Công nghệ, bảo mật - Những vấn đề 'nóng' của ngành ngân hàng trong thời đại số
Tại Việt Nam, phát triển một nền tảng CNTT hiện đại là điều kiện tất yếu để các ngân hàng cung ứng những dịch vụ và sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khách hàng.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các mảng hoạt động đều gắn liền với việc tiếp nhận và xử lý thông tin, do vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với ngành ngân hàng để phát triển bền vững và có hiệu quả cao.
Ngành ngân hàng được xem là một trong những ngành ứng dụng CNTT sâu rộng nhất, theo khảo sát gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: 98% các chi nhánh đã tham gia kết nối mạng WAN, 96% ngân hàng đã có hệ thống đảm bảo an ninh mạng, 92% ngân hàng có chính sách quản lý rủi ro dựa trên nền tảng CNTT,…
Các ứng dụng của CNTT hiện đại trong ngân hàng còn mang lại hiệu suất, hiệu quả hoạt động cao nhờ vậy giảm chi phí, giá thành và giá bán đến khách hàng, giảm tổng thể chi phí tài chính và phi tài chính của khách hàng khi giao dịch tài chính với ngân hàng và ngược lại tăng lợi ích tài chính và phi tài chính cho khách hàng
Hiện nay, công nghệ ngân hàng trên thế giới đang phát triển rất nhanh đưa ra những giải pháp, dịch vụ trên cơ sở công nghệ cao làm thay đổi cơ cấu, phương thức hoạt động và cách thức quản trị của hệ thống ngân hàng.
Trước thực tế đó, tại Việt Nam việc áp dụng các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng mang tính đột phá, có hàm lượng tri thức cao, đặc biệt là đầu tư vào các công nghệ cao là rất cần thiết.
Ông Mark Spencer Looi - Phó Chủ tịch khu vực Đông Dương của Nucleus Software, cho rằng "xu hướng công nghệ hóa ngành tài chính ngân hàng không chỉ đang diễn ra tại Việt Nam mà là xu hướng mang tính toàn cầu."
Việc thay thế các công nghệ cũ là rất cần thiết, đặc biệt trong các ngành quan trọng như tài chính ngân hàng vì yếu tố bảo mật là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, công nghệ không thể ngay lập tức thay đổi hoàn toàn mà đó là cả một quá trình tích hợp dần dần.
"Với 29 năm hoạt động trong ngành, Nucleus hiểu rõ và đưa ra các sản phẩm giải pháp đáp ứng được tất cả yêu cầu của ngành ngân hàng. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng có 9 năm kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác lớn, tôi cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để những công ty toàn cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ngược lại, đây cũng là cơ hội lớn dể Việt Nam học được bài học kinh nghiệm từ các nhà đầu tư nước ngoài, tránh được các sai lầm các nước khác đã gặp phải để nhảy vọt tăng tốc trong giai đoạn phát triển sắp tới", ông Mark Spencer Looi nhận xét.
Song song với việc xem công nghệ là chiến lược phát triển, ngành ngân hàng cũng không ngừng chú trọng đến công tác bảo mật nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, cũng như tạo ra được sự tin tưởng cho khách hàng trong các giao dịch.
Hiện nay giao dịch thẻ qua máy ATM gặp khá nhiều vấn đề về rủi ro, như việc ăn cắp mã thẻ giao dịch của khách trên máy ATM hoặc ăn cắp thông tin giao dịch của chủ thẻ. Để tăng tính bảo mật, khá nhiều camera đã được lắp tại các cây rút tiền nhưng đó chỉ là giải pháp phòng ngừa từ bên ngoài, bởi máy ATM không thể xác định được người giao dịch có phải người ăn cắp hay không.
Ông Hanuman Tripathi - CEO IntrasoftTech
Tập trung vào vấn đề bảo mật, IntrasoftTech đưa ra một số giải pháp có thể giúp giao dịch ATM trở nên an toàn hơn. Ví dụ, thay vì đút thẻ vào máy ATM, khách hàng chỉ cần chạm điện thoại vào máy ATM và toàn bộ mã thẻ, mã giao dịch sẽ được xác nhận, và đi kèm đó cũng cần phải có một số biện pháp bảo mật đi kèm.
Giải pháp thứ 2 là sử dụng mã otp cấp 1 lần, thay vì chạm đện thoại thì khách hàng chỉ cần gõ một mã otp do ngân hàng gửi vào điện thoại cá nhân là có thể rút tiền. Mã otp chỉ được phép sử dụng 1 lần duy nhất, nên cho dù có bị lộ thông tin thì các đối tượng xấu cũng không thể khai thác thêm được.
"Hiện nay, nhiều giải pháp có thể xác thực được giao dịch là người thật hay giả, ví dụ như thông tin sẽ được gửi ngay về máy điện thoại của chủ thẻ để xác thực xem người đang giao dịch có phải chính chủ hay không. Từ đó, khách hàng có thể báo cáo ngân hàng ngừng tiến hành giao dịch đó ngay lập tức", ông Ông Hanuman Tripathi - CEO IntrasoftTech cho biết.
Tại Việt Nam hiện có trên 60 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet và gần 40 ngân hàng cung ứng các dịch vụ thanh toán qua mobile.
Tính đến tháng 4/2015, Việt Nam có hơn 81 triệu thẻ thanh toán, trong khi cuối năm 2014 mới có 64 triệu thẻ. Trong đó thẻ thanh toán trong nước 72 triệu và thanh toán quốc tế là 8,7 triệu.
>> Ngành ngân hàng Việt Nam cần những giải pháp đột phá về công nghệ
Thái Nam