Xu hướng công sở mới: Đồ ăn vặt miễn phí ở công sở tiết lộ gì về công việc của bạn

31/10/2019 08:09 AM | Sống

Mặc dù bạn có thể không yêu nhà tuyển dụng của bạn lắm, các lãnh đạo vẫn biết rằng nhân viên chúng ta có thể gắn bó sâu đậm với công ty hơn qua các món ăn vặt miễn phí.

Các công ty thường lấy đồ ăn vặt miễn phí như một công cụ để thu hút các ứng viên tiềm năng, khiến nhân viên và khách hàng có thiện cảm với đơn vị đó. Đồ ăn vặt miễn phí ở công sở trở nên nổi tiếng kể từ khi xuất hiện tại các công ty công nghệ như Google, nơi mà bộ phận nhận sự viết hẳn một chương trình về đồ ăn để thúc đẩy sự tương tác giữa các nhân viên ngoài bàn làm việc.

Mặc dù bạn có thể không yêu nhà tuyển dụng của bạn lắm, các lãnh đạo vẫn biết rằng nhân viên chúng ta có thể gắn bó sâu đậm với công ty hơn qua các món ăn vặt miễn phí vì nhìn chung con đường ngắn nhất đến với trái tim là qua dạ dày. Trong một tin tuyển dụng tôi mới đọc gần đây, công ty nọ đã liệt kê đồ ăn vặt và đồ uống miễn phí là một trong những lý do vì sao "bạn sẽ thích chúng tôi".

Chúng ta thường tìm đến đồ ăn vặt khi gặp căng thẳng. Khảo sát 2.782 nhân viên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng "trong giai đoạn công ty cắt giảm nhân sự, các món ăn vặt có lượng chất béo và calo hết nhanh nhất ở quầy đồ ăn của công ty."

Tuy nhiên mối quan hệ giữa đồ ăn vặt với hiệu suất làm việc vẫn chưa ngã ngũ. Một nghiên cứu vào năm 2011 không tìm ra mối tương quan giữa các món ăn vặt như bimbim khoai tây và đồ ngọt với sức khỏe tâm thần và hiệu suất làm việc. Trong khi đó, một bài viết về hiệu suất đăng tải trên Harvard Business Review chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa việc bạn thường xuyên giữ ổn định lượng đường huyết với việc bạn là một nhân viên làm việc hiệu quả. (Khi chúng ta đói và đường huyết tụt, chúng ta có ít ý chí để tập trung hơn. Thế nhưng lại tồn tại một nghiên cứu khác cho rằng phần lớn mọi người không cần ăn vặt thường xuyên để duy trì đường huyết ổn định.)

Theo Susan Albert, bác sĩ tâm lý kiêm tác giả của 6 cuốn sách về ăn uống khoa học, đồ ăn vặt có thể đem lại nhiều cảm xúc khá mâu thuẫn nhau, "Đôi lúc chúng ta lấy đồ ăn vặt làm cái cớ để trì hoãn, chúng ta thấy chán và cần tiếp năng lượng nhưng cũng có khi khi đồ ăn vặt là công cụ giao lưu hiệu quả."

Một khi nhân viên đã bị phụ thuộc vào việc tiếp cận đồ ăn vặt dễ dàng, tâm lý làm việc của công ty có thể xuống dốc khi văn hóa này không còn nữa. Albert chia sẻ: "Khi những món ăn vặt chúng ta coi như liều thuốc vực dậy tinh thần và sự tập trung không còn nữa, tâm trạng chúng ta sẽ đi xuống. Bạn phải tìm kiếm cảm hứng của mình theo những cách khác."

Ngay cả một sự thay đổi nhỏ đối với hình thức "phúc lợi" này cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng chung của đội ngũ nhân viên. Khi các văn phòng Uber chuyển từ café Stumptown sang Starbuck, các nhân viên coi đấy như dấu hiệu bắt đầu thời kỳ đen tối, kéo theo hàng loạt vụ sa thải và chấm dứt hợp đồng.

Thế nhưng liệu đây có phải một nhân tố đáng tin cậy trong việc đánh giá văn hóa của một công ty? Các nhân viên và chuyên gia đã nảy ra ý tưởng đồ ăn vặt miễn phí bật mí điều gì đó về cách các nhân viên được đãi ngộ.

Xu hướng công sở mới: Đồ ăn vặt miễn phí ở công sở tiết lộ gì về công việc của bạn - Ảnh 1.

Khi đồ ăn vặt cũng biểu hiện sự chu đáo

Catherine Chapman, nhân viên chăm sóc khách hàng, chia sẻ về câu chuyện món quà sinh nhật tại nơi làm việc đã hé lộ cách cô ấy được coi trọng với vai trò nhân viên như thế nào. Chapman bị tiểu đường loại 1. Sếp cũ, người biết rõ về sức khỏe của cô, đã tặng cô một chiếc bánh kem nhỏ nhân ngày sinh nhật và việc này khiến cô "ngại ngùng từ chối miếng bánh được đưa đến tận bàn làm việc, không thì tôi sẽ phải đánh đổi chỗ đường bột đó lấy một liều insulin."

Chuyển sang một cơ quan mới, đến ngày sinh nhật của Chapman, cô được quản lý của mình tặng những món đồ ăn vặt mà cô ấy, một bệnh nhân tiểu đường, có thể ăn được. "Hành động chu đáo đó gây ấn tượng mạnh với tôi. Cách anh ấy thể hiện sự quan tâm cho thấy tinh thần sẵn sàng thích nghi vì nhân viên của mình."

