Ca khó cho du lịch Tp.HCM: 'Tôi không muốn quay lại đây vì chả biết đi đâu ngoài nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi'

09/03/2017 14:04 PM | Kinh tế vĩ mô

Giật mình nhìn lại, trong 20 năm qua, người ta hầu như không được chứng kiến thêm một sản phẩm du lịch mới nào của thành phố Hồ Chí Minh. Liệu đây có phải lý do khiến du lịch của thành phố mang tên Bác bị thụt lùi ?

Thành phố Hồ Chí Minh vốn từ lâu vẫn được coi là một trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò dẫn đầu này dường như đã bị lung lay khi mà thành phố này trong 5-6 năm trở lại đây đã chỉ đóng góp có gần 60% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (con số trước đây thường là 70%).

Ca khó cho du lịch Tp.HCM: Tôi không muốn quay lại đây vì chả biết đi đâu ngoài nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi - Ảnh 1.

Thời gian qua, người ta cũng đã chứng kiến thành phố này tổ chức nhiều hoạt động để thu hút du khách quốc tế như lễ hội áo dài, ngày hội du lịch thành phố, liên hoan món ngon các nước…

Tuy nhiên, các hoạt động này dường như vẫn chưa tạo được dấu ấn. Đồng thời, cũng phải nhìn nhận rằng trong suốt nhiều chục năm qua, du lịch thành phố dường như vẫn chưa thể xây dựng được một thương hiệu du lịch đặc trưng cho chính mình.

Trung tâm du lịch của cả nước nhưng 20 năm qua chỉ loanh quanh với nhà thờ Đức Bà, địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập...

Còn nhớ, trong một hội nghị, ông Đỗ Quốc Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành, đã nói một cách thẳng thắn rằng: “Sản phẩm du lịch của TP sau 20 năm vẫn không có gì mới. Vẫn chỉ là hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, địa đạo Củ Chi…Chúng ta mời gọi khách du lịch quốc tế đến TP.HCM nhưng thử hỏi có gì mới lạ, độc đáo để hấp dẫn khách?”.

Ở hội nghị đó, ông Thông đã dẫn chứng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.HCM từ 20 năm trước đã được thông qua với nhiều dự án hoành tráng được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch thành phố bật lên. Đó là một quy hoạch rất tốt, rất có tầm nhìn. Tuy nhiên, chỉ có một điểm khiếm khuyết ở đó là những gì được vẽ trong dự án đó đến nay vẫn “chưa đâu vào đâu”.

Điển hình phải kể đến trong số đó như như dự án Khu du lịch sinh thái biển Cần Giờ, Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc diện tích 500 ha…Đặt ngược lại câu hỏi, nếu các dự án này được tạo ra trong 20 năm qua kể từ khi bản quy hoạch ra đời, liệu rằng du lịch thành phố liệu có còn bị coi là “không có sản phẩm nào mới” hay không ?

Không đầu tư để tạo ra các dự án mới, hậu quả là du lịch TP.HCM sẽ mất đi những khoản lợi lớn mà nếu đầu tư hiệu quả có thể mang lại kết quả tốt cho ngân sách cũng như cho chính kinh tế thành phố.

Thử nói cụ thể về du lịch đường sông thì vào thời điểm hơn 10 năm trước (năm 2006), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Hữu Thọ đã từng tiết lộ rằng cứ một năm TP.HCM bỏ bẵng phát triển du lịch đường sông thôi thì sẽ ngang như số tiền cả trăm triệu USD bị phung phí.

Đáng tiếc là sau lời nhận xét của ông Thọ thì đến nay du lịch đường sông của thành phố vẫn vậy. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận xét nhìn cảnh quan hai bên bờ kênh, sông hiện nay dường như không có gì thay đổi và không có gì hấp dẫn. Thậm chí có nơi vẫn còn hôi thối thì làm sao khách dám thưởng ngoạn.

Thậm chí, nhiều du khách cũng thường than phiền rằng ngay cả quà tặng lưu niệm cho du khách thì thành phố cũng chưa có sản phẩm nào đặc trưng. Các chương trình giải trí phục vụ du khách cũng đang trong tình trạng quá thiếu.

Trong khi đó, tình trạng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” và đặc biệt là trộm cắp, giao thông không an toàn… đã lại dần trở thành hình ảnh đặc trưng đáng buồn của thành phố.

Doanh nghiệp hiến kế: "Sài Gòn - thành phố không ngủ" ?

Đặt câu hỏi “"Cả chục năm qua, TP.HCM không có sản phẩm du lịch nào mới thì phải làm thế nào" cho các doanh nghiệp thì có vẻ như, tình hình vẫn chưa đến nỗi bi đát như những gì kể trên. Hơn nữa, có nhiều doanh nghiệp còn hiến nhiều "kế sách" tốt cho phát triển du lịch thành phố.

Như theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, thì thực ra, việc tạo thêm được những “sản phẩm du lịch mới” tại một đô thị lớn là bài toán khó không chỉ cho riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho nhiều thành phố lớn khác trên thế giới.

“Ở nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam nói chung hay TP.HCM nói riêng đều không dễ xây dựng một sản phẩm du lịch mới. Nhưng các nước vẫn thu hút được khách du lịch vì họ biết tạo ra sản phẩm bằng những khác biệt đang có”

Theo ông Kỳ, thực ra cái riêng của du lịch thành phố là luôn có, vấn đề là chúng ta có thể giữ gìn được nó hay không mà thôi: "Sản phẩm du lịch của TP.HCM chính là nhịp sống, là văn hóa ẩm thực, cảnh quan, con người, nét đặc trưng của văn hóa Sài Gòn, bấy nhiêu cũng đủ tạo ra những nét riêng, cảm xúc đặc biệt rồi"

"Nói lâu rồi TP.HCM không có sản phẩm du lịch mới là không đúng, mà điều đáng quan tâm là chúng ta đang dần đánh mất, không biết gìn giữ, trân trọng những sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố"

Mơi đây, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn - nơi các "anh tài" ngồi lại với nhau để hiến kế cho du lịch thành phố - nhiều phương án đầy hy vọng cũng đã được đưa ra.

Theo đó, có thể trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ được nghe du lịch TP.HCM định vị dưới cái tên thân thuộc là Sài Gòn, với mục đích gợi lại "cốt xưa" của hình ảnh "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông".

Tuy nhiên, đó cũng có thể sẽ là một "Sài Gòn - thành phố không ngủ", với mục tiêu xây dựng thêm một loạt điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn thu hút du khách để biến nơi đây thực sự trở thành một thành phố nhộn nhịp về đêm.

Trong buổi hội nghị này, vấn đề về giao thông cũng được nhắc đến như một câu chuyện nhức nhối ngăn cản du lịch phát triển. Theo đó, sẽ có nhiều đường cao tốc để rút ngắn khoảng cách đến các điểm du lịch của thành phố và khu vực lân cận được xây dựng. Đồng thời, chính sách mở rộng miễn visa cho khách quốc tế cũng có thể sẽ được áp dụng.

Lời kết

Có thể nói, du lịch TP.HCM vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, chỉ vì nhiều năm ngủ quên trong cái bóng "trung tâm du lịch cả cả nước", thành phố này dường như đã quên mất công việc liên tục làm mới mình.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh trong ngành, đến từ các nước lân cận hay thậm chí là các khu vực lân cận (miền Tây, Phú Quốc), du lịch thành phố rất cần một cú hích để lấy lại đà phát triển.

Cafe vợt độc đáo ở Sài Gòn

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM