Uber và câu hỏi 50 tỷ đô cần lời giải đáp
Liệu Uber có thể áp dụng cùng một công thức như đã làm với ứng dụng gọi xe taxi và đạt được thành công trong mảng kinh doanh vận tải hay không?
Nội dung nổi bật:
- Với những lợi thế sẵn có, từ khoảng 1 năm nay Uber đang nỗ lực dấn thân vào mảng kinh doanh vận tải.
- Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy đây rõ ràng không phải là lĩnh vực dễ "xơi" dành cho Uber.
Uber trở thành một trong những công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới với dịch vụ gọi xe taxi hoạt động trên 300 thành phố. Tuy nhiên, để sử dụng cùng một công thức thành công như vậy với mảng kinh doanh vận chuyển là điều không hề dễ dàng.
Có lẽ ít người biết, suốt hơn 1 năm qua, công ty có trụ sở tại San Francisco đã nỗ lực xây dựng cái mà CEO của họ gọi là “hệ thống hậu cần trong thành phố” - cho phép các lái xe vận chuyển đồ ăn, rau củ quả và các gói hàng trên đường.
Nhìn sơ bộ, rõ ràng Uber có tiềm năng vô cùng lớn với mảng kinh doanh này. Họ có hơn 200.000 lái xe đang hoạt động, tức là gần gấp đôi lực lượng lao động trong bộ phận chuyển phát của tập đoàn UPS (Một trong những công ty chuyển phát lớn nhất thế giới).
Tuy nhiên, mặc dù dịch vụ vận chuyển của Uber ra mắt vào hơn 1 năm trước với kế hoạch sẽ hợp tác cùng khoảng 12 nhà bán lẻ nhưng con số thực tế đến thời điểm này chỉ là 6 hãng. Thậm chí, một trong số đó là công ty thương mại điện tử Gilt Group nói rằng, quá trình đàm phán giữa họ và Uber không đạt được kết quả như mọng đợi.
Gần đây, Uber cũng để tuột mối làm ăn “hời” trong mảng vận tải với 2 ông lớn gồm Apple và Starbucks. Trước đó, Starbuck và Uber đã trải qua nhiều phiên thảo luận chặt chẽ nhưng cuối cùng họ lại ký kết thoả thuận hợp tác với công ty khởi nghiệp Postmates.
Ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến là Eat24 thuộc sở hữu của Yelp và GrubHub cũng từng đám phán với phía Uber nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Còn nhớ, mùa thu năm ngoái Uber đã cho ra mắt dịch vụ giao thức ăn gọi là UberEats để vận chuyển đồ ăn trưa và tối nhanh chóng từ các nhà hàng nổi tiếng đến khách hàng tại New York, Chicago, Los Angeles, Toronto và Barcelona. Tuy vậy, một số nguồn tin cho biết dịch vụ này đã không sinh lợi như mong đợi và đôi lúc ít khách đến nỗi cuối ngày người lái xe phải đổ đồ ăn đi.
Phía Uber thì khẳng định rằng họ vẫn nhận vận chuyển các đơn hàng và mảng kinh doanh này vẫn đang trong “giai đoạn thử nghiệm”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trải nghiệm và kiểm tra sản phẩm mới để mang lại lợi ích cho khách hàng tại những thành phố mà chúng tôi hoạt động”, Jason Droege – người chịu trách nhiệm dự án vận chuyển UberEverything nói.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Uber cho biết, đáp lại UberEats là “rất nhiều tín hiệu tích cực. Dịch vụ này có thể được mở rộng đến 15 thành phố trong những tháng tới”.
Không chỉ Uber, nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong thị trường vận chuyển theo yêu cầu đều nhận thấy thực tế rằng kỷ nguyên điện thoại thông minh đang sản sinh ra một loại khách hàng mới – những người thích rất nhiều sản phẩm được vận chuyển một cách nhanh chóng chỉ như gọi một chiếc xe ô tô.
Bản thân các nhà đầu tư vào Uber thì rất lạc quan về tiềm năng của mảng kinh doanh này và họ định giá công ty ở mức 41 tỷ USD trong vòng huy động vốn gần nhất. Hiện tại, Uber đang trong quá trình thực hiện vòng huy động vốn tiếp theo với hy vọng đạt mức giá trị quanh mức 50 tỷ USD thậm chí hơn – tức là tương đương với giá trị thị trường chứng khoán của FedEx.
“Không ai sở hữu mạng lưới vận chuyển thời gian thực lớn như Uber”, Jason Calacanis – một trong số những doanh nhân đầu tiên đầu tư vào Uber nói. “Nếu họ có thể thực thi một mảng kinh doanh khác trên nền tảng cấu trúc này, họ có thể khiến doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn”.
Uber đạt doanh thu gần 400 triệu USD vào năm ngoái và đang lên kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, họ không công khai về tham vọng cụ thể với mảng kinh doanh vận tải.
Có một điều rõ ràng đó là, sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận chuyển đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Các công ty xuất hiện trên thị trường rất đa dạng, từ những ngôi sao mới nổi như Instacart và Deliv đến những gã khổng lồ như Amazon.com, eBay, Google. Thậm chí theo một nguồn tin thân cận, Lyft – đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong thị trường xe chia sẻ tại Mỹ của Uber cũng đang triển khai dịch vụ vận chuyển nhanh của riêng họ.
Không thể phủ nhận những nền tảng lợi thế ít người có của Uber khi dấn thân vào thị trường vận tải. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải mảng kinh doanh dễ “xơi”. Bản thân Jeff Holden - Giám đốc sản phẩm của Uber, người từng là một trong những lãnh đạo đời đầu tại chuỗi cung ứng của Amazon nói rằng: “Mảng kinh doanh vận tải của Uber vẫn còn rất non trẻ. CEO Kalanick không vội vàng ca tụng những thứ chưa xảy ra. Anh ấy chỉ muốn nói về những việc đang thực sự được tiến hành”.
Trong lễ kỷ niệm sinh nhật 5 tuổi của Uber vào tháng này, CEO Kalanick chia sẻ: “Trong thế giới công nghệ vốn có thể đáp ứng chuyến xe mà bạn cần trong vòng chỉ 5 phút, hãy thử tưởng tượng xem tất cả hàng hoá và dịch vụ khác mà bạn muốn cũng sẽ được vận chuyển một cách nhanh chóng, an toàn chỉ bằng một cú chạm tay vào màn hình”.