trao cho một tờ giấy trắng và rất nhiều màu sắc. Nhưng tờ giấy trắng ấy, sau này có những gam màu tươi sáng, sôi nổi hay trầm buồn, xám xịt thì do mỗi người tự tô vẽ lấy.

Nếu cuộc đời dễ đi

Thì chẳng có ai thất bại

Nếu ai cũng ủng hộ ta

Thì đã chẳng có người rời xa

Nếu ai cũng thấu hiểu

Thì đã chẳng buông lời trách móc

Và nếu ta không cố gắng từng ngày

Thì sẽ đến lúc, đến tiền chữa bệnh cho ba mẹ, ta cũng phải đi vay.

Ta thà cầm bút hoạ cho mình những đoạn đường khúc khuỷu mà chinh phục được con đường hạnh phúc, còn hơn giữ nguyên một tờ giấy trắng mà chẳng trông thấy được tương lai…

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM