Đây là sức mạnh của trí tuệ nhân tạo: Một tiến sỹ Việt Nam công bố sản phẩm công nghệ có thể "chat với người đã khuất"

13/03/2017 10:44 AM | Xã hội

"Hiện thân ảo" của người chết sẽ được tái tạo lại khi các thông tin từ Facebook, Instagram, Twitter...của người này được thu thập. Sau đó, "hiện thân ảo" này sẽ tiếp xúc với người thân của người đã mất, trò chuyện và phần nào làm nguôi đi nỗi đau mất mát nơi những người còn sống

Cuối tuần vừa qua, buổi Hội thảo về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong đời sống (Artificial Intelligence - AI) mang tên "Fast track to AI applications" đã diễn ra tại BKUP Co-working Space - Đại học Bách Khoa, Hà Nội.

Trong chương trình này, 3 vị diễn giả chuyên gia cùng với một nhóm sinh viên nghiên cứu đã trình bày tổng cộng 7 sản phẩm công nghệ mới nhất của mình - đồng thời cũng là các ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo vào đời sống.

Nói đến trí tuệ nhân tạo, người ta nhắc đến một xu hướng công nghệ hứa hẹn sẽ dẫn dắt cả thế giới trong thời hàng chục năm nữa. Và trong buổi hội thảo vừa qua, nhận định này đã càng được khẳng định khi mà một dự án đầy tham vọng đã được giới thiệu đến với công chúng: Hồi sinh người chết bằng trí tuệ nhân tạo.

Đây là dự án của tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức - trưởng phòng nghiên cứu và phát triển, Alt Việt Nam - cùng đồng nghiệp. Dự án này thuộc về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cá nhân (Personal Artificial Intelligence), một nhánh của công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trao đổi với những người tham gia chương trình, tiến sỹ Nguyễn Tuấn Đức tiết lộ rằng dự án sẽ xây dựng một nhân vật ảo, theo hình thức chatbot, mà có thể thay con người làm một số việc như trả lời email, điện thoại, đặt lịch phòng, dùng trong dịch vụ hỗ trợ khách hàng hay trong ứng dụng nấu ăn hoặc quyết định một số việc.


Giao diện thử nghiệm của chatbot trong dự án: Chatbot có thể trả lời những câu đơn giản

Giao diện thử nghiệm của chatbot trong dự án: Chatbot có thể trả lời những câu đơn giản

Và đặc biệt nhất, nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Đức đang mong muốn sử dụng sản phẩm công nghệ của mình để xây dựng lại "hiện thân ảo" của những người đã chết.

"Hiện thân ảo" này sẽ được mang đến cho những người thân của người đã chết đó, nói chuyện cùng họ và qua đó phần nào làm nguôi ngoai nỗi đau của những người còn sống. Để tạo được nhân vật ảo này trên smartphone cho thật giống người thực khi còn sống, một khối lượng lớn các thông tin, hình ảnh của người thật từ Facebook, Twitter, Instagram, Google+...sẽ cần được thu thập.

Câu chuyện này tương tự với việc cô kỹ sư Eugenia Kuyda đã làm hồi sinh lại anh bạn Roman Mazurenko của mình bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã từng được nhắc đến nhiều trên báo chí nước ngoài. Với dự án của tiến sỹ Đức, đây là sản phẩm công nghệ mang tính nhân văn cao cả lần đầu tiên hoàn toàn "made in Vietnam" và cũng lần đầu tiên được giới thiệu đến với công chúng Việt Nam.

Ngoài ra, tại buổi hội thảo, những người tham quan tâm tới công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng đã có cơ hội được chứng kiến những dự án đã được đưa vào ứng dụng và đang thu được một số thành tựu bước đầu như ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong bài toán tìm chỗ đỗ xe của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Giảng viên Đại học Sư phạm kỹ thuật hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của tiến sĩ Lê Hồng Phương – Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong số các diễn giả, tiến sĩ Hajime Hotta – Tiến sĩ về công nghệ máy tính, chuyên ngành mạng neuron tại đại học Keio, Nhật Bản - là người nước ngoài duy nhất tham gia hội thảo với tư cách diễn giả. Trong phần trình bày của mình, ông đã đặc biệt chú ý tới triển vọng và những mô hình áp dụng của trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào cuộc sống con người.

Đức Dũng

Cùng chuyên mục
XEM