10 thói quen tưởng rất xấu nhưng thật ra lại có ích cho mỗi người
Nghĩ tới những thói quen xấu chúng ta đều muốn loại bỏ nó càng sớm càng tốt, thế nhưng không phải thói quen nào cũng vậy, đôi khi chúng phát huy lợi ích vào những thời điểm ít ai ngờ tới.
Chúng ta thường chia các thói quen thành 2 nhóm riêng biệt: Thói quen tốt và thói quen xấu. Nhưng thực ra ranh giới giữa 2 nhóm này lại không hề rõ ràng. Một số thói quen mà chúng ta vẫn nghĩ là xấu thực ra lại rất tốt cho bạn, nếu được đặt trong những tình huống cụ thể.
Dưới đây là một số thói quen có đặc điểm như vậy:
1. Trì hoãn. Trong thời đại mà mọi người liên tục chạy đua với tốc độ chóng mặt, làm nhiều việc một lúc và thường xuyên bị phân tâm, thì không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra được mình mệt mỏi và stress thế nào. Đôi khi điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình là dẹp mọi thứ sang một bên và nhận ra rằng, không phải việc gì cũng cần phải khẩn trương, cấp bách.
2. Buồn chán. Hầu hết mọi người đều không ưa gì tâm trạng này, đôi khi chỉ bởi họ tin rằng nó cho thấy một con người thiếu động lực. Nhưng buồn chán có thể là một đường dẫn quan trọng đối với tư duy sáng tạo. Nó tạo cho bạn một không gian cần thiết để biến những vấn đề cũ thành những giải pháp sáng tạo hoặc tìm ra những mảnh đất mới đầy màu mỡ cho các suy nghĩ và trí tưởng tượng thỏa sức phát triển.
3. Từ chối mọi thứ. Chúng ta vẫn được dạy rằng nói “không” là một hành động ích kỷ. Nhưng cách ngược lại – đồng ý với mọi thứ – có thể dẫn đến làm việc quá sức, bào mòn năng lượng và reo rắc nỗi oán giận. Học được cách từ chối khéo léo những thứ không quan trọng sẽ giúp bạn có thêm thời gian để tập trung vào những thứ quan trọng nhất.
4. Làm ít đi. Văn hóa lao động ngày nay luôn thúc đẩy chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Đôi khi nó khiến chúng ta có cảm giác mình đang trượt lại phía sau xa hơn dù cho chúng ta có chăm chỉ hơn nữa. Khi đó hãy mạnh dạn gạt bỏ bớt một số việc. Hãy giao phó hoặc san sẻ bớt cho người khác. Đừng khiến cốc nước tràn ra ngoài khi mọi thứ có vẻ sắp vượt khỏi tầm kiểm soát.
5. Xao lãng. Ngay cả khi bạn từ chối, trì hoãn và làm việc ít đi mà vẫn không hồi phục được năng lượng cho bản thân, nghĩa là bạn vẫn còn giữ liên hệ với những việc cần làm trong tâm trí. Để thực sự “ngắt kết nối” và “hồi sinh” bản thân, hãy nghe nhạc hoặc vẽ tranh, ngồi thiền hoặc đọc sách hay đi dạo trong rừng. Lạc trôi ở một thế giới khác trong một khoảng thời gian biết đâu lại tiếp thêm cho bạn những nguồn năng lượng mới.
6. Mất bình tĩnh. Chúng ta vẫn được khuyên là không nên mất bình tĩnh, và cần phải kiểm soát cảm xúc của mình trong mọi tình huống. Nhưng đôi lúc ta cũng cần phải “buông thả” và “xả giận” (nếu được). Sẽ tốt cho bạn hơn nếu chỉ đôi khi mất bình tĩnh, thay vì phải kiềm chế cho đến khi “bùng nổ” và gây ra những thiệt hại không tưởng.
7. Mơ mộng. Nhiều người cứ nghĩ mơ mộng là một hình thức khác của sự lười nhác, nhưng để tâm trí tự do bay bổng đôi khi lại là một trong những điều tốt nhất bạn cần làm cho chính mình. Mơ mộng có thể làm tăng khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Vì thế mặc dù bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết nhiệm vụ mình được giao, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu được và giải quyết tốt những vấn đề lớn hơn.
8. Bày bừa. Nhiều nghiên cứu cho thấy một môi trường bừa bộn có thể tốt cho năng suất làm việc, đặc biệt là khi công việc đòi hỏi những suy nghĩ sáng tạo. Những căn phòng ngăn nắp có thể dễ chịu và thoải mái, nhưng sự bừa bộn có thể mang lại những giải pháp ít ai ngờ tới.
9. Hiếu động. Có thể bạn vẫn bị người khác phê bình là không thể ngồi yên một chỗ. Nhưng các nhà nghiên cứu đã cho thấy liên tục ngọ nguậy khi ngồi trên ghế, lúc lắc bàn chân, rung đùi hoặc gõ ngón tay có thể kích thích quá trình trao đổi chất và có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của bạn.
10. Ngủ nướng. Người ra cho rằng những người ngủ nhiều là lười biếng và không có động lực. Trên thực tế, nhiều người không ngủ đủ trong tuần và thường cố ngủ bù vào cuối tuần. Nhưng giấc ngủ không hiệu quả làm nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe, từ nguy cơ bị đột quỵ cho đến tăng cân. Vì thế đừng cưỡng lại những ý muốn của cơ thể. Đừng ngủ cả ngày, nhưng cũng đừng cảm thấy tội lỗi khi được phép ngủ nướng thêm một chút.