#Why: Tại sao đi học một giờ tại ĐH Ngoại Thương mà chỉ rẻ bằng 1/3 tiền mua một bao thuốc?

13/03/2017 19:29 PM | Xã hội

Câu chuyện của V - một sinh viên Ngoại Thương nghiện thuốc lá: Cậu chi 26.000 - 27.000 đồng cho mỗi bao thuốc mình mua, trong khi chỉ phải trả có hơn 9.000 đồng cho một giờ học tập tại ĐH Ngoại Thương. Chi phí giáo dục liệu có phải đang được tính quá rẻ chăng?

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.


Câu chuyện của V - một sinh viên Ngoại Thương nghiện thuốc lá

V là một sinh viên Đại Học Ngoại Thương nghiện hút thuốc lá. Loại thuốc mà cậu hay mua có giá 25.000 đồng/bao. Tính thêm cả tiền bật lửa, tiền xăng, tiền gửi xe mỗi khi chạy ra siêu thị để mua thuốc, số tiền cậu bỏ ra cho thói quen của mình vị chi cũng cỡ 26.000 - 27.000 cho mỗi bao thuốc.

V cũng là một sinh viên cá biệt tại trường Ngoại Thương. Hôm nay cậu đi học lại môn “Kinh tế vi mô” – môn mà cậu đã trượt 2 lần trước. Học lại nhiều nhưng kỳ thực số tiền cậu đóng chẳng đáng là bao: 3 tín chỉ cho môn này, mỗi tín chỉ giá 140.000 đồng – Tổng cộng là 420.000 đồng cho mỗi lần học.

Hãy thử làm một phép tính như sau: Môn Kinh tế vi mô này được trường Ngoại Thương thiết kế học trong 15 buổi, mỗi buổi 3 giờ, vậy tính ra, giá tiền học mỗi giờ V phải trả chỉ là hơn 9.000 đồng, chỉ bằng 1/3 giá một bao thuốc.

Giá rẻ thế này chả trách mà V chẳng tiếc tiền đi học lại!!! V quan niệm thuốc phải được ưu tiên hơn vì hút vào là để “sướng” người đã, để thỏa mãn cơn thèm đã, chứ học hành thì cả đời, lúc nào chẳng được, chưa kể tiền học lại cũng rẻ mà.

Hút thuốc hay đi học thì có lợi hơn ?

Một cách tự nhiên, chúng ta sẽ nghĩ là thứ hàng hóa nào tạo ra cho xã hội nhiều giá trị hơn thì được người ta mua với giá cao hơn.

Đi học là sử dụng dịch vụ giáo dục. Giáo dục, không thể bàn cãi, đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội.

Nếu một người đi học thì chính họ sẽ được lợi vì có thể có học thức và kiếm được công việc tốt trong xã hội. Nếu một người đi học thì các công ty cũng có lợi vì người đi học kia, sau quá trình học tập rèn luyện, sẽ trở thành nhân sự tốt cho công ty. Nếu một người đi học thì cả xã hội sẽ có lợi vì ai ai đi học cũng trở thành người văn minh, đóng góp cho xã hội ngày một tốt đẹp lên.

Trong kinh tế học, người ta gọi dịch vụ giáo dục này là hàng hóa có “ngoại tác tốt” (Positive externalities) – nghĩa là chỉ một người sử dụng nó thì cả xã hội được nhờ.

Ngược lại, thuốc lá, cũng không thể bàn cãi, chỉ toàn mang đến cho con người và xã hội những điều chẳng mấy tốt đẹp. Người mua thuốc sẽ hút thuốc và nhanh nhiễm căn bệnh ung thư hơn. Người mua thuốc cũng khiến những những người xung quanh mình hút thuốc thụ động và dễ mắc bệnh hơn. Ngoài “bệnh tật”, “ung thư”... có lẽ khó dùng được thêm từ nào để mô tả về hậu quả của thuốc lá.

