Công nghệ 3D – Thật và ảo

27/03/2012 17:43 PM |

Trên thực tế, khi sử dụng nhóm sản phẩm công nghệ mới – tivi 3D còn nhiều điều rối rắm, khó chịu!

Kính 3D

Hiện nay, những chiếc tivi 3D sử dụng những chiếc kính công nghệ mới. Những chiếc kính này hoạt động theo nguyên tắc phân cực và trập hình động (cho cả hai dạng 3D: 3D thật và 3D ảo). Công nghệ kính phân cực hoạt động dựa trên quá trình lọc hình ảnh sao cho hai mắt nhận được đúng hình ảnh dành cho nó. 

Theo thiết kế, mắt kính 3D theo công nghệ mới được tạo nên từ hai màn trập tinh thể lỏng, có thể ngăn cản hay cho ánh sáng đi qua, hiệu ứng hình 3D được tạo ra sau quá trình tổng hợp hình ảnh ở mỗi mắt. Điều khiển hoạt động cho mắt kính màn trập là hệ thống các tín hiệu hồng ngoại tương thích với màn hình tivi. Điểm mạnh của công nghệ này là hỗ trợ độ phân giải cao Full-HD và đọc được nguồn phim có thể là phim 3D “thật” hoặc là hình ảnh 2D nhưng được kích hoạt thành 3D (giới chuyên môn gọi là 3D “giả lập”).

Xét về tính tiện lợi và an toàn cho sức khoẻ, những chiếc kính 3D theo công nghệ trập được đánh giá cao hơn chiếc kính hai màu. Nhưng dù là công nghệ nào, vấn đề làm người xem tivi 3D khó chịu vẫn là chiếc kính gắn liên tục ở mắt khi xem phim. Đeo kính khoảng 30 phút, nhiều người bị hiện tượng nhức mắt, chảy nước mắt. Sau khi bỏ kính, phải mất vài phút mới lấy lại “thăng bằng” cho mắt. Chỉ có thể đeo kính trong khoảng mười phút, nhiều người chung nhận xét.

3D ảo!

Theo giới chuyên môn, việc thiếu nguồn nội dung 3D “thật” là một trở ngại lớn để những chiếc tivi 3D phát triển. Số lượng phim 3D trên Bluray còn quá ít, truyền hình 3D vẫn chưa chính thức lên sóng đã làm những ai ghiền phim 3D chưa biết cách nào để thưởng thức.

Để chia sẻ với khách hàng đang ghiền phim 3D, các nhà sản xuất tivi như Samsung, Sony, LG… đều tích hợp vào chiếc tivi 3D bộ chuyển đổi có chức năng xử lý các tín hiệu hình ảnh từ 2D sang 3D. Công nghệ chuyển đổi này được giới chuyên môn gọi là 3D ảo hoặc là 3D giả lập. 

Về chất lượng hình ảnh, 3D giả lập không thể sắc nét như 3D thật. Bộ vi xử lý 3D nội suy hình ảnh 2D thành hình ảnh có đôi chút khác biệt so với hình ảnh ban đầu. Thuật toán này sẽ phân tích, giải mã hình ảnh “đầu vào” thành nhiều lớp (có thể chia hình ảnh thành 10 lớp). Sau đó, nhờ kính 3D, hình ảnh sẽ hiển thị dưới những tiêu chuẩn của hình ảnh 3D. Để chuyển đổi hình ảnh động từ đĩa DVD, tín hiệu truyền hình sang hình ảnh 3D đòi hỏi tốc độ xử lý của chip chuyển đổi tín hiệu phải đủ nhanh và mạnh, đáp ứng với thời gian thực (realtime), nghĩa là hình ảnh sau khi chuyển đổi không có độ trễ so với hình ảnh gốc ban đầu.

Thông qua kính chuyên dụng, người xem có thể cảm nhận được chiều sâu của hình ảnh trên màn hình tivi. Tuy nhiên, bộ chuyển đổi 3D tích hợp trong chiếc tivi gặp nhiều giới hạn về khả năng xử lý, không cho phép tạo ra các hiệu ứng ba chiều sống động như khi xem nguồn 3D. Dù cho phép giả lập hình ảnh từ nguồn 2D sang 3D, nhưng đến nay, việc “kích hoạt” từ 2D sang 3D của những chiếc tivi 3D vẫn chưa đạt được độ “nổi” như mong muốn, hình ảnh vẫn “giả giả”. Lý do: vì một bộ phim 3D gốc được thực hiện từ những camera 3D chuyên dụng.

Chất lượng hình ảnh 3D càng cao và sắc nét, hiện tượng mệt mỏi hay khó chịu ở mắt người xem cũng ít hơn. Nếu không muốn gặp hiện tượng buồn nôn, nhức đầu hay mỏi mắt khi xem 3D “giả lập”, người dùng nên tắt chế độ 3D và chuyển lại 2D nếu gặp những hình ảnh chuyển động quá nhanh, có quá nhiều chi tiết và vật thể xuất hiện cùng trong một khung hình.

Theo TRỌNG HIỀN – PHƯƠNG BÌNH 

SGTT

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM