10 thói quen hủy hoại hạnh phúc
Hạnh phúc tồn tại trong nhiều hình thức khác nhau, nhưng người ta lại thường không nhận thức hết những may mắn mà mình có được, trong khi lại rất dễ nhìn thấy nỗi bất hạnh của mình.
Bất hạnh cũng giống như thuốc độc, có thể gây tử vong cho bất cứ ai. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Lewis Terman nổi tiếng từ đại học Stanford, với khảo sát thực hiện trong 8 thập kỷ, cho kết quả những người bất hạnh tự làm giảm sút sức khỏe và tuổi thọ của họ.
May mắn là để có được hạnh phúc thực sự không quá phức tạp. Một nghiên cứu tại Đại học Illinois cho thấy những người kiếm được nhiều tiền (hơn 10 triệu USD mỗi năm) là những người biết cân bằng, biết cách mang lại hạnh phúc cho bản thân hơn những người khác.
Hoàn cảnh sống chỉ là một trong những yếu tố tạo nên hạnh phúc, vì hạnh phúc thực sự có được nhờ khả năng kiểm soát của chính bạn. Đó là thành quả đến từ thói quen tốt và cách bạn nhìn nhận về cuộc sống. Nghiên cứu của các nhà tâm lý tại Đại học California cũng cho thấy hoàn cảnh sống tạo ra 50% hạnh phúc của một người. Phần còn lại là tùy thuộc vào bạn.
"Hiến pháp chỉ cho con người quyền theo đuổi hạnh phúc. Nhưng tự bạn phải đi tìm hạnh phúc của chính mình" - Benjamin Franklin viết. Một người càng bất mãn với cuộc sống sẽ càng gặp nhiều trắc trở. Và bởi vì sự bất hạnh luôn xảy ra theo cách bất ngờ nhất nên bạn càng cần giám sát chặt chẽ bản thân mình để nghịch cảnh sẽ không kéo bạn xuống vực thẳm.
Để có được sự giám sát chặt chẽ đó, bạn nên đặc biệt cảnh giác với 10 thói quen sau:
1. Chờ đợi điều tốt đẹp ở tương lai
Tự nói với chính mình rằng: "Tôi sẽ rất vui khi ..." là một trong những thói quen mà bạn dễ mắc phải nhất. Chờ đợi một hạnh phúc sẽ đến vào một ngày nào đó cũng giống như bạn đặt cược niềm tin vào những trò chơi may rủi – những trò chơi tạo ra để người chiến thắng thì hiếm hoi mà người thua cuộc thì nhiều vô kể.
Nói cách khác, nếu bạn không cảm nhận, tập trung và trân trọng vào những hạnh phúc đang có thì cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ hạnh phúc vào một ngày nào đó trong tương lai.
2. Chi quá nhiều thời gian và nỗ lực để mua lại "mọi thứ"
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự cải thiện tài chính chỉ có thể khiến một người đang nghèo đói trở nên vô cùng hạnh phúc trong khi hầu như không có tác dụng đối với người có thu nhập hơn 20.000 USD mỗi năm.
Điều đó có nghĩa là của cải không làm cho bạn hạnh phúc. Khi bạn có thói quen chạy theo vật chất, đến một lúc bạn sẽ thất vọng và hối hận khi nhận ra mình đã mất quá nhiều thời gian để theo đuổi những thứ phù du mà lãng quên đi những điều thực sự mang lại hạnh phúc cho mình như gia đình, bạn bè và những sở thích cá nhân khác. Vì vậy, hãy trân trọng hiện tại và nhanh chóng nhận ra điều gì là quý giá nhất với bản thân mình.
3. Ở một mình
Khi cảm thấy bất mãn, bạn thường có xu hướng giam mình trong phòng và tránh xa mọi người xung quanh. Đây là một sai lầm rất lớn.
Trò chuyện với mọi người rất có ích cho việc cải thiện tâm trạng của bạn, ngay cả khi cởi mở không phải là sở thích của bạn. Chúng ta đều có những ngày chỉ muốn chui vào chăn và từ chối chia sẻ với bất cứ ai, nhưng bạn nên hiểu rằng đây chỉ là cảm xúc nhất thời. Đây là triệu chứng “chống đối xã hội”, bạn cần sớm nhận ra và thúc đẩy bản thân hòa mình lại với mọi người. Chắc chắn bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt ngay lập tức.
4. Xem mình là nạn nhân
Người bất mãn có xu hướng cảm thấy cuộc sống luôn ngược đãi và bất công với họ. Họ thường nói: "Cuộc sống ngoài tầm tay của tôi”, “tôi bất lực với cuộc sống này". Với triết lý đó, họ đã vô tình làm bản thân càng cảm thấy bất lực, không có khả năng hành động để làm mọi việc tốt hơn.
Ai cũng đều sẽ có những lúc cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, bạn không phải là người duy nhất gặp xui xẻo, khó khăn và bạn hoàn toàn có thể kiểm soát, thay đổi tương lai của mình. Miễn là bạn sẵn sàng hành động.
5. Bi quan
Một trong những nhiên liệu tạo nên bất hạnh là sự bi quan. Nhìn cuộc sống bằng sự bi quan, thái độ tiêu cực, nó sẽ trở thành lời tiên tri cho hiện thực bi đát của bạn. Áp đặt sự tiêu cực vào vấn đề xảy ra, rất có thể bạn đang làm nó trầm trọng hơn bản chất vốn có của nó.
Rất khó để thoát khỏi những suy nghĩ bi quan cho đến khi bạn nhận ra được rằng chúng vô lý đến mức nào. Vậy nên khi thẳng thắn đối diện với bản chất của sự việc, loại bỏ yếu tố cảm xúc tiêu cực, chắc chắn bạn sẽ thấy mọi thứ không tệ như bạn vẫn nghĩ.
6. Phàn nàn
Phàn nàn là một căn bệnh mà chủ yếu là do bạn cố chấp tự gây ra. Bằng cách liên tục nói và suy nghĩ về những điều xấu, bạn đã vô tình làm gia tăng sự tiêu cực trong chính mình. Việc phàn nàn quá nhiều ngoài hậu quả khiến bạn không vui, nó còn gây ra sự khó chịu cho những người xung quanh và khiến họ xa lánh bạn.
7. Xoáy vào điều tiêu cực
Điều xấu xảy ra với tất cả mọi người nhưng lại có sự khác biệt trong cách tiếp nhận nó giữa người hạnh phúc và bất hạnh. Nếu người hạnh phúc nhìn thấy những gì họ đang có thì những người bất mãn lại thấy những điều họ không có, bị mất mát và do đó họ có thêm bằng chứng cho thấy cuộc sống ngược đãi họ.
Cùng gặp một vụ tai nạn, người hạnh phúc vẫn cảm thấy phiền phức nhưng đồng thời họ cũng thấy mình may mắn vì họ vẫn an toàn. Trái lại, một người bất mãn lại cho rằng vụ tai nạn rất nghiêm trọng, như một bằng chứng về cuộc đời đầy bất hạnh, rủi ro của mình.
8. Chối bỏ những sai lầm
Những người có thái độ sống hạnh phúc sẽ biết chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của mình từ đó có mong muốn sửa đổi chúng. Ngược lại, người không hài lòng tìm mọi lý do để biện hộ cho những sai trái của mình và luôn cố gắng che giấu chúng.
Với thái độ đó, người bất mãn luôn cho rằng mình vô can trước những sai lầm cũng như hậu quả của nó. Điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng cảm thấy bất lực trước mọi vấn đề, không có động lực sửa chữa, thậm chí, xem mình là nạn nhân.
9. Không cải thiện bản thân
Người không hạnh phúc là những người bi quan và tự cảm thấy không có khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. Họ có xu hướng ngồi lại và chờ đợi. Thay vì đặt mục tiêu, học hỏi, cải thiện bản thân, họ không làm gì, và sau đó lại tự hỏi tại sao mọi thứ không bao giờ thay đổi.
10. Đua đòi
Ghen tị không đi đôi với hạnh phúc. Vì vậy, nếu bạn vẫn đang so sánh mình với người khác, thì hãy nhanh chóng dừng thói quen đó lại. Trong một nghiên cứu, hầu hết các đối tượng tham gia nói rằng họ muốn được sống bình yên mà không cần nhiều tiền trong điều kiện ai cũng ít tiền như họ. Hãy cảnh giác với kiểu tư duy này vì nó sẽ hủy hoại niềm hạnh phúc của bạn.