X-Pig - Loài cứu thế cho cơn khát lợn điên cuồng ở Trung Quốc

05/12/2019 07:28 AM | Xã hội

Giữa cơn khát thịt heo, giống lợn đột biến gen X-Pig mới nghiên cứu được kỳ vọng có thể "cứu" cả đất nước Trung Quốc.

Nếu các bạn đã quen với những nhân vật dị nhân, người đột biến (X-men) trong các bộ phim điện ảnh thì giờ đây những nhà khoa học Trung Quốc đang cố tạo nên sự đột biến đó, chỉ có điều là với loài lợn.

Trong một trang trại ngoại thành Bắc Kinh, những chú lợn đột biến gen đang được chăn nuôi và nghiên cứu nhằm tạo nên một giống loài mới. Loài lợn này được cải tiến nhằm thích ứng được với sự thay đổi nhiệt độ và chống chịu lại được với cái lạnh của miền Bắc Trung Quốc.

Trên thực tế, công cuộc nghiên cứu những loài lợn đột biến, những giống heo mới đang được triển khai trên toàn Trung Quốc. Câu chuyện cũng dễ hiểu khi nước này là thị trường chăn nuôi cũng như tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và đang phải chịu một cuộc khủng hoảng thịt lợn nặng do bệnh dịch.

Từ rất nhiều năm nay, Trung Quốc đã cố gắng tạo nên những giống lợn dễ nuôi hơn, khỏe hơn, lớn nhanh hơn… nhằm đáp ứng được nhu cầu thịt heo ngày một tăng của thị trường.

X-Pig - Loài cứu thế cho cơn khát lợn điên cuồng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Điều thú vị là không riêng gì Trung Quốc, các nhà khoa học ở Mỹ và châu Âu cũng đang điên cuồng chạy đua trong mảng tạo lợn đột biến. Một số dự án mang danh nghĩa là tạo nên giống heo mới nhằm đáp ứng chuỗi cung thực phẩm trong khi số khác lại đang vấp phải rất nhiều sự chỉ trích khi dùng lợn làm vật thí nghiệm cho mục đích thí nghiệm chỉnh sửa gen của con người.

Câu chuyện chạy đua trong nghiên cứu sinh học thông qua loài lợn diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung vô cùng căng thẳng. Ngoài ra, việc dân số Trung Quốc ngày một già hóa nhanh cùng áp lực nuôi 1,4 tỷ dân của nước này cũng khiến cuộc chạy đua nghiên cứu lợn đột biến ngày một căng thẳng.

Giá lợn leo thang từng ngày ở Trung Quốc đã khiến chính quyền Bắc Kinh hối thúc giới khoa học tìm cách thúc đẩy sản lượng của loài này nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Trong vòng chưa đầy 20 năm, Trung Quốc đã đổ một lượng tiền đầu tư lớn chưa từng có vào lĩnh vực này, đạt con số 445 tỷ USD vào năm 2017, qua đó trở thành nước đầu tư lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Không những vậy, các công ty Trung Quốc còn tăng cường thu mua, sáp nhập những hãng công nghệ sinh học, dược phẩm trên thế giới với tổng giá trị thỏa thuận lên đến 25,4 tỷ USD kể từ năm 2014 nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu.

"Cường quốc nghiên cứu về gen hiện nay có lẽ là Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Họ đang chi quá nhiều tiền cũng như nguồn lực cho khoa học mà chúng tôi chẳng thể so bì nổi", chuyên gia Simon Lillico của Viện Roslin, nơi sản sinh ra chú cừu nhân bản Dolly đầu tiên trên thế giới vào năm 1996, ngậm ngùi nhận định.

(Click vào ảnh để xem chú thích)

Trung Quốc đã gửi rất nhiều nhà khoa học, như anh Jianguo Zhao của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, sang nước ngoài học tập để rồi trở về mở những phòng nghiên cứu cực lớn. Riêng khu dự án của anh Zhao về lợn đột biến có tới 3 lớp an ninh và có thể nuôi tới 4.000 con lợn chỉ để phục vụ mục đích nghiên cứu.

Mặc dù Mỹ vẫn đứng đầu về ngành công nghiệp sinh học, dược phẩm và nông nghiệp với tổng giá trị thị trường lên đến 228 tỷ USD nhưng sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc những năm gần đây đang khiến chính quyền Washington lo lắng. Vào tháng 7/2019, Ủy ban an ninh kinh tế Mỹ-Trung (UCESRC) của Mỹ đã phải thực hiện một cuộc điều tra về những rủi ro tiềm tàng từ sự phát triển công nghệ sinh học, dược phẩm của Trung Quốc đối với Mỹ.

Lo lắng của Mỹ là có cơ sở khi các nhà khoa học Trung Quốc đã rất mạo hiểm trong việc dám chỉnh sửa gen và ứng nghiệm trên bản thể, ví dụ như lúa mỳ kháng nấm mốc, chó nghiệp vụ cơ bắp hơn, cừu nhiều lông hơn… Thậm chí từng có nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố sử dụng biện pháp can thiệp gen để tạo ra 2 đứa trẻ sơ sinh kháng bệnh HIV, tạo nên một cuộc tranh cãi lan rộng về đạo đức trong giới khoa học toàn cầu.

Theo một số báo cáo của Mỹ, trình độ công nghệ sinh học của Trung Quốc về chỉnh sửa gen hiện đang phát triển ở cấp độ mà không một quốc gia nào so sánh được. Nếu tính riêng trên loài lợn, Trung Quốc đã thực hiện hơn 40 loại chỉnh sửa gen bằng công nghệ Crispr cho đến tháng 7/2019.

Xin được nhắc lại rằng những loại bệnh như dịch tả lợn Châu Phi thường không có liệu pháp chữa trị hay vắc xin phòng chống hiệu quả. Bởi vậy chúng lây lan cực kỳ dễ dàng từ Châu Phi qua Châu Âu đến Châu Á và khiến ¼ số lợn trên toàn thế giới mất mạng. Việc tạo nên loài lợn đột biến chống chịu được những căn bệnh này sẽ trở thành một cuộc cách mạng không chỉ về thực phẩm mà còn về công nghệ sinh học cho toàn cầu.

X-Pig - Loài cứu thế cho cơn khát lợn điên cuồng ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Những dịch lợn đã từng bùng nổ trên thế giới kể từ năm 2014

Năm 2006, dịch lợn tai xanh (PRRS) đã giết khoảng 400.000 con heo tại Trung Quốc và khiến hàng triệu con lợn khác cũng bị lây nhiễm. Dịch lợn tai xanh làm giảm sức đề kháng của lợn, gây ra những căn bệnh thứ cấp khác như suyễn lợn, liên cầu khuẩn, tụ huyết trùng… Loại virus này tấn công đoạn Protein CD163 trong tế bào máu lợn và theo nghiên cứu năm 2015, loài heo có thể kháng lại bệnh này nếu chỉnh sửa được mã gen tạo nên CD163. Tương tự, các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng tìm ra giải pháp cho bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Những phát minh quan trọng trong việc chỉnh sửa gen của lợn đang tạo nên một cuộc cách mạng tại Trung Quốc. Tổng giá trị thị trường thịt lợn ở nước này lên tới 118 tỷ USD/năm và chiếm tới 50% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Mặc dù việc bán lợn đột biến chưa được cấp phép ở Trung Quốc nhưng những nhà khoa học tin rằng các giới hạn cuối cùng sẽ được nới lỏng.

Tập đoàn Genus Plc, một trong những công ty nghiên cứu động vật chăn nuôi đột biến gen lớn nhất thế giới cho biết nếu chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách tiêu thụ sản phẩm, họ có thể kiếm được tới 160 triệu USD cùng nhiều khoản lãi khác tại thị trường 1,4 tỷ dân này.

Trong khi đó, những nhà nghiên cứu Trung Quốc đang cố gắng tăng tốc để bắt kịp tình hình. Năm 2018, những chuyên gia của trường đại học Jilin giáp biên giới Triều Tiên đã phát triển được loài lợn đột biến kháng được dịch tả lợn thường. Mới đây, Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) cũng đã bắt đầu thử nghiệm một loại vắc xin chống dịch tả lợn Châu Phi mới nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay.

Chuyên gia Zhao cho biết ông cùng các nhà khoa học Trung Quốc khác cũng đang vận động để chính phủ xem xét nới lỏng việc tiêu thụ các sản phẩm đột biến gen. Dẫu vậy ông cũng cho rằng sản phẩm lợn đột biến của mình sẽ khó có thể đưa ra thị trường trong tương lai gần.

"Hiện nay chính phủ Trung Quốc vẫn khá cứng rắn với sản phẩm đột biến gen. Bởi vậy sẽ phải tốn nhiều năm mới có thể đưa chúng ra thị trường", chuyên gia Zhao thừa nhận.

Mặc dù vậy, Trung Quốc dường như chẳng có nhiều thời gian để cân nhắc. Việc thiếu hụt 10 triệu tấn thịt lợn đang khiến giá heo tại đây liên tiếp lập kỷ lục mới.

Theo chuyên gia sinh học Christine Tait Burkard của Viện Roslin, có khả năng có những cá thể lợn hoang hoặc thậm chí heo nuôi kháng được dịch bệnh nhưng để tìm ra chúng và kiểm tra, thử nghiệm là điều vô cùng khó khăn.

"Bạn hoặc là cố tìm ra một con lợn kháng bệnh tự nhiên và lai giống, hoặc sẽ phải tự tạo ra một loài lợn đột biến cho riêng mình", chuyên gia Christine thừa nhận.

X-Pig - Loài cứu thế cho cơn khát lợn điên cuồng ở Trung Quốc - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM