Nghiên cứu chỉ ra chứng mất ngủ có liên quan mật thiết đến văn hóa và môi trường xung quanh

17/05/2016 09:40 AM | Sống

Đôi khi việc bạn mất ngủ hay thiếu ngủ lại chẳng có chút nào liên quan tới bản thân bạn mà nó là sự ảnh hưởng của văn hoá cũng như cộng đồng xung quanh.

Theo một nghiên cứu mới đây, đồng hồ sinh học của con người có thể không xác định giờ đi ngủ của chúng ta, nhưng nó có ảnh hưởng đến thời gian tỉnh dậy vào buổi sáng.

Nghiên cứu này còn nêu rõ, áp lực văn hóa và các trách nhiệm hàng ngày có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của mỗi người và quyết định khi nào ta đi ngủ.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, thời gian tỉnh giấc của mỗi người vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng hồ sinh học của họ, chứ không phải những việc họ cần làm vào buổi sáng, chẳng hạn như đi làm hoặc đi học.

Các kết quả mới nhất cho thấy “thời gian đi ngủ chịu sự kiểm soát nhiều hơn của môi trường xung quanh, và thời gian tỉnh giấc phụ thuộc vào đồng hồ sinh học”. Đó là nhận định của Olivia Walch, đồng tác giả của nghiên cứu nêu trên.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về giấc ngủ của hơn 8000 người ở 100 nước, đây là những người sử dụng một ứng dụng cho smartphone giúp các lữ khách thích ứng với múi thời gian ở nơi mình mới đến. Với ứng dụng này, người dùng sẽ nhập vào kế hoạch giấc ngủ đặc trưng của mình, cũng như thời gian bạn thường tiếp xúc với ánh sáng ban ngày.

Sử dụng thông tin này, ứng dụng sẽ gợi ý các kế hoạch tùy chọn về tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối để giúp bạn thích nghi với múi giờ mới. Nói cách khác, ứng dụng này đưa ra gợi ý bạn nên tiếp xúc với ánh sáng vào một thời điểm nào đó trong ngày, tiếp đó là một thời điểm bạn nên tiếp xúc với bóng tối.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét khoảng thời gian ngủ trung bình của người dân ở mỗi nước, họ nhận thấy những người sống ở Singapore và Nhật Bản có thời gian ngủ ít nhất, với giấc ngủ trung bình là 7 tiếng 24 phút mỗi tối, trái lại những người sống ở Hà Lan ngủ nhiều nhất, trung bình mỗi đêm họ ngủ 8 tiếng 12 phút.

Theo các nhà khoa học, mặc dù sự khác biệt về thời lượng ngủ trung bình giữa các nước này là không nhiều, nhưng mỗi nửa giờ ngủ lại thực sự có tác động lớn đến chức năng nhận thức và sức khỏe lâu dài của con người.

Họ thấy rằng những nước gần gũi nhau về văn hóa và địa lý, như Nhật Bản và Singapore chẳng hạn, thường có khuôn mẫu giấc ngủ như nhau.

Ngoài ra, họ còn xem xét thời gian ngủ khác nhau như thế nào theo độ tuổi và giới tính. Kết quả là những người ở độ tuổi trung niên ngủ ít nhất – thường là ít hơn 7 hoặc 8 tiếng một đêm.

Và khi các nhà nghiên cứu so sánh giấc ngủ của nam giới với phụ nữ, họ nhận thấy phụ nữ thường có giấc ngủ dài hơn nam giới 30 phút. Họ đi ngủ sớm hơn và thức dậy muộn hơn so với nam giới.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu thấy rằng giấc ngủ của một người sẽ dần dần giống với thói quen của người sống cùng với mình khi họ già đi. Ví dụ, sự tương đồng trong giấc ngủ của những người trên 55 tuổi tăng lên đáng kể, so với những người dưới 30 tuổi. Một giả thuyết được đưa ra cho hiện tượng này là người già thường có thời gian ngủ ngắn hơn, vì thế sự khác biệt trong giấc ngủ của họ là không nhiều.

Các kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy giấc ngủ quan trọng hơn nhiều so với những gì ta vẫn nghĩ. Thậm chí nếu một người chỉ ngủ 6 tiếng mỗi tối, nghĩa là ít hơn mức cần có (7-8 tiếng), lâu dần người đó sẽ tích lũy được một “khoản thiếu ngủ”. Và tình trạng này sẽ tác động đến cơ thể bạn, gây mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM