Xuất khẩu chưa thể song hành cùng logistics
Để tiết kiệm chi phí và thuận lợi hơn trong hoạt động XNK, nhiều DN sản xuất, XNK trong nước đã có xu hướng kết hợp, sáp nhập với DN logistics hoặc tự thành lập lĩnh vực kinh doanh logistics.
Xu hướng của DN lớn
Từ năm 2013, Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè đã thành lập Công ty NBC logistics để tự vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục XNK cho sản phẩm của Công ty.
Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè cho biết, Công ty NBC logistics đã mang lại hiệu quả lớn, giúp mục tiêu phát triển toàn diện của Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè đến gần hơn.
Thậm chí, khi NBC logistics mở văn phòng đại diện ở Thượng Hải (Trung Quốc), nhiều DN dệt may khác đã tìm đến để thuê làm dịch vụ XNK.
Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tự làm dịch vụ logistics cho khoảng 70% hàng hóa đã giúp Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè tiết kiệm hơn. Nếu chi phí cho việc XNK trước đây Công ty mất khoảng 6 tỷ đồng thì nay chỉ mất dưới 4 tỷ đồng mỗi năm.
Theo bà Oanh, nhiều hãng tàu làm dịch vụ thu phụ phí cao, theo cách của họ thì một lô hàng có thể mất đến 100 USD, nhưng DN tự làm chỉ mất khoảng 15 USD. Giá tự làm rẻ hơn rất nhiều, nên muốn tiết kiệm và thuận lợi hơn cho hoạt động XK, DN phải tự cứu mình.
Cũng tương tự, Công ty Cổ phần XNK Quảng Bình là DN chuyên XNK phân bón và hóa chất tại Hải Phòng. Với gần 10 năm phát triển, Công ty không những đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mà còn đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi ngoại quan, điểm tập kết hàng hóa, dịch vụ logistics với diện tích rộng và cơ sở vật chất hiện đại tại nhiều cảng biển và cửa khẩu lớn.
Dự kiến, đến cuối năm 2016, Công ty XNK Quảng Bình sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn I dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với diện tích hơn 26 ha, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng. Đây là dự án cảng cạn đầu tiên trên địa bàn Hải Phòng và sẽ là một trong những cảng cạn lớn nhất khu vực phía Bắc, vừa có kết nối với đường bộ, vừa có kết nối với cảng biển.
Theo Công ty Cổ phần XNK Quảng Bình, những dự án logistics này giúp DN phát triển hơn nữa hoạt động cung ứng dịch vụ kho bãi ngoại quan, dịch vụ XNK, nâng cao tỷ trọng lĩnh vực logistics trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Đồng thời, các dự án còn giúp Công ty hoàn thiện hoạt động theo chuỗi khép kín, từ sản xuất đến cung ứng dịch vụ, qua đó tăng cường sức mạnh nội tại.
Cùng với cách làm trên, trong một vài năm trở lại đây, thị trường đã xuất hiện nhiều thương vụ mua bán giữa các DN logistics và DN XNK. Tiêu biểu như thương vụ giữa công ty con của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với Công ty Cổ phần Gemadept hay thương vụ Công ty Cổ phần Trasimex Saigon mua 35,02% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV XNK và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex)... Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy, đây hầu hết là các DN lớn, có tiềm lực để thực hiện những dự án cần nguồn vốn lớn.
Cái khó của DN nhỏ
Trên thực tế, bối cảnh của việc phát triển logistics ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong khi, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2016, các ngành XK Việt Nam được dự báo là có khả năng tăng trưởng kim ngạch rất lớn nên ngành logistics phải được nâng cấp tương thích để hỗ trợ cho hoạt động này phát triển xứng với tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Tương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội DN logistics (VLA) tại Hà Nội, việc liên kết giữa DN sản xuất, XNK với logistics chưa chặt chẽ do phần lớn DN đều nhỏ lẻ, làm ăn theo thời vụ nên chỉ có thể đáp ứng được việc thuê lại từng phần trong thời gian ngắn, chỉ DN lớn mới có điều kiện để thường xuyên hợp tác lâu dài, tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) cho rằng, việc kết nối giữa các DN XNK và DN logistics là cơ hội tốt để tiết kiệm các chi phí giao nhận, vận tải. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực logistics khá lớn, nhất là để đầu tư xây dựng một công ty có dịch vụ hoàn chỉnh, khép kín, những DN vừa và nhỏ ở Việt Nam khó có thể đáp ứng.
Chính vì những khó khăn nêu trên, đại diện của VLA đã cho rằng, để tận dụng cơ hội, các DN cần tìm phương án liên kết chặt chẽ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô, chất lượng dịch vụ... Hơn nữa, tại nhiều cuộc họp, nhiều DN trong lĩnh vực này đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm sự liên kết, tạo lập thành chuỗi sản xuất, dịch vụ XNK hoặc tìm phương án tự phát triển dịch vụ logistics của DN.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, những giải pháp trên đã được nhắc đến nhiều nhưng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Bởi với các DN, họ đều biết hướng phát triển nhưng vấn đề là nguồn lực ở đâu để họ thực hiện. Từ đó cho thấy, muốn thành công, các DN phải có tầm nhìn chiến lược, phải chủ động liên kết tạo thành chuỗi, nhưng cũng rất cần đến sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.
Bởi một lãnh đạo DN logistics khá lớn tại Việt Nam đã từng nói: Logistics không phải là lĩnh vực kinh doanh thấy được ngay lợi nhuận mà cần sự đầu tư, nỗ lực hoạt động trong thời gian dài mới thấy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu sâu về ngành logistics.