Vưu Lệ Quyên: Nâng niu bàn chân trẻ

11/05/2017 16:55 PM | Kinh doanh

“Sự kế thừa của giới trẻ trong công ty gia đình nhằm giúp doanh nghiệp chuyển mình mới mẻ, hiện đại hơn và tiếp cận với các lớp khách hàng mới, để khẳng định Biti’s trẻ trung gần gũi chứ không phải là thương hiệu già cỗi xa cách”, là chia sẻ của Vưu Lệ Quyên - Giám đốc marketing Biti’s và là ái nữ của người sáng lập công ty gia đình này.

Có thể nói dấu ấn trẻ tại Biti’s mới bùng lên năm ngoái với MV về Biti’s Hunter đình đám nhắm đến giới trẻ?

Hơn 10 năm gần đây, Biti’s ít tổ chức các hoạt động marketing, vì thế thế hệ từ 9x dễ cảm thấy hình tượng Biti’s già cỗi xa cách. Có thể nói giày thể thao Hunter năm qua là sản phẩm chủ đạo chúng tôi nhắm vào giới trẻ, thay đổi hẳn chiến lược marketing với những đại sứ thương hiệu trẻ trung, sản phẩm âm nhạc gần với giới trẻ hơn.

Hunter có nghĩa là “thợ săn”, chúng tôi muốn khuyến khích giới trẻ về một mục tiêu nhất định trong cuộc sống và theo đuổi nó. Hãy di chuyển nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để học hỏi và “đi để trở về”, năng động hơn để hội nhập, sử dụng công nghệ hiện đại hơn làm nền tảng, học hỏi tinh hoa của các nền văn hóa khác để trở về có cách đóng góp tích cực hơn. Thị trường nội địa rất tiềm năng, chúng tôi luôn thấy vẫn chưa làm tốt nên tập trung nguồn lực làm tốt hơn. Bằng cách đó chúng tôi muốn giới trẻ hưởng ứng thông điệp tích cực của một thương hiệu Việt.


Vưu Lệ Quyên - Giám đốc marketing Biti’s. Ảnh: NVCC

Vưu Lệ Quyên - Giám đốc marketing Biti’s. Ảnh: NVCC

Vậy tại sao không phải là một thời điểm khác?

Thật ra sản phẩm tốt phải là yếu tố cốt lõi, nhưng phải đi cùng nhiều yếu tố khác nữa mới dành nguồn lực marketing và chiến lược marketing đó phải đúng đắn. Thực ra chiến lược marketing hay chiến lược sản phẩm là cả một quá trình thai nghén trước đó.

Trước đó, với dòng giày trẻ em, chúng tôi đã kết hợp với những công ty toàn cầu như Disney, DC Comic để mua bản quyền hình ảnh nhân vật đưa vào sản phẩm, thổi một luồng gió mới để sản phẩm đẹp hơn, gần gũi hơn khi tiếp cận với trẻ em. Biti’s Hunter hướng đến lớp trẻ từ 9x thì chiến lược marketing phải rất khác biệt để tập trung vào nhóm tuổi này. Biti's là thương hiệu gia đình, chúng tôi lấy nguồn cảm hứng về người Việt là rất quan tâm tới gia đình và theo đó để trở thành thương hiệu cho mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên điểm nhấn nào tùy theo thời điểm và dựa vào chiến lược tổng thể của Biti’s.

Thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, chị nhận định sắp tới sẽ thế nào?

Việt Nam có gần 100 triệu dân, chúng tôi chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn nên tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều để làm. May mắn của Biti’s là đã có một nền tảng về quy trình sản xuất, đội ngũ thiết kế đáp ứng được cho các khách hàng toàn cầu nên tôi tự tin có thể làm tốt hơn trong thời gian tới để người tiêu dùng Việt ủng hộ sản phẩm Việt.

Về nội lực ở chất lượng và mẫu mã chúng tôi đã có nền tảng, với giá cả phù hợp và cách marketing thông minh thì khả năng mở rộng sẽ nhanh hơn. Chúng tôi đang có cách tiếp cận thị trường khác biệt với thời điểm bố mẹ tôi gầy dựng Công ty. Hồi đó không có công cụ nên họ phải tới từng quốc gia tìm nhà phân phối, còn nay chúng tôi dễ dàng thông qua thương mại điện tử để mở rộng ra thế giới. Thực ra Biti’s lâu nay đã bán hàng qua mạng, năm ngoái kênh này tăng trưởng 6 lần và là thương hiệu đứng đầu ngành thời trang trên cổng Lazada.

Chị so sánh mức độ cạnh tranh ra sao vào các giai đoạn khác nhau của công ty gia đình mình?

Cạnh tranh bây giờ rất khốc liệt. Nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài có mặt, rồi hàng trôi nổi của Trung Quốc, nội lực của các doanh nghiệp Việt cũng mạnh hơn xưa rất nhiều. Chúng tôi vẫn đang là thương hiệu phục vụ số đông và tự hào mình phục vụ cho rất nhiều người Việt. Điều đó luôn là nguồn cảm hứng để phát triển.

Slogan “Nâng niu bàn chân Việt” luôn là kim chỉ nam cho Biti’s, miễn sao người tiêu dùng thấy đồng tiền mình bỏ ra cho sản phẩm Biti’s là giá trị thì chúng tôi vẫn trụ vững ở thị trường này. Tôi vẫn thường tư duy về thời kỳ khởi nghiệp rất khó khăn của ba mẹ với tổ hợp vài chục công nhân, cực khổ vậy mà vẫn vận hành tốt để có công ty như ngày nay thì không lý do gì mình được đào tạo tốt, có rất nhiều công cụ hiện đại, nhiều nguồn lực lại không làm tốt hơn.

Quản trị công ty mô hình gia đình từ vài chục người đến hơn 7.600 người, Biti’s gặp thách thức gì?

Phải có không gian cho người làm việc cảm nhận được niềm vui vẻ hạnh phúc và thấy được giá trị của việc họ làm thì họ mới cùng doanh nghiệp học tập, làm việc và trưởng thành. Tôi ấp ủ thực hiện lâu nay và sẽ sâu sát cùng họ để gắn kết và cùng tạo ra giá trị mới cuối cùng. Ứng dụng công nghệ là bước tiến quan trọng cho Biti’s chuyên nghiệp hóa mô hình quản trị.

Năm 2011 tôi triển khai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) của SAP để hỗ trợ tối ưu nguồn lực từ dữ liệu hàng hóa, quy trình kinh doanh, sản phẩm và các nguồn lực khác là bước tạo dựng nền tảng cho Biti’s hiện đại hơn.

Sau đó sang bộ phận marketing nội địa để tìm cách thay đổi phương thức tiếp cận thị trường, thời gian qua Biti’s đã thay đổi chiến lược marketing hiện đại hơn. Tôi hiểu sự chuyển mình phải nhanh, tốc độ bây giờ khác xưa nhiều nên phải rất năng động, nếu không thị trường sẽ đào thải.

Khi sự xung đột thế hệ xảy ra trong công ty gia đình, thường phương cách giải quyết là gì?

Luôn có những mâu thuẫn trong cùng một mục tiêu cho dù quan điểm sống và kinh doanh chúng tôi không khác biệt. Tôi từng xung đột lớn với ba tôi trong nhiều năm trước để rồi nhìn lại thấy không đáng bởi mục tiêu đều giống nhau, mình thấu hiểu cách nhìn của người khác thì sẽ tìm ra giải pháp. Ba tôi thường nói ông làm điều này không vì ông, vì gia đình hay vì ông A, B, C nào đó mà là vì 7.600 con người của Công ty. Tôi cũng nghĩ vậy, các em tôi cũng vậy. Nhưng mỗi con người là khác biệt, những quyển sách tôi đọc, những bộ phim tôi xem đều rất khác ba tôi thì cách nhìn nhận là khác nhau, vậy cần biết điểm chung nằm ở đâu.

Từ năm thứ hai đại học tôi đã vào làm Biti’s và qua hầu hết các bộ phận. Tôi nhớ khách hàng đầu tiên tôi tiếp xúc năm 2004 lúc mới du học trở về, là một trong những thương hiệu uy tín của Anh gần 200 năm. Có thể nói đó là người thầy đầu tiên dạy tôi chuyên nghiệp hóa công ty trong ngành giày, từ cách làm giày, chuẩn hóa quy trình thiết kế, phòng thí nghiệm, chất lượng sản phẩm, hệ thống sản xuất, chuỗi cung ứng và ngày nay là khách hàng lớn nhất của Biti’s.

Cơ duyên đó giúp Biti’s thiết lập nền tảng vững chắc về chất lượng, theo kịp chuẩn quốc tế và tạo những bước phát triển hiện đại hơn. Tôi được bố mẹ tin tưởng giao những dự án lớn và ủng hộ tôi hoàn thành mục tiêu, tạo không gian để thực hiện. Nếu thế hệ đi trước không sẵn sàng hỗ trợ thì rất khó làm việc.


Chiến dịch quảng cáo Biti’s thực hiện qua MV Lạc trôi của Sơn Tùng MTP từng tạo nên cơn sốt thị trường với dòng sản phẩm Biti’s Hunter

Chiến dịch quảng cáo Biti’s thực hiện qua MV Lạc trôi của Sơn Tùng MTP từng tạo nên cơn sốt thị trường với dòng sản phẩm Biti’s Hunter

Lúc “tuổi teen”, chị có bao giờ muốn tách ra khỏi gia đình, vì đâu cần vất vả vẫn có thể sống tốt?

Chắc chắn có (cười). Đó là những lúc mình không hiểu được mục đích đi làm là vì cái gì, chúng tôi sinh ra trong một gia đình kinh doanh và thành đạt về vật chất, đâu phải lo gì. Tuổi 30 tôi từng trăn trở nhiều về mục đích thật sự của cuộc sống, vì mình có quyền lựa chọn theo cách của mình. Thường người ta muốn ngày càng giàu hơn, kiếm nhiều tiền hơn, hàng hiệu siêu xe hay nhà to cửa rộng, quyền lực danh tiếng hoặc làm việc phục vụ được cho lợi ích của nhiều người. Khi suy nghĩ nhiều về ý nghĩa cuộc sống như vậy nó thành động lực đi làm mỗi ngày, rồi tự hỏi nếu mình không làm việc này ai sẽ làm và làm tốt hơn, sau cùng tôi đã chọn vì tất cả mọi người trong công ty. Tư duy về những điều tích cực cho cuộc sống thực sự đã giúp mình làm việc tốt trong một công ty gia đình.

Biti’s 35 năm, chừng ngang với tuổi đời của thế hệ kế thừa đầu tiên, người ta nói nhiều về áp lực hay hào quang thế hệ, chị thì sao?

Tôi nghĩ ba mẹ có những thành công riêng và mình cũng có những mong muốn làm được gì trong cuộc sống. Khi tôi nhìn 7.600 nhân viên Biti’s thì tôi nghĩ sự đóng góp của mình hữu ích và nỗ lực dấn thân, không chỉ cho gia đình mà cho lợi ích của rất nhiều người. Mình được đào tạo, có cơ hội tiếp xúc với kiến thức hiện đại, trải nghiệm thế giới bên ngoài... là may mắn hơn nhiều người khác và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội, làm cho công ty gia đình cũng đã là đóng góp lớn nên tôi chẳng bị áp lực gì. Từng ngày chúng tôi cố gắng đưa cái mới vào Biti’s bằng năng lực riêng của người trẻ.

Thương trường khốc liệt khiến nhiều thương hiệu mất hút, hoặc thay chủ sở hữu, thế hệ chị có bao giờ nghĩ mô hình công ty gia đình sẽ thay đổi?

Biti’s vẫn muốn mình là một thương hiệu thuần Việt, vì cộng đồng Việt và giá trị Việt. Nếu một lúc nào đó cần nguồn lực lớn hơn thì mới tính tới, quan trọng nhất là vì mục đích gì, còn hiện tại mình vẫn lèo lái được bằng nguồn vốn sẵn có thì không nhất thiết phải trở thành công ty đại chúng.

Theo Tuyết Ân

Cùng chuyên mục
XEM