Đây là bí mật sau câu hỏi tuyển dụng 'Sở thích của bạn là gì?'

15/01/2016 14:00 PM | Kinh doanh

Nhà tuyển dụng muốn biết thêm về con người của bạn, vì thế quan trọng là phải cho họ thấy được những sở thích đó thể hiện điểm mạnh, niềm say mê và các kỹ năng của bạn.

Khi đang ngồi ghế nóng trong một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn phải trả lời những câu hỏi như “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” và “Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?” – vì thế một câu hỏi kiểu “Sở thích của bạn là gì?” dường như dễ thở hơn nhiều.

Nhưng trước khi bắt đầu ba hoa về những đam mê từ lâu hay gần đây mới có, hãy xem xét thật kỹ điều này: Nhà tuyển dụng muốn biết thêm về con người của bạn, vì thế quan trọng là phải cho họ thấy được những sở thích đó thể hiện điểm mạnh, niềm say mê và các kỹ năng của bạn – và chỉ nói về những điều đó trong cuộc phỏng vấn mà thôi.

Amy Hoover, chủ tịch của Talent Zoo, chia sẻ: “Nhà tuyển dụng đang cố gắng xác định xem bạn có thích hợp với công ty không, và hiểu thêm về những thứ bạn quan tâm, sở thích và tích cách của bạn đều giúp họ đánh giá quyết định của mình”.

Lynn Taylor, tác giả của cuốn sách “Thuần hóa bạo chúa chốn văn phòng: Cách đối phó với các hành vi thiếu chín chắn của cấp trên và làm sao để thành công trong công việc”, cũng đồng tình với ý kiến này: “Nhờ học hỏi thêm về những mối quan tâm ngoài công việc, họ có thể góp nhặt được những thông tin về tính cách của bạn, và thậm chí còn đưa ra được một số kết luận là bạn sẽ phát triển trong công ty ra sao.

Nói như thế tức là họ cũng đang tìm kiếm những ứng viên toàn diện, vì vậy bạn đừng nên giới hạn mình vào những mục tiêu chỉ liên quan trực tiếp đến sự nghiệp”.

Mặc dù không có câu trả lời nào là sai trong trường hợp này, nhưng có một số lựa chọn thông minh để trả lời những câu hỏi như vậy. Dưới đây là những gì nhà tuyển dụng thực sự trông chờ khi họ hỏi về sở thích của bạn:

1. Bạn là người có tinh thần đồng đội

Nếu bạn nêu ra một sở thích đặc biệt nào đó, và cố gắng trao đổi với để mình giỏi hơn trong sở thích đó – chẳng hạn tăng cường khả năng giao tiếp, các kỹ năng viết hoặc nghiên cứu – bạn sẽ được coi là có tính kiên nhẫn và là điểm cộng trong con mắt nhà tuyển dụng.

2. Bạn sở hữu các kỹ năng lãnh đạo

Nếu bạn đứng đầu một nhóm bạn chuyên tổ chức các hoạt động giải trí, dù là đọc sách hay dã ngoại cho đến các hoạt động từ thiện, điều đó cho thấy bạn có khả năng lãnh đạo trong công việc. Không phải vị trí nào cũng đòi hỏi yếu tố này nhưng những việc bạn đã làm sẽ cho thấy mong muốn tạo ra sự khác biệt.

3. Bạn chủ động cải thiện năng lực của bản thân

Giả sử bạn có thú vui là chạy bộ, và luôn cố gắng luyện tập để tăng quãng đường chạy được, ngoài ra còn bố trí thời gian để không bỏ buổi chạy nào theo kế hoạch. Điều này cho thấy bạn luôn cầu tiến và biết cách sắp xếp công việc.

4. Bạn là một ứng viên toàn diện

Các nhà tuyển dụng muốn biết bạn có mối quan tâm khác trong cuộc sống chứ không chỉ tập trung vào công việc 24/7.

Nếu bạn có nhiều thú vui, điều này cho thấy bạn có phạm vi kinh nghiệm rộng hơn và tiếp xúc với nhiều người trong xã hội. Tuy nhiên phải thật cẩn thận vì nếu kể ra quá nhiều sở thích, bạn sẽ tỏ ra là người thiếu quyết đoán và không dành thời gian tương xứng cho mỗi sở thích của mình.

5. Bạn có khả năng đặt ra và kiên trì theo đuổi mục tiêu

Nhà tuyển dụng muốn có những ứng viên luôn đặt ra mục tiêu trong những mối quan tâm của họ. Chẳng hạn họ muốn thấy bạn thích thú khi hoàn thành một dự án và có mong muốn đạt được những điểm mốc đã đặt ra khi tận hưởng những thú vui của mình.

Đặt ra mục tiêu là điều cần thiết ở bất kỳ công việc nào, và nhà tuyển dụng muốn thấy bạn có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra.

6. Bạn rất nhiệt tình

Nếu bạn hào hứng với những sở thích của mình, điều đó thể hiện một khía cạnh mà các nhà tuyển dụng thường đánh giá rất cao. Đó chính là sự nhiệt tình. Bạn đang cho thấy mình có thể thực sự thích thú với những gì mình làm và quan tâm thực sự đến việc đó, dù trong hay ngoài công sở.

7. Nhưng không quá cuồng nhiệt

Nếu bạn nói mình say mê với một sở thích nào đó đến mức dường như khiến người ta nghĩ rằng bạn muốn nó trở thành công việc chính của mình, điều đó có thể không có lợi chút nào.

Chẳng hạn, nếu bạn đang phỏng vấn cho vị trí nhân viên kinh doanh ở một công ty phần mềm, sẽ không có vấn đề gì nếu bạn nói mình quan tâm đến thời trang. Nhưng nếu bạn cứ liên tục nói về việc mình chạy theo các xu hướng thời trang ra sao và tỏ ra rất hào hứng với các hoạt động liên quan đến thời trang vào cuối tuần thì điều này lại có tác dụng ngược. Nó có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn sẽ hạnh phúc hơn khi được làm việc trong ngành thời trang chứ không phải phần mềm.

8. Bạn sẽ không bị phân tâm trong công việc

Bạn có thể có một vài công việc kinh doanh kiếm thêm, nhưng phải cân nhắc thật kỹ khi quyết định tiết lộ điều này với nhà tuyển dụng. Thậm chí ngay cả khi bạn khẳng định rằng những việc này không ảnh hưởng đến vị trí mà bạn sẽ nắm giữ, thì nó cũng gây ấn tượng là bạn chỉ đang cố gắng kiếm tiền để sống hoặc tích lũy kinh nghiệm làm việc cho đến khi đủ khả năng đứng ra tự kinh doanh.

9. Bạn không có thú vui gì ngoài công việc

Đây là một câu trả lời cực kỳ tồi tệ: “Tôi không có mối quan tâm cụ thể nào cả. Tôi quá bận rồi”. Điều này cho thấy bạn là một người tham công tiếc việc, không có thời gian để xả hơi và làm những gì bạn thích và như vậy hiển nhiên là không hay.

Câu trả lời tốt nhất là nêu ra những thú vui nói lên được điểm mạnh và khả năng của bạn, ngoài ra cần cố gắng không nhấn mạnh vào những thú vui tiêu cực như nấu bia, tham gia câu lạc bộ xì gà, v.v. Và quan trọng nhất: không nên nói rằng thú vui của bạn là Facebook và mạng xã hội. Bởi đó không phải là sở thích mà là những thứ làm bạn phân tâm, đặc biệt là trong công việc.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM