Warren Buffett: Đây là bài học ngạc nhiên nhất mà tôi không hề được dạy ở trường kinh doanh

26/10/2019 22:35 PM | Kinh doanh

Trong bức thư gửi các cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1989, Warren Buffett đã chia sẻ về hiện tượng mà ông gặp rất nhiều trong thực tế nhưng không hề được đề cập đến trong các giáo trình.

Những nhà lãnh đạo vĩ đại luôn luôn có suy nghĩ khác biệt. Nhưng hãy nhìn vào những sản phẩm tiêu dùng ở xung quanh bạn, bạn sẽ nhận ra 1 xu hướng thú vị mà trước đây bạn bỏ qua: gần như trong mọi ngành, từ ô tô cho đến máy tính hay đồ may mặc, các công ty có xu hướng sản xuất những sản phẩm rất giống với những gì đối thủ đang có.

 Tất nhiên, đôi lúc nguyên nhân là bởi vì trên thị trường vẫn còn nhiều khoảng không để khai thác. Nhưng trong không ít trường hợp thì đó là nỗ lực kiếm tiền theo "trend" và để tăng lợi nhuận ngắn hạn. Và không chỉ về sản phẩm, điều này cũng xảy ra ở nhiều khía cạnh khác, kể cả chiến lược mở rộng kinh doanh, marketing cho đến chế độ thù lao. Các công ty thường xuyên sao chép ý tưởng của nhau.

Trong bức thư gửi các cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1989, Warren Buffett đã chia sẻ về hiện tượng này.

"Điều phát hiện đáng ngạc nhiên nhất", ông viết, chính là "trong kinh doanh, có 1 lực đẩy vô hình nhưng rất quan trọng mà chúng ta có thể gọi là "cưỡng chế tổ chức". Trong trường kinh doanh, tôi không hề được chỉ dạy bất cứ thứ gì về sự tồn tại của lực đẩy này, và tôi hoàn toàn không hiểu gì về nó khi bước vào thực tế".

Vị tỷ phú tiếp tục chia sẻ: "Tôi đã nghĩ rằng những nhà quản lý thông minh và đầy kinh nghiệm sẽ tự động đưa ra các quyết định kinh doanh thực sự có lý trí. Nhưng qua thời gian thì tôi nghiệm ra rằng sự thật không phải như vậy. Thông thường thì lý trí sẽ không còn tồn tại hoặc chỉ đóng vai trò thứ yếu nếu họ rơi vào hoàn cảnh "cưỡng chế tổ chức".

Buffett giải thích rằng tình trạng "cưỡng chế tổ chức" có thể xảy ra khi "các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vội vã bắt chước hành vi của các công ty cùng ngành mà chưa hề suy nghĩ thấu đáo". Đó có thể là chiến lược mở rộng, thâu tóm công ty khác, thiết lập mức thù lao cho nhóm lãnh đạo hay bất kỳ hành vi nào khác.

Tình trạng này gây ra những phiền phức như thế nào?

Tính cưỡng chế tổ chức có thể khiến các lãnh đạo doanh nghiệp áp dụng những phương thức tiếp cận hoàn toàn chệch hướng và không phù hợp với doanh nghiệp của mình nhưng vẫn muốn làm như vậy đơn giản bởi vì tất cả mọi người đều đang đi theo hướng đó.

Thông thường thì điều này xảy ra với những lãnh đạo doanh nghiệp có kỹ năng quản lý vốn yếu kém, kết hợp với xu hướng lạm dụng bất kỳ bằng chứng hoặc dữ liệu nào ủng hộ cách làm của họ dù cho đó là những số liệu thiếu chính xác.

Nói cách khác, bài học được rút ra là nếu như bạn giành thời gian để quan sát kỹ càng các đối thủ của mình và áp dụng các chiến lược của họ, cuối cùng rất có thể bạn sẽ mắc phải những sai lầm tương tự và phá sản.

Tuy nhiên Buffett cũng thừa nhận rằng rất khó để có thể tránh rơi vào tình trạng "cưỡng chế tập thể".

"Sau khi mắc phải vài sai lầm đắt giá vì không để tâm đến sức mạnh của tính cưỡng chế, tôi đã phải cố gắng sắp xếp lại và quản lý Berkshire theo những cách mà yếu tố này sẽ được giảm thiểu tối đa". "Bên cạnh đó Charlie [Munger] và tôi cũng đã cố gắng tập trung đầu tư vào các công ty có vẻ như nhận thức rõ ràng được vấn đề này".

Điều đó có nghĩa là ông rất chú ý đến lãnh đạo của doanh nghiệp mà ông muốn rót tiền vào. Phong cách điều hành của họ là gì? Họ có thông thái và lý trí hay không? Họ có thể tập trung vào những yếu tố dài hạn? Và quan trọng hơn cả là họ có nhận thức đủ mạnh về tính cưỡng chế để hành động và tạo ra 1 môi trường sẽ chống lại được tính cưỡng chế hay không?

Cũng vì hiểu rõ về tính cưỡng chế, Buffett thường chỉ bước vào những công ty có những người mà ông "yêu thích, tin tưởng và ngưỡng mộ".

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM