Xây dựng lộ trình để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam

05/08/2016 11:44 AM | Sống

Trước thềm năm học mới 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương hướng cho từng cấp học đồng thời nêu rõ 9 nhiệm vụ của ngành trong năm học này.

Xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam

Trước thềm năm học mới 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương hướng cho từng cấp học đồng thời nêu rõ 9 nhiệm vụ của ngành trong năm học này.

Trong đó có những nhiệm vụ đáng chú ý như xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, xây dựng Luật Nhà giáo.

1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Cụ thể, trong năm học 2016 - 2017 Bộ tập trung thực hiện xây dựng nguyên tắc, tiêu chí quy hoạch để các địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục các cấp phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương.

Với giáo dục đại học, Bộ sẽ tiến hành kiểm định chất lượng để xếp hạng, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học để sắp xếp lại mạng lưới. Trong đó, ngành giáo dục ưu tiên quy hoạch trước mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bô quản lý giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học tới.

Theo đó, trong năm học 2016 – 2017, Bộ sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chuẩn cán bộ quản lý giáo dục.

Sau khi có chuẩn, ngành tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc tinh giản biên chế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ tạo sự công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đồi ngũ, Bộ cũng đặt vấn đề rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, tiến tới triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo.

3. Đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp

Công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh đã được Bộ đưa ra là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm học nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Trong năm học 2016-2017, hai giải pháp mới với hai mô hình thí điểm được lãnh đạo Bộ đưa ra.

Thứ nhất thí điểm hình thành trường trung cấp vừa tổ chức học văn hóa và học kỹ năng nghề trên địa bàn cấp huyện.

Thứ hai thí điểm triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa về cơ phương.

Bên cạnh đó, các chương trình cũ như mô hình kết hợp giữa trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cấp hai văn bằng cho người học; hợp tác, liên kết giữa trường phổ thông và trường chuyên nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh… cũng sẽ được đánh giá và tiếp tục.

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ

Có 7 nhiệm vụ cụ thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Các nhiệm vụ với các giải pháp khá truyền thống như bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên; hoàn thiện chương trình, tài liệu; đổi mới thi và kiểm tra; tăng cường cơ sở vật chất; nhân rộng các mô hình tiêu biểu; tăng cường hợp tác, hỗ trợ của quốc tế.

Điểm đáng lưu ý nhất là Bộ đặt nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam. Theo đó, với mỗi lộ trình, Bộ sẽ nghiên cứu và xây dựng các nguồn lực cần huy động, các hoạt động cần triển khai và các kết quả cần đạt được.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Bộ Giáo dục cho biết sẽ xây dựng các đề án, dự án và kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả.

Hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin sẽ được phát triển trong toàn ngành theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Công nghệ thông tin cũng sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Cụ thể như xây dựng kho bài giảng e-Learning trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo có chất lượng của người học giữa các vùng, miền...

6. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học

Theo lãnh đạo Bộ, việc tăng quyền tự chủ và yêu cầu về trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Mức độ tự chủ căn cứ vào năng lực tự chủ và kết quả kiểm định, xếp hạng chất lượng của các cơ sở đào tạo.

7. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

Ngành giáo dục xác định hội nhập quốc tế vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Để hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao, trong năm học 2016 – 2017, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Bộ cũng xác định tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh hợp tác cấp Bộ, lãnh đạo ngành giáo dục cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy chuyên ngành...

8. Tăng cường cơ sở vật chất

Để nâng cao chất lượng thì vấn đề nâng cao cơ sở vật chất có vai trò rất quan trọng.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, năm học 2016-2017 ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, phải thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp.

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước trong những năm sắp tới. Để thực hiện chủ trương này, trong năm học 2016 - 2017 tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ cụ thể.

Các nhiệm vụ được đề ra như đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới chương trình đào tạo; kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia và các cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện Khung trình độ quốc gia...

Ngành cũng sẽ đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu; xây dựng chính sách thu hút sinh viên đi du học nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thực hiện hiệu quả các đề án đào tạo giảng viên, cán bộ có trình độ ở các nước phát triển theo các đề án sử dụng kinh phí nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.../.

Theo Phạm Mai

Cùng chuyên mục
XEM