Xăng giả là gì? Hàng triệu lít xăng giả gây hại cho ô tô, xe máy thế nào?

08/06/2019 09:30 AM | Công nghệ

Các đối tượng trong đường dây làm giả hàng trăm triệu lít xăng đã dùng xăng nền A95 trộn với các loại dung môi, hóa chất, chất tạo màu để tạo ra loại nhiên liệu gây hại cho xe.

Đường dây làm xăng giả bị lộ như thế nào?

Theo đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông thì đường dây buôn bán xăng giả bị phát hiện từ việc nhiều phương tiện xe máy trên địa bàn tỉnh này bốc cháy. Trong quá trình điều tra nguyên nhân, công an kiếm tra cửa hàng xăng dầu Vinh Quang ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) thì phát hiện ở đây có chứa 10m3 xăng giả. Tiếp tục điều tra, công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát hiện thêm 2 cửa hàng xăng dầu bán hàng giả khác.

Xăng giả là gì? Hàng triệu lít xăng giả gây hại cho ô tô, xe máy thế nào? - Ảnh 1.

Cây xăng đầu tiên phát hiện xăng giả trong vụ án ở Đắk Nông


Sau đó, cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án để điều tra việc sản xuất mua bán xăng dầu giả. Từ quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rằng tình trạng này không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mà có ở rất nhiều địa phương khác trên cả nước.

Với những kết quả thu nhận được, công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an về vụ việc. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an  đã quyết định thành lập ban chuyên án bí mật số 018 SM để phá vụ án này.

Các chiến sĩ công an đã rất vất vả nhiều ngày liền để điều tra phá án bởi hoạt động của các đối tượng buôn bán xăng giả là rất tinh vi. Theo cơ quan điều tra thì sau khi một số địa phương phát hiện xăng giả, các đối tượng đã không đưa nguyên liệu xuống tận nơi để pha trộn nữa mà tiến hành làm việc này ngay tại kho chứa.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định nguồn cung cấp xăng giả có thể từ miền tây và cụ thể là từ kho xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng. Người này vốn là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, trụ sở tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Từ ngày 28/5 - 2/6, Ban chuyên án đã tiến hành khám xét 6 địa điểm các đối tượng tổ chức pha trộn và cất giấu xăng giả. Theo đó, cơ quan chức năng bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha dung môi với chất kích thích RON, bột màu thành xăng giả.

Tối ngày 30/5, lực lượng chức năng của Bộ Công an bất ngờ khám xét kho xăng dầu của ông Trịnh Sướng ở thị trấn Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Việc khám xét tại đây đến 2h sáng ngày 2/6 mới xong.

Xăng giả là gì? Hàng triệu lít xăng giả gây hại cho ô tô, xe máy thế nào? - Ảnh 2.

Tang vật thu giữ trong vụ án


Đến hiện tại, cơ quan chức năng đã thu giữ được 3.264.281 lít dung dịch các loại trong đó có 2.183 lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 432 lít dung môi chưa pha, 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 5 máy bơm, 50 kg tạo màu. Đồng thời, 23 bị can đã bị khởi tố trong vụ việc này để điều tra hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là xăng dầu.

Xăng giả được làm như thế nào?

Theo cơ quan chức năng, tất cả các chủ cây xăng bán xăng giả đều biết rõ nguồn gốc hàng hóa mình nhập về. Tuy vậy, họ vẫn đưa xuống hầm chứa để bán và từ đó thu được nguồn lợi rất lớn. Vụ việc diễn ra ở rất nhiều địa phương trên tải nước nhưng đang trong quá trình điều tra nên không thể thông tin chính xác tất cả các cây xăng bán hàng giả.

Tại buổi họp báo vào ngày 6/6, công an tỉnh Đắk Nông đã cho biết các đối tượng thường dùng xăng nền A95 trộn với các dung môi và hóa chất khác để tạo thành các loại xăng giả.

Xăng giả là gì? Hàng triệu lít xăng giả gây hại cho ô tô, xe máy thế nào? - Ảnh 3.

Các loại nguyên liệu để làm xăng giả


Theo đó, các đối tượng thường dùng dung môi là các sản phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ. Chúng thường có chỉ số RON rất thấp (chỉ khoảng 60) nên chỉ được dùng trong các sản phẩm công nghiệp như pha trộn với sơn, sản xuất gỗ, thuộc da chứ không được dùng để tạo thành xăng dầu.

Có 2 cách để tạo ra xăng A95 giả được các đối tượng sử dụng.Cách thứ nhất là dùng 30% dung môi cùng 50% xăng A95 thật và phần còn lại là chất tạo màu vàng. Cách thứ 2 là dùng dung môi trộn với một phần nhỏ xăng nền A95 và chất kích Ron, chất tạo màu. Còn nếu muốn tạo ra xăng E5 giả, các đối tượng sẽ dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95 và còn lại là chất kích RON, chất tạo màu.

Xăng giả ảnh hưởng thế nào đến xe?

Cho đến khi bị phát hiện, đường dây xăng dầu giả liên quan đến ông Trịnh Sướng đã tuồn hàng trăm triệu lít thành phẩm ra thị trường. Từ cách làm xăng giả vừa đề cập, chúng ta có thể thấy các đối tượng sẽ trộn chất hóa học với một tỷ lệ xăng thật để bán cho các đại lý. Cũng chính vì có các chất hóa học cộng với việc dung môi có chỉ số RON rất thấp khiến thành phẩm sở hữu rất nhiều tạp chất.

Trả lời phỏng vấn trên Zing, kỹ sư cơ khí động lực Thanh Lâm cho biết: ‘Nếu xăng giả có chất gây hại cho động cơ thì sẽ làm hao mòn nhanh các chi tiết cơ khí, giảm công suất động cơ, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và các hệ thống liên quan (hệ thống xử lý khí xả, các cảm biến của hệ thống nạp, xả)'.

Theo các chuyên gia, khi sử dụng xăng giả, động cơ của phương tiện (xe máy, ô tô...) chắc chắn sẽ bị giảm công suất và tuổi thọ. Đồng thời, động cơ của xe sẽ bị nóng lên khi sử dụng xăng giả, quá trình này diễn ra lâu ngày sẽ khiến vỏ dây điện, vỏ nhựa xung quanh nóng lên, khi di chuyển sẽ bị đứt. Điều này dễ dàng dẫn tới tình trạng hở điện gây cháy nổ.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi phương tiện đang sử dụng xăng giả để hoạt động chính là việc chiếc xe sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình tăng tốc. Chiếc xe có thể tự thay đổi tốc độ khi đang chạy hoặc việc tăng tốc sẽ mất một thời gian khá lâu.

Đồng thời, sử dụng xăng giả cũng có thể khiến bộ lọc của xe bị hỏng. Nó dẫn đến tình trạng bình nhiên liệu sẽ dễ dàng bị bụi bẩn xâm nhập gây ảnh hưởng lớn đến động cơ. Cùng với đó, chiếc xe cũng có thể bị dừng đột ngột khi dùng xăng giả do quá trình đốt trong không tạo ra công suất cần thiết để duy trì hoạt động của động cơ.

THEO T.T

Cùng chuyên mục
XEM