Xe máy đời mới, xế hộp và cú đổi đời ngoạn mục tại những vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển

22/10/2020 15:31 PM | Kinh doanh

Trên các con đường ở Bắc Giang bây giờ đã xuất hiện những chiếc xe máy Honda đời mới, lác đác cả những chiếc ô tô Toyota và Mercedes, tất cả xảy ra gần như chỉ sau 1 đêm khi các đối tác của Apple tới đặt nhà máy ở đây.

Không lâu trước đây, Bắc Giang là một trong những tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn tại Việt Nam, chủ yếu làm nông nghiệp. Nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm như vải thiều và gà chạy bộ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ là quá khứ khi mà chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bắt đầu dịch chuyển.

Hiện tại, tỉnh này trở thành tụ điểm sản xuất của những gã khổng lồ công nghệ từ Apple tới Hon Hai Precision Industry. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài đã tăng gấp đôi mỗi năm. Bất chấp đại dịch Covid-19, Bắc Giang dự kiến giá trị xuất khẩu năm nay sẽ đạt 11 tỷ USD, gấp 10 lần 6 năm trước. Thay vì những chiếc xe máy cũ kỹ bụi bặm, trên các con đường ở Bắc Giang bây giờ đã xuất hiện những chiếc xe máy Honda đời mới, và cả những chiếc ô tô Toyota và Mercedes.

"Cuộc sống bây giờ sướng như tiên vậy, tất cả là nhờ những nhà máy", ông Nguyễn Văn Lành, 64 tuổi nói. Gia đình ông từng có thời gian không có đủ tiền mua thịt cho các bữa cơm. Hiện tại mọi thứ đã thay đổi sau khi ông mở phòng trọ cho các công nhân trong nhà máy. Một người họ hàng của ông thậm chí giờ lái xe Mercedes sau khi điều hành hoạt động cho vay dành cho các công nhân nhà máy quanh đây.

Xe máy đời mới, xế hộp và cú đổi đời ngoạn mục tại những vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển - Ảnh 1.

Một khách sạn mới đang được xây dựng tại Huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Sự thay đổi ở Bắc Giang cho thấy cách chuỗi cung ứng của thế giới đang mang lại sự thay đổi to lớn thế nào với những khu vực trước đây vốn nghèo đói. Khả năng của Việt Nam để thu hút những nhà máy đang được đẩy nhanh khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng ngày càng căng thẳng.

Thay đổi chóng mặt

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Giang vẫn còn là tỉnh khá nghèo. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 650 USD, chỉ bằng 1 nửa so với trung bình cả nước. Đặc điểm địa lý chịu nhiều lũ lụt và năng suất cây trồng thấp, người dân ở đây thường xuyên phải tìm kế sinh nhai, vượt 1,700 km vào Nam làm công nhân trong các nhà máy. Giờ đây, chính tỉnh này đang có sự bùng nổ khi thu nhập bình quân đầu người được dự báo đạt 3.000 USD/năm trong năm nay.

Các nhà sản xuất đang bắt đầu tiếp cận các tỉnh miền bắc ở Việt Nam và cam kết hàng tỷ USD để thiết lập nhà máy ở đây gồm cả Samsung Electronics. Đối tác lắp ráp của Apple là Pegatron cũng đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Hải Phòng theo sau hàng loạt nhà cung ứng khác của Apple. Bản thân Apple gần đây cũng đã đăng tin tuyển dụng nhiều vị trí ở Việt Nam gồm cả kỹ sư chất lượng máy và quản lý điều hành chuỗi cung ứng…

Thành công của Việt Nam đang tạo ra thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của họ, đạt gần 34,8 tỷ USD trong tháng 7.

Xe máy đời mới, xế hộp và cú đổi đời ngoạn mục tại những vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển - Ảnh 2.

Hiện tại, các khoản đầu tư từ các nhà cung cấp thiết bị điện tử tiếp tục được rót vào dù những lĩnh vực khác vẫn đang gặp khó khăn vì đại dịch.

Doanh thu du lịch của cả nước đã giảm 50%, may mặc và các nhà máy khác thì phải sa thải 10 nghìn nhân công khi xuất khẩu ngưng trệ do nền kinh tế suy thoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự đoán giảm 2-3% trong năm 2020 từ mức 7,02% vào năm ngoái. Dẫu vậy, chính phủ dự đoán rằng nền kinh tế sẽ hồi phục ở mức 6-7% vào giai đoạn 2021 và 2025.

Chuyên gia chuỗi cung ứng Gene Tyndall cho rằng, chi phí nhân công rẻ, chính trị ổn định, chính sách đầu tư thân thiện, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy startup công nghệ đang khiến Việt Nam trở nên thu hút hơn bao giờ hết.

Ở trung tâm Bắc Giang - nơi những đàn bò vẫn đang nhởn nhơ gặm cỏ bên đường, con đường 1 làn xe khi xưa nay đã được thay bằng con đường 6 làn xe. Có hơn 20 khu công nghiệp đang được đề xuất, đây đó mọc lên những công trường đang cắm cọc với những chiếc cần cẩu rải rát. Nền kinh tế địa phương ước đạt tốc độ tăng trưởng 10,9% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với mức 2,12% của cả nước.

"Chúng tôi đang sống trong sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu", Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên nói. Việt Yên là nơi đang có 4 trong số 5 khu công nghiệp của tỉnh. Với việc các nhà sản xuất chuyển đến Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng FDI đã tăng mạnh, kể từ năm 2016 tới nay các công ty nước ngoài đã rót 3,8 tỷ đô la Mỹ vào tỉnh, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.

Bắc Giang đang nghiên cứu xây dựng một cảng đường thuỷ để vận chuyển linh kiện dễ dàng hơn. Ngoài ra, theo yêu cầu của Apple, họ cung cấp 16 hecta đất để xây nhà ở cho công nhân của Luxshare Precision Industry - nhà sản xuất Airpods lớn nhất thế giới.

Những lao động ở các tỉnh lân cận cũng đến Bắc Giang tìm cơ hội. Luxshare cho biết sẽ tuyển 20.000 công nhân trong 4 tháng cuối năm, nâng tổng số công nhân ở riêng huyệt Việt Yên lên mức 47.000 người. Công ty hiện có 12.000 công nhân tại các nơi khác.

Cú đổi đời ngoạn mục

Một công nhân dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử có thể kiếm được mức lương sau thuế đạt 5.500 USD 1 năm gồm cả thưởng và lương thêm giờ, cao hơn mức lương trung bình năm của cả nước là 3.000 USD.

Nguyễn Thị Hà, 22 tuổi là công nhân trộn bê tông trước khi tham gia dây chuyền sản xuất của một nhà máy và kiếm được 10 triệu đồng mỗi tháng. "Tôi từng chỉ kiếm được nửa số đó khi làm công nhân xây dựng, chịu vất vả mưa nắng".

Các công nhân nhà máy thường ghé những nhà hàng như Lao Chu Quan, uống bia, ăn lẩu. "Họ chi tiêu rất thoải mái", Nguyễn thị Ly, 26 tuổi chủ nhà hàng nói. Gia đình cô hiện sở hữu 1 chiếc xe hơi và 5 xe máy mới sau khi các nhà máy tới đây. "Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi, thật đáng kinh ngạc".

Xe máy đời mới, xế hộp và cú đổi đời ngoạn mục tại những vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển - Ảnh 3.

Tốc độ tăng trưởng đột ngột cũng làm nảy sinh một số vấn đề. Hoàng Phương Duy, 30 tuổi từng tham gia vào cuộc biểu tình vào tháng 9 tại nhà máy của Luxshare để yêu cầu thay đổi chính sách trả lương thêm giờ.

Duy nói rằng công ty đã nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn để làm hài lòng công nhân. "Rất khó khăn khi làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Chúng tôi luôn phải rất nhanh và tập trung cao độ trong khi làm nhiều giờ liền".

Thách thức của Việt Nam trong tương lai là đảm bảo rằng sẽ cải thiện được trình độ giáo dục của người dân để có thể tránh "bẫy thu nhập trung bình" khi các nhà máy rời đi vì chi phí lương tăng lên.

Ước mơ thế hệ tương lai trong gia đình trở thành các công nhân kỹ thuật cao luôn thường trực với những người như ông Lành. Hồi nhỏ, ông còn chèo những chiếc “thuyền thúng” đi gặt lúa trên những cánh đồng ngập lụt, nơi mà những nhà máy mọc lên sau này. "Chúng tôi gần như không có gì để ăn và quần áo để mặc", ông Lành nhớ lại tuổi thơ khó khăn của mình. Nhìn xuống cháu gái nhỏ 3 tháng tuổi, bà nói: "Nó sẽ có nhiều đồ ăn và quần áo tốt để mặc. Chúng tôi sẽ cho nó học đại học để có cơ hội tốt hơn bố mẹ ông bà".

Vân Đàm

Từ khóa:  chuỗi cung ứng
Cùng chuyên mục
XEM