Trong kinh tế học, người ta gọi thuốc lá này là hàng hóa có “ngoại tác xấu” (Negative externalities) – nghĩa là chỉ một người sử dụng nó thôi thì cả xã hội sẽ chịu thiệt thòi.

Vậy rõ ràng, dịch vụ giáo dục mang lại lợi ích nhiều hơn hẳn so với thuốc lá; và theo lý thuyết người ta sẽ mua dịch vụ giáo dục (đi học) với giá phải cao hơn thuốc lá.

Vậy, tại sao là có câu chuyện như của V ở trên: Đi học một giờ rẻ chỉ bằng 1/3 lần mua bao thuốc để hút.

Để lý giải, đừng quên rằng thị trường luôn có sự méo mó của nó. Trên thị trường tự do, bàn tay vô hình và cơ chế giá vốn sẽ yếu tố giúp xã hội sản xuất đúng những mặt hàng cần thiết với số lượng cần thiết, không thiếu cũng không thừa.

Thế nhưng, nhiều khi bàn tay vô hình có thể bị…què. Điều đó diễn ra là vì cơ chế giá thường chỉ dựa vào lợi ích nhận được và chi phí phải bỏ ra của người mua và người bán. Hiểu nôm na là người ta mua hàng chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà đâu nhìn được cái lợi sẽ đến trong tương lai.

Ví dụ, khi mua bán thuốc lá, cả người mua và người bán đều chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mình: người bán có tiền, người mua được thỏa cơn thèm thuốc.

Trong khi đó, đối với đi học, người ta sẽ phải đóng tiền học hết lớp này đến lớp khác trong 12 năm, rồi lại Đại Học 4-5 năm, mới ra trường lương lại “bèo”, chẳng đủ bù tiền đi học. Suốt mười mấy năm chỉ thấy “tiền đội nón ra đi”, người ta thấy rõ là cái lợi trước mắt của giáo dục trong so được với thuốc lá.

Vì thế, nếu để cho thị trường tự quyết định, người ta chắc chắn sẽ tiêu thụ nhiều thuốc lá so với mức lý tưởng của xã hội. Ngược lại và người ta sẽ đi học ít đi.

Vai trò của Nhà nước

Trong tình huống trên, Nhà nước sẽ quyết định can thiệp nhằm làm mọi thứ tuân theo đúng quy luật phát triển hơn.

Cụ thể, Nhà nước sẽ đánh thuế thuốc lá, vì thế giá thuốc lá sẽ ở mức cao so với các hàng hóa ngoài thị trường. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy. người ta sẽ sản xuất và mua ít thuốc lá hơn.

Ngược lại, khi thị trường tiêu thị quá ít một mặt hàng, nhất là mặt hàng có "ngoại tác tốt" như là giáo dục, Nhà nước sẽ đứng ra trợ cấp để giá của mặt hàng đó giảm. Ở nước ta, đó chính là hệ thống các trường công lập – nơi ngân sách của Nhà nước được dùng để chi trả một phần tiền xây dựng cơ sở hả tầng, tiền lương cho giáo viên…

Học phí mà học sinh phải trả rút cục sẽ được giảm đi, thậm chí rẻ hơn cả một bao thuốc lá. Chuyện ở Việt Nam, người ta kêu trời rằng chi phí Đại học quá rẻ cũng là lý do vì đó.

Có thể kể ra một trường hợp trợ giá khác của Nhà nước cho các mặt hàng có "ngoại tác tốt" là ở Bắc Âu, người ta miễn phí hoàn toàn chi phí giáo dục cho người dân, trong khi cấm hẳn hàng hòa có "ngoại tác xấu" như ma túy.

Vì thế, không là khó hiểu nếu nhiều khi bạn thấy những hàng hóa mang lại nhiều giá trị thì có giả rẻ hều, trong khi nhiều hàng hóa độc hại, không có ích lợi gì lại có giá cao như thế.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM