Warren Buffet có lẽ đã giúp cứu nền kinh tế Mỹ chỉ bằng một cuộc điện thoại

06/11/2019 13:30 PM | Xã hội

Buffet nói rằng một cuộc khủng hoảng nữa là điều khó tránh vì hai nét tính cách cơ bản của con người làm nảy sinh cuộc khủng hoảng 10 năm trước vẫn không hề thay đổi: sự ganh tị và tham lam.

Vào một đêm muộn tháng 10/2008 giữa cuộc khủng khoảng tài chính, CEO Warren Buffett của Berkshire Hathaway gọi một cuộc điện thoại cho Henry "Hank" Paulson (khi đó đang là Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ) để gợi ý về một giải pháp có thể giúp chính phủ đảo ngược tình thế của nền kinh tế.

Paulson khi đó đang ngái ngủ. "Tôi mệt lả đi", Paulson nhớ lại, "vì cả ngày phải xem xét các ý tưởng về chính sách". Khi đó, Quốc hội vừa thông qua Đạo luật Ổn định Kinh tế Khẩn Cấp, tạo ra một chương trình mua lại các tài sản tài chính có mức độ rủi ro cao từ các định chế tài chính (TARP) có trị giá 700 tỷ USD nhằm mua lại tài sản của các ngân hàng sắp phá sản. Nhưng động thái này chưa đủ để làm các nhà đầu tư bình tĩnh trở lại.

Khi các chuyên gia đang nỗ lực tìm ra một giải pháp, Buffet bỗng nhiên đưa ra một ý tưởng.

Đề xuất của Buffett

Ban đầu, khi vừa thức dậy, Paulson vẫn còn khá bối rối và không biết ai đang gọi cho mình. Khi đã tỉnh táo hơn và biết điều gì đang diễn ra, ông chăm chú lắng nghe Buffet "trình bày ý tưởng mà sau này trở thành nòng cốt của những gì chúng tôi sẽ thực hiện sau này".

Điều mà Buffet nói với Paulson chính là "sẽ có lý hơn nếu đưa thêm nhiều vốn vào các ngân hàng đang gặp vấn đề thay vì cố gắng mua lại các ngân hàng này".

Vào 13/10, CEO của các ngân hàng lớn – gồm John Mack (Morgan Stanley), Jamie Dimon (J.P. Morgan), Lloyd Blankfein (Goldman Sachs), John Thain (Merrill Lynch), và Vikram Pandit (Citigroup) – đã hội đàm tại Bộ tài chính để bàn luận về đề xuất này.

Không phải mọi ngân hàng đều cần hỗ trợ vào lúc đó, và một số CEO tỏ ra lưỡng lự khi đồng ý nhận tiền trợ cấp vì họ sợ rằng điều này có thể cho thấy họ đang vật lộn và khiến các nhà đầu tư tháo chạy. Nhưng Paulson khẳng định rằng sự cứu trợ tài chính này là cần thiết để có thể cứu vãn lòng tin vào nền kinh tế, và rốt cuộc mọi người cũng đồng ý.

Cuộc họp dẫn đến sự kiện Bộ tài chính bơm 250 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, nguồn tiền được lấy từ TARP.

Warren Buffet có lẽ đã giúp cứu nền kinh tế Mỹ chỉ bằng một cuộc điện thoại - Ảnh 1.

Phản ứng sau kế hoạch

Kế hoạch này nhìn chung không được đón nhận tích cực. Những người phản đối biểu tình trên các đường phố vì tiền của người dân đóng thuế bị sử dụng để cứu trợ những nhà đầu tư giàu có ở Phố Wall, những người bị cho là vì nhận định sai lầm nên dẫn đến cuộc khủng hoảng lần này.

Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke cho biết: "Tôi nghĩ vẫn còn nhiều người tin rằng lúc đó chúng tôi chủ yếu cứu giúp các công ty và Phố Wall (thị trường tài chính), tức những người bạn của chúng tôi trong ngành tài chính, chứ không phải nhằm bảo vệ nền kinh tế nước Mỹ".

Paulson, Bernanke và Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là Timothy Geithner nói rằng họ giúp Phố Wall là để giúp nước Mỹ. Mặc dù 3 quan chức tài chính này thừa nhận họ đã không làm tốt khi xử lý cuộc khủng hoảng – chẳng hạn không thể cứu Lehman Brothers – nhưng họ vẫn bảo vệ quyết định bơm tiền vào nền kinh tế qua các ngân hàng.

Paulson nhấn mạnh rằng thị trường đã dần hồi phục kể từ năm 2009, đó là lý do tại sao ông gọi cuộc cứu trợ tài chính này là "chương trình bị thù ghét nhưng thành công nhất trong lịch sử loài người".

Dự đoán cuộc khủng hoảng tiếp theo

Mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ cuối cùng cũng thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008, một số chuyên gia nhận định rằng định chế ngân hàng lỏng lẻo có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nữa trong tương lai gần.

Gần đây, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen nói rằng các khoản vay nợ đòn bẩy là vấn đề đáng lo ngại. "Tôi nghĩ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn, nhưng sau đó lại nghĩ rằng vẫn còn có những lỗ hổng lớn trong hệ thống", bà nói. "Những công cụ có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề nảy sinh hiện đều không hiệu quả ở Hòa Kỳ".

Vào tháng 9 mới đây, Buffet nói rằng một cuộc khủng hoảng nữa là điều khó tránh vì hai nét tính cách cơ bản của con người làm nảy sinh cuộc khủng hoảng 10 năm trước vẫn không hề thay đổi: sự ganh tị và tham lam. Thật không may, Buffet nói, đó "chính là một phần vĩnh viễn của hệ thống".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM