Các ngân hàng hùng mạnh nhất phố Wall tìm cách thoát khỏi dầu
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley vừa hoàn thành thỏa thuận bán lại mảng kinh doanh dầu mỏ cho Castleton với giá 1 tỷ USD.
Nội dung nổi bật:
- Dưới áp lực về nguồn vốn và thị trường không ổn định, nhiều ngân hàng đầu tư lớn tại phố Wall như Morgan Stanley, Goldman Sachs buộc phải giảm bớt hoặc thậm chí loại bỏ mảng kinh doanh hàng hóa như dầu mỏ.
- Thương vụ mới đây nhất là thỏa thuận bán lại mảng kinh doanh dầu của Morgan Stanley cho Castleton trị giá 1 tỷ USD.
Castleton Commodities International – công ty được chống lưng bởi rất nhiều quỹ đầu tư tên tuổi đã hoàn tất thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh dầu mỏ của ngân hàng Morgan Stanley với giá 1 tỷ USD. Mục tiêu của thương vụ này là đưa Castleton lên một tầm cao mới trong thị trường dầu mỏ.
Thỏa thuận này đến trong thời điểm các ngân hàng đầu tư đang cố gắng tái cơ cấu hoặc rút khỏi mảng kinh doanh hàng hóa bởi lợi nhuận bị thu hẹp trong khi đó các quy định ngày càng khắt khe.
Động thái của Morgan Stanley cũng chấm dứt câu chuyện vốn gây tranh cãi lâu nay tại phố Wall về giao dịch dầu mỏ. Cụ thể, thành viên của Hội đồng Điều hành Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Daniel Tarullo đã đặt ra nghi vấn về việc các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley có nên được phép kinh doanh hàng hóa hay không, vì những nghiệp vụ này sẽ gia tăng rủi ro cho ngành ngân hàng truyền thống của họ.
Trước khi thỏa thuận xảy ra, Morgan Stanley là nhà điều hành hoạt động giao dịch dầu mỏ lớn nhất trong số các ngân hàng đầu tư tại Mỹ, xếp sau đó là Goldman Sachs. Trước đó, Goldman Sachs cũng đã đồng ý bán mảng kinh doanh này cho công ty dầu mỏ thuộc sở hữu của nhà nước Nga là Rosneft nhưng thỏa thuận này đã bị giãn đoạn bởi căng thẳng khủng hoảng tại Ukraine.
Đại diện Castleton là CEO William Reed nói rằng: “Thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp với chúng tôi. Đây là một sự chuyển đổi lớn. Nó sẽ giúp chúng tôi trở thành đơn vị buôn bán hàng hóa hàng đầu thế giới”.
Đi kèm với thỏa thuận mua bán này, khoảng 200 nhân viên của Morgan Stanley sẽ được chuyển sang Castleton. Tom Simpson và Fabrizio Zichichi – các lãnh đạo hiện thời của Morgan Stanley sẽ dẫn dắt mảng kinh doanh toàn cầu của công ty tại Castleton. Tuy nhiên, Heidmar – đơn vị điều hành các tàu chở dầu mà Morgan Stanley có cổ phần chính sẽ không nằm trong thương vụ này. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giao dịch liên quan đến dầu mỏ và thị trường tài chính cho khách hàng.
Casleton được thành lập năm 2012 khi một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Glenn Dubin, Paul Tudor Jones và Paul Fribourg – chủ tịch Continental Grain mua lại công ty bán gas và điện Louis Dreyfus Highbridge Energy. Kể từ đó, công ty đã mở rộng kinh doanh sang dầu mỏ bằng đường biển.
Hiện thương vụ mua bán vẫn chưa chính thức được ký kết nhưng ông Reed lạc quan rằng: “Sau khi thỏa thuận kết thúc, vị trí top 3 công ty buôn bán hàng hóa lớn nhất thế giới rõ ràng trong tầm tay của chúng tôi”. Cũng theo ông thì số tiền chi cho thỏa thuận giao dịch này được lấy từ quỹ dự trữ của chính Castleton và một lượng đáng kể từ nguồn vốn huy động của các cổ đông hiện tại chỉ trong vòng 1,5 ngày.
Sau khi ra mắt vào những năm 1980, phạm vi hoạt động của mảng kinh doanh buôn bán dầu mỏ của Morgan Stanley đã liên tục phát triển bao gồm cả việc cung cấp dầu cho các hãng hàng không và dầu thô cho các nhà máy lọc dầu. Dù không còn được như thời kỳ đỉnh cao nhưng hiện tại Morgan Stanley vẫn xử lý khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 2% tổng nhu cầu toàn thế giới và có 45 hợp đồng cho thuê với khoảng 30 triệu thùng.
Trong khi đó, Vitol – công ty giao dịch dầu mỏ lớn nhất thế giới xử lý khoảng 5,5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2013. Con số tương tự với hãng Trafigura là 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2014.
Áp lực về vốn và gần đây là thị trường bất ổn đã buộc nhiều ngân hàng ở phố Wall phải giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn hoạt động giao dịch hàng hóa. Năm ngoái, JPMorgan Chase cũng đã bán mảng kinh doanh hàng hóa của mình cho Mercuria với giá 800 triệu USD.
>> Goldman Sachs: Hãy mua vào USD
Vân Đàm