Xuất hàng trăm tấn trái cây sấy sang Nga mỗi tháng, Nafoods nói gì về tác động của căng thẳng Nga - Ukraine đến hoạt động kinh doanh?

04/03/2022 10:42 AM | Kinh doanh

Bất chấp bất ổn chính trị tại một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực là Nga, phía Nafoods Groups khẳng định doanh thu của tập đoàn tại khu vực này ảnh hưởng không đáng kể.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đem đến nhiều xáo trộn về chính trị và tất nhiên cũng đặt ra những bài toán đau đầu cho các doanh nghiệp Việt đang hoạt động tại đây.

Nafoods là một trong số những doanh nghiệp Việt có chỗ đứng tại thị trường Nga với mặt hàng trái cây sấy và tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này vài năm trở lại đây.

Chia sẻ với báo chí vào năm 2019, trước khi Covid diễn ra, mỗi tháng, công ty này tiêu thụ tại thị trường Nga từ 10-15 container hàng hóa, tương đương khoảng 200-250 tấn.

Theo đại diện của Nafoods, sản phẩm của công ty đang phát triển ở tất cả các địa phương của Nga và Xô viết cũ, có nghĩa là những nước thuộc Liên Xô trước kia và châu Âu. Các sản phẩm có chất lượng tốt được người tiêu dùng đón nhận nên Nafoods đang nỗ lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Trước diễn biến phức tạp trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 3/3, tập đoàn Nafoods khẳng định hoạt động xuất khẩu của họ tại thị trường Nga nói chung không bị ảnh hưởng nhiều, hoặc tối đa chỉ giảm 10% doanh số.

"Tại bất kỳ thị trường xuất khẩu trọng điểm nào, chúng tôi luôn dự trữ 3-6 tháng tồn kho bán hàng. Do đó, hiện tại Nga đã có đủ lượng hàng tồn kho để bán đến hết tháng 5/2022. Ngoài ra nhu cầu của người Nga đối với sản phẩm trái cây sấy nhiệt đới vẫn rất ổn định", thông cáo nêu.

Liên quan đến câu chuyện Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, phía Nafoods cho biết thực tế hoạt động thanh toán của tập đoàn không bị tác động nhiều.

Thứ nhất, khoảng 30% khách hàng Nga có trụ sở tại Hàn Quốc, Singapore, Châu Âu. Do đó khách hàng có thể chuyển các khoản thanh toán cho Nafoods từ công ty mẹ.

Thứ hai, với 70% còn lại, trong vòng 4 tuần tới, cơ chế thanh toán mới sẽ được xác lập từ:

1. Các ngân hàng không bị cấm vận.

2. Hệ thống thanh toán thay thế chính phủ Nga đang áp dụng.

3. Kênh thanh toán linh hoạt Nafoods đã xác lập trong 2 năm qua thông qua cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp; từ các khách hàng Hàn Quốc, Singapore, Châu Âu đang giao dịch với Nafoods và/ hoặc các công ty con/ công ty liên kết trong hệ thống Nafoods.

"Ngoài ra, ban lãnh đạo Nafoods đang tìm hiểu cơ chế thanh toán đặc biệt giữa Nga và một số ngân hàng Việt Nam để giảm thiểu chi phí giao dịch chuyển tiền", thông cáo nêu rõ.

Xuất hàng trăm tấn trái cây sấy sang Nga mỗi tháng, Nafoods nói gì về tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine đến hoạt động kinh doanh? - Ảnh 1.

Được biết, các sản phẩm nông nghiệp của Nafoods đã có mặt tại 70 thị trường trên toàn thế giới, trong đó Nga là một trong những thị trường trọng điểm, chiếm tỉ lệ 15% tổng doanh thu, lợi nhuận năm 2021. Với thương hiệu "KingNafoods" xây dựng riêng cho thị trường Nga, Nafoods đã đưa các sản phẩm như xoài sấy dẻo, dứa sấy dẻo, chanh leo sấy dẻo...đến bàn ăn của nhiều gia đình xứ sở bạch dương.

Năm nay, Nafoods đặt mục tiêu tăng trưởng chung toàn tập đoàn đạt 25%, trong đó nhóm khách hàng nói tiếng Nga chiếm 15%. Tuy nhiên, tuỳ tình hình thực tế Nafoods sẽ cân nhắc phân bổ sản lượng sang các thị trường khác, ví dụ như ưu tiên mở rộng thị trường mặt hàng sấy dẻo sang Ý và Hà Lan.

"Hiện tại, theo đánh giá chung từ Nafoods thì năng lực cung ứng của Nafoods chưa đáp ứng hết 100% nhu cầu khách hàng. Do đó trong giai đoạn tới Nafoods sẽ ưu tiên phân bổ đơn hàng theo tỷ trọng đóng góp doanh thu, lợi nhuận".

Về dài hạn, Nafoods hướng tới đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Khi đó, tỉ trọng mỗi thị trường dự kiến chiếm tối đa 10% doanh thu tập đoàn.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM