Wang Jinlin: Từ thiếu sinh quân đến tỷ phú bất động sản giàu nhất Trung Quốc

06/06/2017 09:51 AM | Kinh doanh

Wang nhập ngũ từ năm 15 tuổi và có đến 16 năm tại ngũ trong quân đội. Ông điều hành công ty với tác phong quân đội: Nếu như đã ra quyết định mà cấp dưới không triển khai ngay lập tức, họ sẽ phải nộp phạt. Nguyên tắc cơ bản là cấp trên ra lệnh, cấp dưới thực thi ngay tức thì.

Trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2017 được Forbes công bố có tới 198 tỷ phú bất động sản, một con số cao kỷ lục.

Trong Top 5 tài phiệt bất động sản toàn cầu, hành trình thành đạt của Wang Jinlin, người đứng đầu danh sách và Donald Bren, người cùng tên, cùng lĩnh vực kinh doanh với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng giàu hơn gấp 5 lần, là những câu chuyện gây được nhiều cảm hứng nhất.

Nhà tài phiệt bất động sản giàu nhất thế giới, với khối tài sản ước tính lên tới 31,3 tỷ USD, chính là Wang Jinlin. Ông này cũng đồng thời là người giàu nhất Trung Quốc và giàu thứ 18 thế giới trong danh sách Forbes vừa công bố.

Tập đoàn Dalina Wanda của ông xuất phát từ ngành kinh doanh bất động sản, chuyên xây dựng các trung tâm mua sắm và khách sạn trên toàn Trung Quốc. Năm ngoái, hai trong số các công ty của Wang tiến hành IPO trong nước là Wanda Commercial Properties (bất động sản) và chuỗi rạp chiếu phim Wanda Cinema Line.

Tháng 1 vừa qua, ông thậm chí còn tuyên bố Dalian Wanda Group sẽ chi 3,5 tỷ USD để mua lại hãng phim Mỹ Legendary Enterrtainment.

Sinh năm 1954, Wang lớn lên ở Tứ Xuyên trong một gia đình lao động. Năm 1970, ở tuổi 15, ông tòng quân và gắn bó với quân đội Trung Quốc suốt 16 năm sau đó.

Giải ngũ năm 32 tuổi, Wang được nhận vào làm tại chính quyền Quận Xigang tại Dalian, nơi ông lần đầu có cơ hội tiếp xúc với thị trường bất động sản. Chính quyền quận có nhiệm vụ giải tỏa các khu tập thể và tòa nhà thương mại xuống cấp và Wang nhanh chóng nhìn ra cơ hội từ đây. Ông xin nghỉ rồi chuyển sang làm tại công ty bất động sản Xigang Resident Development, khi ấy đang chìm trong nợ nần vào năm 1989.

Đến năm 1992, Wang mua lại công ty này bằng 80.000 USD đi vay. Ông đổi tên nó thành Dalian Wang và kể từ đó đến nay, chưa hề có một thứ gì ngăn cản được ông.

Dưới sự lãnh đạo của Wang, công ty nhanh chóng mở rộng. Từ trọng tâm ban đầu là các dự án nhà ở trong và lân cận Dalian, Wanda bắt đầu xây dựng các dự án tại Thành Đô và Trường Xuân.

Các dự án của Wanda vừa đạt tiến độ nhanh (18 tháng) lẫn chất lượng tốt, vì thế các quan chức địa phương bắt đầu tín nhiệm và phê duyệt nhiều dự án của thành phố cho Tập đoàn này.

Danh tiếng của Wanda chủ yếu đến từ các plaza thương mại, với mô hình điển hình là trung tâm thương mại kết hợp khách sạn 5 sao sang trọng, không gian văn phòng và căn hộ cao cấp.

Website của Wanda mô tả đó là các "khu thương mại độc lập hoàn chỉnh, kết hợp mua sắm, ẩm thực, giải trí và nghỉ ngơi”. Kể từ khi thành lập đến nay, Wanda đã mở trên 100 plaza kiểu này tại hơn 70 thành phố ở Trung Quốc.

Các trung tâm mua sắm này tập trung vào đối tượng trung lưu đang lên của Trung Quốc, cung cấp các thương hiệu thiết kế hàng hiệu, nhà hàng đẳng cấp, quán karaoke và rạp chiếm phim. Mô hình đó thành công choáng ngợp và ông có thể bán các căn hộ cùng văn phòng đi kèm quần thể với giá rất cao.

Wanda Group thậm chí còn mua hãng sản xuất du thuyền sang trọng Sunseeker của Anh với giá 320 triệu bảng. Lý giải cho thương vụ này, Wang cho biết ông cần mua 30 chiếc du thuyền Sunseeker để phục vụ cho 3 bến du thuyền sắp xây dựng tại Trung Quốc. Do đó, sẽ là hợp lý hơn nếu mua đứt luôn công ty đó.

Hiện tại, Wanda có hàng tỷ USD đầu tư trong các dự án bất động sản tại Sydney, London, Chicago và Los Angeles. Wang đang thẳng tiến đến danh hiệu chủ sở hữu chuỗi khách sạn 5 sao lớn nhất thế giới. Mục tiêu của ông là vào năm 2020 sẽ phát triển Wanda thành một thương hiệu quốc tế tương đương với Microsoft, Apple hay Walmart.

Wang điều hành công ty với tác phong quân đội: Nếu như ông đã ra quyết định mà cấp dưới không triển khai ngay lập tức, họ sẽ phải nộp phạt. Nguyên tắc cơ bản là cấp trên ra lệnh, cấp dưới thực thi ngay tức thì.

Thu nhập từ bất động sản là một kênh thu nhập quan trọng của hàng triệu người Mỹ. Năm 2016, xây dựng bất động sản đóng góp doanh thu lên tới 1,2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, tương đương 6% GDP.

Tương tự tại Trung Quốc, đô thị hóa và phát triển bất động sản chính là động lực giúp nền kinh tế này tăng trưởng đột phá trong suốt thời gian qua.

Cơn sốt bất động sản kéo dài nhiều năm đã giúp nhiều người trở nên giàu có, khi mà các quận và khu đô thị mới mọc lên như nấm trên khắp Trung Quốc.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM