Xã hội hiện đại có một nỗi sợ mang tên “sợ ra ngoài”: Đâu là lý do cho nỗi sợ tương tác xã hội của người trẻ?
Tuổi 20, bạn thích tiệc tùng, có thể đi chơi thâu đêm suốt sáng với bạn bè nhưng bây giờ bạn chỉ thích ở nhà, mặc một bộ đồ thoải mái, vùi đầu vào cuốn sách yêu thích hay dành hàng giờ xem TV. Dù bạn mệt mỏi sau một ngày làm việc dài hay bạn thích dành thời gian cho riêng mình, bạn nhận ra càng ngày mình càng lười “giao tiếp”.
Dành thời gian một mình cũng tốt, nhưng nếu lúc nào bạn cũng chỉ thích ở nhà, có lẽ bạn nên tìm hiểu nguyên nhân cho việc đó đồng thời tìm cách đưa nhiều các tương tác xã hội vào cuộc sống của mình hơn.
Áp lực công việc
Giải pháp: Đặt ra những giới hạn ở nơi làm việc
Áp lực công việc đã trở thành nguyên nhân thường thấy cho các căn bệnh tâm lý và thể chất và nó cũng có thể là lý do khiến bạn lười ra ngoài hơn. Rất dễ để bạn bị cuốn vào vòng quay chóng mặt của công việc và luôn đặt bản thân ở trạng thái sẵn sàng để thể hiện năng lực tốt nhất có thể: trả lời email nhanh chóng, làm việc ngoài giờ, đi làm sớm. Bạn có cảm giác mọi thứ đến với bạn với vận tốc chóng mặt, tuy nhiên, chìa khóa của việc kiểm soát công việc chính là hình thành một lối làm việc phù hợp với chính bạn. Bạn đang nghĩ cách để đặt ra nhiều giới hạn hơn ở nơi làm việc? Điều quan trọng là bạn biết nói “không” để không rơi vào tình huống ôm đồm quá nhiều việc về mình.
Nếu việc để email chưa trả lời làm bạn bồn chồn, hãy thử đặt tin nhắn trả lời tự động khi bạn rời văn phòng vào chiều tối và cuối tuần. Một tin nhắn với nội dung như: “Cảm ơn bạn đã liên lạc. Tôi sẽ không sử dụng máy tính vào buổi tối nhưng tôi sẽ phản hồi lại trong giờ làm việc vào sáng mai” có thể giúp đối phương biết rằng bạn sẽ liên lạc lại đồng thời gợi ý cho họ hiểu sẽ không có tin nhắn trả lời ngay lập tức. Áp dụng cách này, bạn sẽ trút bớt được áp lực phải trả lời những tin nhắn công việc ngoài giờ làm việc, bạn được nghỉ ngơi và có thêm cơ hội tham gia vào các buổi gặp gỡ.
Áp lực tài chính
Giải pháp: Mời bạn bè đến nhà, sáng tạo ra những cách vui chơi ít tốn kém.
Thật lòng mà nói, việc đi ăn ngoài hay café rất vui nhưng nó cũng làm “rỗng” hầu bao của bạn nhanh chóng. Áp lực tài chính là nguyên nhân thường thấy cho các căn bệnh tâm lý và tiêu quá nhiều tiền để ra ngoài với bạn bè có thể là gánh nặng lên ngân sách hạn hẹp của bạn.
Thay vì lười biếng lên kế hoạch đi chơi với bạn bè, hãy thử nghĩ ra những phương án đi chơi thân thiện với hầu bao hơn. Bạn cũng có thể làm bạn mình bất ngờ với những bữa ăn ngon lành, tiết kiệm tại gia.
Nếu bạn muốn cuộc gặp gỡ được san sẻ trách nhiệm công bằng hơn, hãy thử đề xuất phương án “có gì ăn nấy” với mọi người để ai cũng có thể đóng góp, hãy nói bạn của bạn mang một loại đồ uống yêu thích đến bữa ăn để cả nhóm cùng thưởng thức. Cách này rẻ hơn nhiều so với việc đi ăn hàng, nó cũng khiến cho những người hướng nội, người thích ở nhà (homebodies) thoải mái hơn khi cuộc tụ tập diễn ra trong bầu không khí gia đình.
Bạn là kiểu người thích ở nhà
Giải pháp: Lên hẹn ít thường xuyên nhưng đó phải là những cuộc gặp mặt chất lượng.
Việc bạn thích ở nhà không có gì sai nhưng nó có thể khiến bạn rơi vào trạng thái trầm mặc nếu bạn không sáng suốt. Hãy sắp xếp những cuộc hẹn thật “đáng” để bạn thấy hứng thú. Bằng cách tạo ra những tương tác xã hội quan trọng, bạn sẽ có nhiều động lực để ra ngoài hơn. Một phần của động lực bắt nguồn từ giá trị, vậy nên nếu bạn coi trọng một sự kiện hoặc một điều gì đó có lợi cho bạn, bạn sẽ có lý do để theo đuổi và đến với nó. Nếu bạn lấp đầy lịch cá nhân của mình với những sự kiện bạn không dành nhiều sự quan tâm, bạn sẽ lười ra ngoài và tham dự chúng.
Thay vì để mình “ngụp lặn” trong những sự kiện không quan trọng, hãy dọn lại lịch cá nhân của mình và chỉ dành thời gian cho những việc làm bạn hứng thú.
Trong trường hợp bạn không quen biết rộng, hãy bắt bản thân ra khỏi vòng an toàn của mình, đến với các buổi gặp gỡ, sáng tạo và chủ động trong cách làm quen với những người mới. Đó có thể là một lớp học thể hình, nấu ăn hay workshop chia sẻ kinh nghiệm. Khi bạn lựa chọn những lớp học không ràng buộc bạn với một lịch cố định như khi bạn đến trường, bạn có cơ hội gặp được những người có cùng suy nghĩ, tính cách như bạn. Nếu bạn ngại việc đi học, đừng vội dẹp mọi thứ sang một bên. Hãy thử tìm kiếm những lớp học chỉ diễn ra một lần một tuần thậm chí vài tuần một lần để bản thân thấy thoải mái hơn.
Tình bạn không lành mạnh
Giải pháp: Từ bỏ những mối quan hệ đó đi!
Tôi có một niềm tin mãnh liệt là tình bạn đến và có thể đi, bạn không cần níu giữ những tình bạn không còn có ích cho bạn nữa. Bạn không cần lo lắng sẽ mất đi mối quan hệ có thể có lợi sau này, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với việc qua lại với một người hay một nhóm người vì những gì họ khiến bạn làm và cảm nhận, bạn cần nhanh chóng thoát khỏi mối quan hệ đó.
Hãy ra ngoài và tìm kiếm những người có chung quan điểm với bạn hoặc những người bạn thích được ở bên. Nếu bạn yêu chó, hãy đến với câu lạc bộ những người yêu động vật, không có gì kết nối người với người dễ hơn sở thích. Ra ngoài sẽ giúp bạn gặp được những người có cùng lối suy nghĩ, nhiều khả năng bạn sẽ gặp được ít nhất một người yêu thích những hoạt động giống bạn và khi đó bạn sẽ không sợ hãi gặp người ta khi ngày hẹn đến nữa.
Sức khỏe tinh thần
Giải pháp: Đánh giá xem liệu tâm lý có phải yếu tố khiến bạn lười ra ngoài không.
Bạn có thấy bản thân gặp phải một hoặc nhiều hơn những lý do đã được liệt kê ở trên không, hay chỉ đơn giản là bạn không có hứng thú với cuộc sống thường ngày của mình? Nếu bạn sợ ra ngoài, rời khỏi giường ngủ, đến công sở hay làm những việc bạn từng rất yêu thích, có lẽ đã đến lúc bạn cần xin ai đó lời khuyên. Hãy chia sẻ với một người thân thiết về cảm nhận của bạn và cùng nhau vạch ra một chiến lược để giúp bạn lấy lại phong độ. Nếu bạn đã có một cố vấn tâm lý đáng tin cậy, hãy lên lịch hẹn để chia sẻ về tình trạng bản thân một cách cụ thể.
Sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng. Hãy thử đứng từ một góc nhìn khách quan và đánh giá sự khác biệt giữa việc bạn sợ giao tiếp vì một lý do cụ thể và việc bạn không muốn rời khỏi giường ngủ mỗi sáng thức dậy. Không có gì sai khi bạn cần sự giúp đỡ từ ai đó, dù họ là một chuyên gia hay chỉ là một người yêu thương bạn. Bạn không cô đơn, nếu bạn thấy tâm lý mình không ổn định, đừng ngại chia sẻ và xin một lời khuyên.