Theo Albert, "Ở nơi làm việc, chúng ta hiếm khi được ai đó đặt tay lên vai khích lệ mặc dù bản thân rất muốn và những gì chúng ta thể hiện xứng đáng với điều đó, thế nên những điều nhỏ nhặt như đồ ăn vặt cũng nói lên nhiều điều đối với nhiều người."

Một chuyên viên marketing giấu tên đã chia sẻ về việc phân phối đồ ăn vặt ở nơi làm việc thể hiện sự đối xử khác biệt với nam và nữ trong công ty của cô này. Cô ấy kể rằng các lãnh đạo nam có văn phòng riêng "được chuẩn bị rất nhiều loại hạt, kẹo và viên ngậm" trong khi phụ nữ cũng có văn phòng riêng nhưng cấp bậc không cao bằng không được chuẩn bị đồ ăn vặt.

Đồ ăn vặt rất hấp dẫn nhưng đây không phải yếu tố đáng tin cậy để đánh giá văn hóa của một công ty

Trong một cuốn sách khoa học về các cuộc họp, nhà tâm lý học Steven G. Rogelberg gọi đồ ăn vặt miễn phí là công cụ để giữ tập trung và tiếp năng lượng cho các cuộc họp. Theo tác giả, "Mọi người không chỉ thích được ăn miễn phí, đồ ăn vặt còn tạo ra bầu không khí lạc quan và khiến mọi người thân thiết."

Thế nhưng đồ ăn vặt không thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng khác ở công sở và sự xuất hiện của chúng có thể tiết lộ nhiều sự thật không mấy hay ho về văn hóa của một tổ chức. Một người tự doanh ("independent contractor"- đối tượng này không được nhà tuyển dụng đóng các khoản an sinh và cũng không bị ràng buộc bởi các luật lệ lao động chỉ áp dụng cho nhân viên - "employee") làm việc cho một hãng công nghệ lớn suốt hai năm chia sẻ đồ ăn vặt miễn phí của công ty giúp cô làm việc chăm chỉ hơn vào cuối tuần, ca đêm và các dịp nghỉ lễ. 

Cô kể rằng những khi làm việc tăng ca thì trong khu vực xung quanh công ty không có quán xá nào mở cả. "Hàng nghìn nhân viên vượt qua những giờ làm việc ngoài giờ đó nhờ bỏng ngô và hạt điều. Nhưng những món đó chỉ có mặt ở quầy đồ ăn vào các ngày nhân viên công ty (employee) làm việc."

Xu hướng công sở mới: Đồ ăn vặt miễn phí ở công sở tiết lộ gì về công việc của bạn - Ảnh 2.

Với lý do này, đồ ăn vặt có thể sử dụng để quảng bá văn hóa của một công ty nhưng đó không phải yếu tố đáng tin cậy để đánh giá liệu đó có là một công ty tốt. Theo Monique Valcour, người làm quản lý, đồ ăn vặt công sở thể hiện những dấu hiệu khác nhau tùy vào mục đích sử dụng: "Bạn có thể hiểu theo chiều hướng một rổ khoai chiên bạn có thể lấy bất cứ lúc nào rồi nhanh chóng quay về bàn làm việc sẽ giúp bạn tan sở rất trễ mà không đói. Hay là nhân viên tụ họp vào mỗi chiều thứ 6, trò chuyện, tổng kết một tuần trong khi nhâm nhi các món ăn vặt. Đó là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau."

Cô nàng làm tự doanh cho công ty công nghệ kể trên cho rằng đồ ăn vặt chứa đựng những thông điệp mâu thuẫn nhau. Mặc dù cô ấy tự nhủ là "Ít ra thì họ cũng cho mình ăn", cô ấy vẫn rất ghét công việc đó, "Bạn càng ít được trọng dụng, bạn càng biết ơn những phúc lợi nhỏ nhoi họ dành cho bạn. Họ lấy đồ ăn vặt để lấy lòng bạn để bạn không vùng lên và bất mãn với công việc, nhưng không thoải mái đến mức bạn không bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ việc."

Có một cách hợp lý để dùng đồ ăn vặt đánh giá công việc của bạn

Để có cái nhìn đúng đắn về văn hóa ăn vặt ở công ty, bạn hãy tưởng tượng tâm trạng của mình khi công ty không cung cấp đồ ăn vặt miễn phí cho nhân viên nữa.

Nếu không còn đồ ăn vặt thì công ty còn lại gì? Nếu chỉ còn một công ty lộn xộn gây cho bạn nhiều ức chế thì việc bạn chán nản rất dễ hiểu. Nhưng nếu bạn nghĩ, "Chúng ta có những lãnh đạo rất quan tâm đến nhân viên, chúng ta có chung một tầm nhìn", thì việc cắt chế độ ăn vặt không làm thay đổi suy nghĩ của bạn về nhà tuyển dụng nhiều lắm.

Cô gái làm tự doanh cho công ty công nghệ kết luận rằng: "Khi công ty ngừng cung cấp café cho nhân viên vào cuối tuần, tôi gần như nổi loạn. Vài tuần sau thì tôi nộp đơn nghỉ việc. Chuyện nghe thì nhảm nhí nhưng tôi đã thực sự nhớ món café ủ lạnh miễn phí đó."

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM