Vượt sự cố sạt lở hầm, bão lũ, Tổng công ty Đường sắt báo lãi hơn 220 tỷ đồng, thu nhập người lao động tăng hơn 11%
Gặp không ít khó khăn, ngành đường sắt vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2024.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, năm 2024, ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn bởi sự cố sạt lở tại hầm Chí Thạnh, hầm Bãi Gió; ảnh hưởng của bão, lũ. Mặc dù vậy, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty tiếp tục duy trì tăng trưởng và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đây là thông tin được ông Khánh đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 của đơn vị.
Theo đó, lượng hành khách đi tàu đạt hơn 7 triệu lượt khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ, sản lượng hàng hóa đạt 5,16 triệu tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu hợp nhất của tổng công ty ước đạt gần 9.700 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kế hoạch và 7,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt hơn 220 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động gần 13 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt được giữ vững, giảm hơn 5% tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.
Việc hoàn thành hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đánh dấu sự thay đổi lớn với vận tải đường sắt nhằm tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng được đánh giá cao, ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt như chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung”. Về vận tải hàng hóa, tổng công ty đã vận chuyển thành công khí thiên nhiên hóa lỏng LNG từ Nam ra Bắc.
Đáng chú ý, trong năm 2024, ngành đường sắt nhận được sự chú ý lớn từ dư luận khi Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỷ lệ tán thành cao.
Theo đó, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h với 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa.
Năm 2025, VNR đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu hơn 9.400 tỷ đồng, bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 theo tiến độ đề ra.