Giải mã 4 bí mật thiết kế của Apple
Apple đồng nghĩa với đẳng cấp thiết kế, nhưng rất ít người biết rõ về các quy trình thiết kế của Apple. Hầu hết nhân viên của Apple không được phép bước vào studio thiết kế của hãng. Vì thế, công việc thiết kế sản phẩm tại Apple luôn là một bí ẩn.
Không khó hiểu khi có nhiều huyền thoại lưu truyền về quá trình thiết kế của Apple, những suy đoán và tưởng tượng một nhà thiết kế ở Apple thực sự phải làm việc như thế nào.
Apple có những nhà thiết kế tốt nhất
Mark Kawano
“Tôi nghĩ sai lầm lớn nhất trong quan niệm này chính là các sản phẩm Apple luôn được thiết kế tốt hơn, có trải nghiệm người dùng mượt hơn, hay sản phẩm sexy hơn…, bởi vì họ có đội ngũ thiết kế tốt nhất trên thế giới, hoặc là có quy trình thiết kế tốt nhất”, Mark Kawano, người từng là nhà thiết kế cấp cao của Apple trong 7 năm liền, nói. "Nhưng là một nhà thiết kế thường xuyên gặp gỡ các chuyên gia thiết kế đến từ 500 công ty hàng đầu trong danh sách của Fortune, anh hiểu sự thật là gì?"
“Thực chất, đó là nền văn hóa doanh nghiệp, cách doanh nghiệp tổ chức và đánh giá, hỗ trợ công việc thiết kế như thế nào. Mọi người ở đó đều nghĩ cho giao diện người dùng và thiết kế, chứ không chỉ là các nhà thiết kế. Và vì thế, họ làm mọi thứ để sản phẩm tốt hơn” - Mark Kawano trả lời!
Để có một tác phẩm thiết kế tốt, người CEO phải quan tâm đến việc thiết kế nhiều như chính các nhà thiết kế. Đó không phải là nhiệm vụ của một người, mà là của tất cả mọi người.
“Khi làm việc tại Apple, không phải cái bạn nhận được là một vài quyền lực đặc biệt, mà là giờ đây bạn đã có một tổ chức để bạn có thể dành toàn bộ thời gian thiết kế sản phẩm, thay vì phải đấu tranh giữ chiếc ghế của bạn, hay tức giận vì một bản thiết kế tốt hơn bị bỏ qua bởi một quản lý cấp cao. Ở các công ty khác, các nhà thiết kế thường phải đối phó với những vấn đề này”.
Kawano nhấn mạnh rằng tất cả mọi người tại Apple – từ các kỹ sư đến marketing - ở một góc độ nào đó, đều suy nghĩ như một nhà thiết kế. “Bởi vì, tất cả các nhà thiết kế đều chịu trách nhiệm thiết kế sản phẩm, nhưng để có một sản phẩm được thiết kế tốt theo như Steve mong muốn, thì đó không chỉ là thiết kế sản phẩm, mà là thiết kế một mô hình kinh doanh phù hợp, một chương trình marketing đúng đắn, một hệ thống phân phối hiệu quả. Tất cả đều quan trọng”.
Apple có vô số nhà thiết kế
Jony Ive
Facebook có hàng trăm nhà thiết kế. Google có thể có 1.000 nhà thiết kế hoặc hơn. Nhưng khi Kawano ở Apple, các sản phẩm phần mềm cốt lõi của Apple chỉ được thiết kế bởi một nhóm tương đối nhỏ, là khoảng 100 người.
“Với Apple, việc chỉ có một nhóm nhỏ các nhà thiết kế hiệu quả hơn nhiều khi Steve Jobs ở đó, vì nhiều ý kiến xuất phát từ Steve” - Kawano nói. “Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình này có thể thay đổi, khi Apple dịch chuyển dần thành một công ty có nhiều cấp quản lý, có thể họ đã phát triển nhóm thiết kế theo nhiều cách”.
Đáng chú ý, Jony Ive, nhà thiết kế nổi tiếng của Apple, cho biết khi nói về thiết kế, các nhà marketing cũng phải thấm nhuần các xu hướng với chính các kỹ sư và nhà thiết kế. Mức độ hợp tác giữa các bộ phận của Apple lại là một bí mật khác chưa từng lộ ra trong ngành công nghiệp.
Apple chú ý tới từng chi tiết nhỏ
Các sản phẩm của Apple thường được định nghĩa đến từng chi tiết nhỏ, đặc biệt là về các tương tác với người dùng. Chẳng hạn, khi bạn gõ sai mật khẩu, hộp mật khẩu sẽ phản ứng. Những kiểu chi tiết này được Apple rất chú ý. Chúng là những khoảnh khắc mang lại nhiều ý nghĩa cho người dùng.
Nhiều công ty cố gắng bắt chước ý tưởng này của Apple. Họ học theo đến từng bước X, Y và Z. Và họ không thể chuyển sang bước thiết kế tiếp theo cho đến khi đã có một mô hình hoàn hảo. Nhưng thực tế, hầu như không thể đạt đến độ sáng tạo thực sự khi bạn luôn phải làm việc theo deadline và lịch trình.
Kawano cho biết các nhà thiết kế Apple (và cả các kỹ sư) thường có những ý tưởng tương tác thông minh – như là các giao diện khối 3D – trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó, và sau đó họ có thể trăn trở về những ý tưởng này trong nhiều năm liền trước khi thành hiện thực.
Nhưng, thông thường mọi thứ diễn ra không theo khuôn phép nào cả. Vấn đề nằm ở chỗ Apple không tạo ra bất cứ khuôn khổ nào, mà đó là việc một nhóm nhỏ các nhà thiết kế cùng biết mọi người đang làm gì, nền văn hóa chia sẻ phải thực sự thoải mái.
Tất cả mọi người đều sợ Steve Jobs
Có một lời khuyên được nhiều người chia sẻ tại Apple đó là các nhà thiết kế nên luôn nắm lấy tay vịn cầu thang, bởi vì nếu gặp Steve Jobs ở cầu thang, Steve sẽ hỏi nhà thiết kế đang làm gì. Và một trong hai điều sẽ xảy ra. Một là Steve Jobs sẽ ghét điều mà nhà thiết kế đang làm và có thể sa thải anh ta. Hai là, Steve sẽ thích điều đó, ông sẽ chú ý đến điều đó và nhà thiết kế sẽ không còn được ngủ yên giấc đêm nào, không được nghỉ cuối tuần, không kỳ nghỉ nào cho đến khi dự án thành công.
Thực tế là, những người đã đến với Apple là những người có tinh thần học hỏi, khát khao học hỏi từ Steve, và thực sự yêu thích sản phẩm, khách hàng của Apple. Họ sẵn sàng từ bỏ các ngày cuối tuần và những kỳ nghỉ. Nhiều người phàn nàn như thế là không công bằng, vì họ không nhìn thấy giá trị của việc từ bỏ tất cả nhằm tập trung tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, sau đó hy sinh mọi thứ cá nhân.
Đó chính là điều khiến Steve Jobs trở thành “hung thần” trong mắt nhiều người. Nhưng Steve muốn cái tốt nhất, và kỳ vọng mọi người cũng muốn điều tương tự. Chỉ có điều, ông gặp khó khăn trong việc thấu hiểu những người không muốn điều tương tự, và tự hỏi tại sao họ lai làm việc cho ông. Steve được cho là không chịu được những người không quan tâm đến sản phẩm. Ông không hiểu tại sao mọi người lại không muốn hy sinh mọi thứ vì công ty và cũng vì chính họ.
Có điều, Steve là người yêu cầu cao, nhưng ông cũng muốn sự dân chủ, và được đối xử như tất cả mọi người.